Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Công khai chất lượng phòng khám ngoài công lập

Thu Trang| 23/03/2017 07:23

(HNM) - Sau những sự việc đáng tiếc xảy ra tại các cơ sở y tế tư nhân thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội sẽ có biện pháp gì để khắc phục hạn chế, đồng thời tăng cường công tác quản lý? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền.

.


- Xin ông cho biết, trách nhiệm chính trong công tác quản lý cơ sở y tế tư nhân, nhất là khi để xảy ra các sai phạm tại phòng khám (PK) thuộc về cơ quan nào?

- Trách nhiệm chính trong quản lý các PK đã được phân công rất rõ trong Chỉ thị 10-CT/UBND của UBND TP Hà Nội, ban hành ngày 2-5-2013. Theo đó, Sở Y tế chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở y, dược ngoài công lập, hoạt động trên địa bàn thành phố; đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật; đặc biệt chú ý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài và cơ sở y, dược ngoài công lập không có giấy phép. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước về y, dược ngoài công lập trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện pháp luật hành nghề y, dược và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về hoạt động của cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn… Để xảy ra sai phạm tại các PK tư nhân, nhất là những PK có bác sĩ người nước ngoài hành nghề, cả Sở Y tế và chính quyền địa phương đều phải có trách nhiệm.

- Vậy, ngành Y tế Hà Nội có giải pháp gì để siết chặt công tác quản lý?

- Ngay sau khi xảy ra trường hợp 2 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức hay thai phụ bị chết não và tử vong khi khám phụ khoa ở PK Đa khoa 168 Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt; thành lập 4 đoàn thanh, kiểm tra toàn diện các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, nhất là những PK có yếu tố nước ngoài. Sở Y tế đã chỉ đạo Thanh tra phối hợp với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các PK. Qua một số vụ việc nêu trên, chúng tôi thấy rằng, công tác thanh, kiểm tra cần sát sao, chặt chẽ hơn, nhằm giảm nguy cơ sai phạm của các PK.

- Liệu có phải sau mỗi sai phạm xảy ra, Sở Y tế lại “ra quân” thanh, kiểm tra, sau đó mọi việc dường như “đâu lại vào đấy”, thưa ông?

- Hằng năm, chúng tôi có tổ chức kiểm tra thường xuyên các PK trên địa bàn theo kế hoạch. Lần này là đợt thanh tra, kiểm tra tăng cường. Tới đây, Sở Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước và cũng sẽ mời các doanh nghiệp, người đầu tư phía sau PK đến quán triệt trách nhiệm của họ, để họ thấy rằng, khi tham gia vào lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe phải bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm với người bệnh; cơ sở nào thường xuyên xảy ra sai phạm sẽ kiên quyết xử lý. Trước mắt, chúng tôi xem xét xử lý mức phạt tối đa, khi các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động ngay. Đặc biệt, từ ngày 11 đến 17-3, trong quá trình thanh, kiểm tra, Sở Y tế đã quyết định đình chỉ 3 PK có nhiều sai phạm. Mặt khác, quá trình rà soát, kiểm tra, PK nào liên tục mắc sai phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân sẽ xem xét tước giấy phép hành nghề, yêu cầu phải đóng cửa.

- Dù được phân cấp quản lý, song sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác quản lý PK ngoài công lập chưa thực sự quyết liệt?

- Đúng là sự vào cuộc của chính quyền các địa phương chưa đủ mạnh. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền phải vào cuộc liên tục, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Thanh tra Sở Y tế sẽ tổ chức giao ban định kỳ với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã vào ngày 15 hằng tháng để trao đổi thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, thông báo kết quả thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trên từng địa bàn. Sở Y tế cũng đã có công văn gửi Phòng Y tế quận, huyện, thị xã hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn dán ảnh, niêm yết công khai danh tính người hành nghề tại vị trí dễ nhận biết. Nếu phát hiện cơ sở y tế tư nhân vi phạm quy định, Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã phải cương quyết xử phạt.

- Ông có lời khuyên gì đối với người bệnh khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân?

- Sau đợt tổng rà soát các PK, Sở Y tế sẽ đánh giá chất lượng các PK trên địa bàn thành phố và công bố công khai trên website của ngành, các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân biết, chọn lựa. Để tránh “tiền mất tật mang”, trước khi đi khám, người dân nên tìm hiểu trước hoạt động của PK, giấy phép, lĩnh vực chuyên môn họ đăng ký và tìm hiểu bác sĩ làm việc tại đây. Khi đến khám cần kiểm tra kỹ danh sách bác sĩ mà PK niêm yết, phạm vi hành nghề có đúng với giấy phép đăng ký không. Khi lựa chọn dịch vụ, người dân nên thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh việc thấy bác sĩ phán “bùi tai” lập tức nghe theo.

Trong quá trình khám, chữa bệnh, người dân có bất kỳ khiếu nại hoặc thắc mắc gì đều có thể gọi về Đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội theo số điện thoại: 04.39985765.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Công khai chất lượng phòng khám ngoài công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.