Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngộ độc rượu Methanol: Tìm giải pháp xử lý tận gốc

Mỹ Anh - Ngọc Diệp| 23/03/2017 18:26

(HNMO) - Đâu là nguyên nhân dẫn đến số ca ngộ độc rượu gây tử vong cho nhiều người tăng nhanh hiện nay? Giảp pháp nào để hạn chế tình trạng sản xuất rượu và bán rượu không rõ nguồn gốc đang khá phổ biến...?

Đông đảo đại diện các bộ ngành, cơ quan chức năng và doanh nghiệp tham gia toạ đàm.


Tham dự buổi toạ đàm do Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam tổ chức có đông đủ đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Vụ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương; Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai; Đại học Y Hà Nội; Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội và đại diện các doanh nghiệp sản xuất bia rượu...

Chỉ rõ thủ phạm từ cồn công nghiệp

PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam cho biết, Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn đã vào cuộc mạnh mẽ trong truyền thông, khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng rượu, bia một cách có văn hoá, có trách nhiệm. Tuy nhiên, thời gian qua, thực trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol đã có nhiều diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 ca tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ, Lai Châu; vụ các sinh viên ở Cầu Giấy, Hà Nội.

Nguyên nhân của những vụ ngộ độc này đã được các cơ quan chuyên môn xác định do nạn nhân đã sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa Methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp vượt đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, đại diện Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai khẳng định thêm, trước đây có rất ít các ca ngộ độc rượu. Kể cả rượu nấu theo phương pháp thủ công cũng không gây ra ngộ độc hàng loạt.

Nguyên nhân chính dẫn đến số ca ngộ độc gia tăng là một số cá nhân, vì hám lợi, đã dùng cồn công nghiệp để pha chế, cho ra các loại rượu với giá thành rẻ bởi nếu nấu từ gạo thì sẽ không có lãi lớn.


Số ca ngộ độc rượu do Methanol trước và sau Tết Nguyên đán 2017 tăng nhanh.


Người dân ngộ độc, nhà nước thất thu

Theo số liệu BS Nguyên đưa ra, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận 34 bệnh nhân ngộ độc rượu, trong đó có 9 ca tử vong. Kết quả chụp não cho thấy có 15 trường hợp bị chấn thương não. Ngoài ra, hàng chục trường hợp bị giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn khi ra viện.

Các trường hợp này có điểm chung là uống quá nhiều, lạm dụng và nghiện rượu, loại rượu không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đáng chú ý, 32/34 trường hợp cho biết mình uống rượu ở Hà Nội.

"Hiện có một thực trạng nguy hiểm là ai cũng có thể trở thành dược sĩ. Chỉ cần nghe nói con này, con kia bổ lắm là đem về ngâm rượu. Từ ong, bò cạp cho đến mật gấu... trong khi không hề có cơ sở khoa học" - TS. Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nêu ra một thực trạng khác cũng đáng lo ngại.

Không chỉ gây ra những hiểm hoạ với người tiêu dùng, các loại rượu không dán tem mác đang gây thất thu cho nhà nước một khoản thuế lớn.

Đại diện Công ty cổ phần bia-rượu-nước giải khát Aroma - đơn vị sản xuất rượu Vodka Men cho biết, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 về sản xuất và kinh doanh rượu, quy định toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước (bao gồm cả sản phẩm của các làng nghề, các hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân sản xuất rượu thủ công) phải được dán tem và đăng ký công bố hợp quy về chất lượng.

Tuy nhiên, những năm qua, chỉ có một phần nhỏ các đơn vị sản xuất chấp hành quy định này. Theo thống kê của Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, 80% lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường hiện không được dán tem thuế. Điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng, gây hệ luỵ nghiêm trọng.


Tại Hà Nội đã phát hiện một quán cơm bán rượu có chứa hàm lượng methanol cao vượt ngưỡng  hơn 2.000 lần.


Quán cơm, hàng nước, muốn bán rượu phải có giấy phép

Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương Phan Chí Dũng thừa nhận thực tế quản lý rượu "tự nấu, tự ngâm" rất khó. Ngoài ra, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu trong nước hiện nay mới chỉ phát huy tác dụng ở khâu sản xuất, bán buôn, còn khâu bán lẻ vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Theo đó, ông Dũng đưa ra đề xuất, tới đây, nơi bán rượu dưới mọi hình thức, từ các quán cơm, quán nước... phải xin giấy phép. Với các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc sẽ tịch thu. Muốn vậy, quy trình cấp phép phải đơn giản hoá để các cơ sở kinh doanh dễ dàng đăng ký với chính quyền việc bán rượu có nguồn gốc, tem nhãn, thành phần rõ ràng

Việc quản lý chặt cồn công nghiệp cũng là yêu cầu đặt ra cấp thiết. Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam Phan Thị Kim cho biết, nguyên liệu cồn công nghiệp, cồn y tế đang được bán thoải mái trên thị trường chính là cơ hội cho các cá nhân và cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng để pha chế.

Ngoài ra, phần lớn các ý kiến phát biểu tại Toạ đàm đều thống nhất vai trò của chính quyền địa phương trong tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử phạt thật nặng các trường hợp sản xuất rượu trái phép và tuyên truyền thay đổi ý thức của người uống rượu là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngộ độc rượu Methanol: Tìm giải pháp xử lý tận gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.