Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa đạt hiệu quả mong muốn

Miên Hạo| 02/04/2017 08:12

(HNM) - Một trong những nguyên nhân của vấn đề trên chính là người nghiện thiếu… tự nguyện.


Tư vấn cho người tự nguyện cai nghiện tại gia đình.


Những bất cập

Báo cáo của Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, hiện cả nước có trên 210 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015. Số đối tượng nghiện đã xuất hiện ở gần 90% quận, huyện và 70% xã, phường, thị trấn trong cả nước. Đáng lo ngại hơn là tình trạng người nghiện do sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng nhanh. Thực tế, tình trạng người nghiện gây án tăng cao thời gian qua đã khiến công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trở nên cấp bách. Cùng với đó, công tác cai nghiện tại không ít địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, phương pháp điều trị; an ninh tại nhiều cơ sở điều trị chưa bảo đảm…

Công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần được quan tâm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Giải pháp trọng tâm của vấn đề chính là đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Trong đó có mô hình cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng được kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả do lồng ghép được công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả xã hội, từng bước xóa bỏ định kiến, giúp người nghiện dễ dàng hòa nhập, giảm sự căng thẳng trong cuộc chiến chống tệ nạn này. Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả mô hình này, sự chủ động, ý chí quyết tâm của người nghiện đóng vai trò then chốt.

Thực tế cho thấy, dù mang lại nhiều lợi ích, như: Hạn chế chi phí, bảo mật về thực trạng bản thân, giảm ảnh hưởng từ “bạn nghiện”, được tiếp xúc với người thân và môi trường sống quen thuộc…, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đang gặp nhiều bất cập và còn hạn chế. Nhiều người nghiện không có ý thức cai nghiện, không tuân thủ đúng, đầy đủ phác đồ, không hợp tác với cán bộ điều trị khiến việc cai nghiện kéo dài, kết quả không cao.

Hiện nay, cả nước mới có 26 tỉnh, thành phố thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 12.793 đối tượng nghiện. Từ nghiên cứu thực tế, bà Phạm Hương, chuyên gia Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD cho rằng: “Phương pháp cai nghiện tự nguyện tại nhà và cộng đồng chưa phát huy được hiệu quả là do người hỗ trợ, chăm sóc còn thiếu hiểu biết về quy trình điều trị cũng như chưa quan tâm đúng, đủ đến bệnh tình của người nghiện, dẫn đến tình trạng người nghiện phải tự loay hoay với vấn đề của mình. Không ít gia đình, dù thân nhân có dấu hiệu tâm thần, trầm cảm… do sử dụng ma túy, nhưng không đưa đến bệnh viện mà tự ý điều trị tại nhà, điều trị không theo phác đồ, cho bệnh nhân uống thuốc thất thường, thậm chí tự ý bỏ thuốc… khiến quá trình điều trị không hiệu quả”. Cùng với đó, định kiến của xã hội đối với người nghiện đã và đang là rào cản khiến đối tượng mặc cảm, luôn che giấu tình trạng bản thân, không đối diện với thực tế và không hợp tác. “Nhiều người nghiện sau cai không tìm được việc làm khiến họ không chỉ rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn mà còn trở lại trạng thái mặc cảm, bế tắc lại quá nhàn rỗi nên dễ dẫn đến tái nghiện”, bà Phạm Hương cho hay.

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, công tác cai nghiện ma túy còn nhiều hạn chế, trong đó công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng còn chưa được thuận lợi như cơ sở vật chất cấp xã, phường còn thiếu, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế, phụ cấp thấp trong khi trách nhiệm lớn, nhiệm vụ phức tạp khiến hiệu quả công việc chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tại một số địa phương chưa chặt chẽ và đồng bộ dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong công tác cai nghiện; tỷ lệ đối tượng được dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm còn thấp…

Để công tác cai nghiện thành công và tránh tái nghiện, nhiều chuyên gia kiến nghị: Cần tập trung khuyến khích cá nhân, gia đình tự nguyện tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đi đôi với việc có đầu tư đúng mức hơn nữa cho các mô hình cai nghiện. Cùng với đó, các môi trường cai nghiện cần được cải thiện, nâng cấp, cần có giải pháp phân loại đối tượng nghiện tốt hơn để công tác cai nghiện đạt hiệu quả; có chính sách hỗ trợ sau cai thiết thực, phù hợp để họ có việc làm, tự ổn định cuộc sống; đổi mới công tác tuyên truyền phòng chống ma túy nâng cao hiểu biết, xóa bỏ sự kỳ thị cũng như ý thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện, thúc đẩy quyết tâm cai nghiện thành công, sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa đạt hiệu quả mong muốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.