Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: "Vàng thau lẫn lộn"

Thu Trang| 04/04/2017 06:28

(HNM) - Công tác quản lý các cơ sở hành nghề đông y cũng như việc kiểm nghiệm chất lượng các bài thuốc vẫn đang là bài toán khó...


Bài đầu: "Vàng thau lẫn lộn"

Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục cảnh báo, song nhiều người thay vì chọn cách điều trị khoa học lại đi theo “tiếng gọi” của… lang băm. Và trong khi những lương y chân chính với lang băm còn... “vàng thau lẫn lộn”, không ít người đã chịu cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Thuốc đông y bày bán trên phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Anh Tuấn


Nhiều lương y... tự phong

Những ngày qua, dư luận xôn xao về clip quảng cáo các bài thuốc gia truyền của một phụ nữ tự xưng là “dược sư” Bùi Thị Phấn (ở thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức). “Dược sư” này cam kết chữa trị được nhiều bệnh, như: Viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, trĩ nội, trĩ ngoại, sỏi thận, ung thư... Các cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức đã từng lập biên bản, thu giữ biển quảng cáo, đình chỉ đối với cơ sở kinh doanh thuốc gia truyền của bà Phấn. Sau một thời gian không hoạt động, gần đây bà Phấn lại tự quay clip rồi “tung” lên mạng xã hội.

Cũng từng 4 lần bị đình chỉ hành nghề vì bốc thuốc, chữa bệnh không được cấp giấy chứng nhận và dù không treo biển hiệu nhưng ông Nguyễn Bá Nho (ở huyện Sóc Sơn) vẫn được nhiều bệnh nhân ung thư tìm đến với quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”. Trực tiếp đến xưởng sản xuất thuốc cũng như tận mắt chứng kiến ông Nho lấy của người bệnh 5 triệu đồng/hộp thuốc (gồm các loại lá thuốc được nghiền thành bột), Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội khẳng định, thuốc đông y chỉ có thể giúp bồi bổ sức khỏe, kéo dài thêm sự sống, chứ không thể chữa khỏi được ung thư. Thế nhưng ông Nho cũng như nhiều “lương y” tự phong đã lợi dụng lòng tin của người dân, “thổi phồng” về khả năng chữa bệnh. “Hiện có quá ít lương y được cấp chứng chỉ hành nghề. Hội Đông y TP Hà Nội có khoảng 5.000 hội viên, nhưng mới chỉ có gần 1.000 người được công nhận là lương y. Mới đây, một trang điện tử quảng cáo bài thuốc đông y chữa nám má, họ còn dán cả ảnh tôi vào để tạo lòng tin. Nhiều người đã gọi điện hỏi tôi về bài thuốc này” - ông Nguyễn Hồng Siêm cho biết thêm.

Không riêng gì các cơ sở khám bệnh, bốc thuốc y học cổ truyền, và ngay cả chất lượng nguồn dược liệu, cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Đến “phố thuốc bắc” Lãn Ông (Hà Nội), chẳng khó khăn khi hỏi mua các loại dược liệu, từ những sản phẩm đơn giản như hà thủ ô, nhân trần, tam thất, kỷ tử, ba kích… đến loại cao cấp như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, sâm… Giá cả của các sản phẩm này rất khác nhau. Điểm chung duy nhất là nguồn dược liệu đều không rõ nguồn gốc.

Từng nghiên cứu, đánh giá chất lượng dược liệu sử dụng trong y học cổ truyền trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Siêm cho rằng, dược liệu bày bán ở phố Lãn Ông chủ yếu là hàng trôi nổi, được nhập từ chợ đầu mối Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), nơi chuyên cung cấp dược liệu nhập từ con đường tiểu ngạch, được bán chẳng khác gì... rau. Trong chuyên môn tây y cũng như đông y, người bệnh phải sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có nghiệp vụ chuyên môn và được cấp chứng chỉ. Nhiều người lầm tưởng, đông y là lành, là bổ nên lạm dụng, dễ bị ngộ độc. Thậm chí, nhiều người chỉ xem thông tin quảng cáo trên mạng, nghe “truyền miệng” đã mua về uống. Tuy nhiên, thực hư về kinh nghiệm, kiến thức chữa bệnh của thầy thuốc đó như thế nào, chất lượng loại dược liệu đó ra sao, không phải người dân nào cũng tìm hiểu được.

Mất mạng vì… lang vườn

Các bác sĩ của Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cứu sống bệnh nhân L. Đ.T. (58 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng hôn mê, tim gần như ngừng đập. Trước khi nhập viện, ông T. tự ý mua thuốc nam không rõ nguồn gốc của một người dân tộc mang về điều trị đau khớp. Uống được gần một tháng, ông T. cảm thấy người mệt mỏi, ăn uống kém, tiểu ít, ý thức giảm dần. Trước nguy cơ tử vong cao, ông T. được chuyển từ bệnh viện địa phương lên Viện Tim mạch quốc gia và may mắn được các bác sĩ tại đây cứu sống.

Không riêng trường hợp ông T., Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị dị ứng, thậm chí lở loét toàn thân vì sử dụng thuốc đông y không nguồn gốc của các "ông lang, bà mế". Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng đã cấp cứu khá nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, thậm chí tử vong do sử dụng các bài thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Điển hình là trường hợp chủ một doanh nghiệp (32 tuổi ở Hà Nội) phát hiện bị viêm gan và đang được điều trị duy trì sức khỏe ổn định theo đơn của bác sĩ. Sau một thời gian điều trị tây y, nghe lời khuyên của bạn bè, bệnh nhân mua một loại thuốc bí truyền đặc trị viêm gan của lang vườn. Chưa đầy 2 tuần sử dụng thuốc, bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng suy gan nặng và tử vong chỉ sau vài ngày.

Theo lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, có người sau khi bỏ quê đi biệt tích mấy năm, “học lỏm” được bài thuốc nam, thuốc bắc, bỗng một ngày trở về dựng biển “nhà thuốc lương y” và khẳng định với mọi người có thể chữa được tất cả bệnh nan y. Từng rộ lên câu chuyện một người ở Bắc Ninh, sau một thời gian làm nghề buôn bán, bỗng chốc trở thành lương y chữa vô sinh và sinh con theo ý muốn... Không chỉ tiền mất mà nhiều người còn mang thêm tật vì uống phải những bài thuốc không rõ nguồn gốc. Có lang vườn sau khi gây sự cố chết người, bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý, song hậu quả với thân nhân người không may thì không thể khắc phục.

Lương y Nguyễn Xuân Hướng lo ngại, sở dĩ có tình trạng thuốc đông y gây nhiều biến chứng như thời gian qua là do sự quản lý, kiểm soát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các biện pháp và chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, khiến cả người buôn bán lẫn người bốc thuốc đều không sợ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: "Vàng thau lẫn lộn"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.