Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng cồng no ấm

Phúc Bản| 09/04/2017 07:31

(HNM) - Tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng ở bản Mường Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) luôn tiếp thêm sức mạnh cho người dân trong vùng đoàn kết, giúp đỡ nhau để vơi bớt nhọc nhằn, cùng vươn lên trong cuộc sống; biểu thị cho

Đội Văn nghệ thôn Đồng Ké biểu diễn cồng chiêng.


Trước đây thôn Đồng Ké với nếp canh tác nông nghiệp truyền thống lạc hậu nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2000 đến nay, thôn Đồng Ké được Nhà nước đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa. Nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của người Mường Đồng Ké được cải thiện rõ rệt. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động ngày công lao động từ nhân dân, thôn Đồng Ké được đầu tư kinh phí 400 triệu đồng xây dựng nhà sàn văn hóa khang trang; trang bị bộ cồng chiêng 12 chiếc và 30 bộ trang phục dân tộc Mường. Cùng với đó, Đội văn nghệ thôn được thành lập gồm 25 người.

Được tạo điều kiện về mọi mặt, Đội Văn nghệ thôn Đồng Ké đã từng bước khôi phục các điệu múa, hát cồng chiêng cổ của dân tộc Mường. Nếu như trước đây cồng chiêng chỉ dành cho các gia đình quan lang giàu có và được chơi vào dịp lễ, Tết... thì nay mọi người dân có thể tham gia vào các nghi thức cồng chiêng trong các sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mường.

Với người Mường Đồng Ké, cồng chiêng là nhạc cụ nghi lễ, các bản hòa tấu của dàn cồng chiêng đều nhằm mục đích phục vụ lễ thức và được coi là một thành tố của lễ thức đó. Mỗi nghi lễ có ít nhất một bài nhạc cồng chiêng. Đội trưởng Đội Văn nghệ thôn Đồng Ké Đinh Thị Phúc cho biết: Âm thanh của dàn cồng chiêng từ bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mường nơi đây. Chuyện đại hỷ của người Mường mà không có tiếng cồng chiêng thì như thiếu một điều gì đó rất thiêng liêng, không gì thay thế, bù đắp được. Vì thế các bài nhạc của nhạc công thôn Đồng Ké đã đạt đến trình độ biểu cảm phù hợp với trạng thái tâm tư, tình cảm của con người trong mỗi nghi lễ.

“Cồng chiêng tang lễ thì chậm rãi, man mác buồn; cồng chiêng khai hạ mừng xuân hay lễ hội được mùa thì rộn ràng, thánh thót, vui tươi như giục giã trăm hoa đua nở, gọi mời chim hót líu lo, người người phấn khởi hăng say lao động sản xuất. Đây là những nét văn hóa đặc sắc nơi núi rừng Đồng Ké không thể trộn lẫn” - bà Đinh Thị Phúc chia sẻ.

Ngoài đời sống tinh thần được nâng lên, trọng tâm là khôi phục thành công đội cồng chiêng, đời sống vật chất của người dân Đồng Kẻ đã có thay đổi nhiều so với trước đây. Trưởng thôn Đồng Ké Nguyễn Viết Đăng cho biết, nhờ chủ trương, chính sách ưu đãi vùng đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước, những năm qua nhiều dự án về xử lý rác thải, giao thông, thủy lợi nội đồng... đã được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân Đồng Ké đã phát huy nội lực, tích cực đóng góp công sức, tiền của... xây dựng, sửa chữa hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch đẹp.

Chia sẻ về những đổi mới của quê mình, ông Nguyễn Viết Đăng tự hào: Bản Mường Đồng Ké đã 2 lần được công nhận Làng văn hóa. Mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là “Lễ khai hạ đầu xuân”, “Ngày hội được mùa”… cả thôn lại vang lên tiếng cồng, tiếng chiêng rộn ràng, náo nhiệt, tạo không khí phấn khởi, vui tươi, tiếp thêm năng lượng cho đồng bào tăng gia lao động sản xuất, vun vén tình làng nghĩa xóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng cồng no ấm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.