Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội thay đổi cuộc sống cho người khuyết tật

Lâm Vũ| 09/04/2017 07:37

(HNM) - Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống của con người. Với người khuyết tật, công nghệ thông tin càng trở nên ý nghĩa khi giúp họ giải quyết được những khó khăn trong học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày.

Một lớp học về công nghệ thông tin do Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức.


Nhiều lợi ích


Là chương trình hợp tác giữa Hội Người khuyết tật (NKT) TP Hà Nội và Hội Phục hồi chức năng cho NKT Hàn Quốc, dự án "Thiết lập môi trường cho NKT nhằm giảm khoảng cách kỹ thuật số tại Hà Nội" được triển khai từ năm 2014 tại quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm với nhóm hưởng lợi là NKT sinh sống tại Hà Nội, tuổi từ 15 đến 60, thanh thiếu niên là con NKT (ưu tiên thanh thiếu niên và phụ nữ khuyết tật).

Năm 2015 và 2016, dự án tiếp tục mở rộng tại 8 quận, huyện gồm: Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Thanh Xuân, Mỹ Đức và Ba Đình. Mục đích của dự án là phổ biến tin học cơ bản cho NKT và hướng tới mục tiêu tiếp cận với công nghệ thông tin (CNTT), giúp NKT có cơ hội việc làm. Năm đầu tiên, học viên được học các chương trình cơ bản như Word, Excel, Power Point.

Những năm tiếp theo, học nâng cao với các chuyên ngành Photoshop, Marketing online để có thể tham gia vào thị trường lao động. Không chỉ đào tạo, dự án còn giúp NKT tiếp cận được với một số doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT. Ngoài CNTT, dự án còn cung cấp cho học viên các kỹ năng mềm như kỹ năng xin việc, kỹ năng giao tiếp... Vì thế năm 2015, một số học viên của khóa học đã được công ty chuyên về đồ họa của Đan Mạch là Esoftflow giữ lại làm việc với mức lương cao.

Theo bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, ích lợi của dự án là thúc đẩy việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của NKT. "Khi NKT biết CNTT thì bản thân sự hiểu biết của họ cũng được nâng cao, do có thể vào được trang web xem thông tin để mở mang kiến thức. Bên cạnh đó, NKT có thể áp dụng vào công việc lao động hằng ngày hay giúp tăng cơ hội tìm việc làm, nhất là đối với lao động trẻ. Ví như các học viên ở huyện Phú Xuyên đã góp tiền mua máy photocopy, máy in, máy tính để làm công việc đánh máy, in sao tài liệu. Trong khuôn khổ dự án, nhà tài trợ cũng hỗ trợ cho 3 đơn vị gây dựng cửa hàng photocopy, đánh máy ở huyện Đông Anh", bà Phan Thị Bích Diệp cho biết.

Còn nhiều khó khăn

Đánh giá ý nghĩa của dự án, ông Nguyễn Trung Thành, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: "Khi CNTT ngày càng phát triển thì nhu cầu lao động chất lượng, được đào tạo bài bản ngày càng cao. NKT hiện nay được đánh giá là nguồn lao động tiềm năng trong lĩnh vực CNTT nếu họ được đào tạo bài bản. Dự án được triển khai thực sự có ý nghĩa rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho NKT. CNTT lại là ngành ít đòi hỏi di chuyển nên được xem là lĩnh vực phù hợp với những lao động là NKT".

Hà Nội hiện có 98.792 NKT, chiếm 1,3% dân số. Trong tổng số NKT có 13.264 người thuộc hộ nghèo, chiếm 13%; 27.092 NKT cao tuổi, chiếm 27%; 11.723 trẻ em khuyết tật, chiếm 12%... Số liệu thống kê chung của cả nước cho thấy trình độ học vấn của NKT tại Việt Nam rất thấp: 41% chỉ biết đọc biết viết; 19,5% học hết cấp một; 2,75% trình độ trung học chuyên nghiệp hay chứng chỉ học nghề, và ít hơn 0,1% có bằng cao đẳng hoặc đại học.


Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Bích Diệp, năm thứ nhất triển khai dự án khá thuận lợi vì số NKT để vận động còn nhiều. Nhưng sang năm thứ hai, số NKT ít đi và đi kèm nhiều khó khăn phát sinh, điển hình là việc NKT cần phải có người thân đưa đến lớp nên không phải ai cũng có cơ hội được đi học. Như tại huyện Gia Lâm có địa bàn rộng, Trung tâm dạy nghề ở vị trí đầu huyện, NKT ở cuối huyện, quãng đường di chuyển đến lớp xa hơn 30km nên rất bất tiện. Một khó khăn khác là yêu cầu trình độ THCS mới đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào của khóa học, nhưng số lượng người đủ điều kiện không nhiều. Ngoài ra, đa số NKT và gia đình họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì thế tỷ lệ NKT tiếp cận, sử dụng internet hạn chế. Ngoài ra, tâm lý tự ti cũng là một trong những rào cản của không ít NKT...

Năm 2017 là năm cuối cùng của dự án, việc tuyển học viên đang là vấn đề rất khó khăn. Chính vì vậy, Hội NKT Hà Nội sẽ phải làm tốt công tác vận động để hội viên tự tin tham gia khóa học, tự tạo cho chính mình cơ hội tìm kiếm việc làm thay đổi cuộc sống. "Ngoài ra, chúng tôi sẽ vận động các doanh nghiệp tại địa phương nhận NKT vào làm việc. Đây là một thách thức lớn, nhưng chúng tôi sẽ làm hết sức để dự án thật sự hữu ích đối với NKT", bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT Hà Nội nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội thay đổi cuộc sống cho người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.