Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môi trường không khói thuốc: Con đường chông gai?

Thu Trang| 11/04/2017 06:15

(HNM) - Để có môi trường không khói thuốc là điều không đơn giản, thậm chí còn nhiều gian nan.


Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Anh Tuấn


Cấm cứ cấm, hút vẫn hút...

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2013 quy định cụ thể, tại những nơi như bệnh viện, trường học, khu vui chơi, chăm sóc trẻ em... tuyệt đối không được hút thuốc lá. Còn theo Nghị định 176, nếu hút thuốc ở khu vực có quy định cấm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn “đốt thuốc” tại những địa điểm này mà không hề bị phạt. Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào một buổi sáng, phóng viên Báo Hànộimới vẫn bắt gặp cảnh người nhà bệnh nhân vô tư phì phèo thuốc lá. Khi được hỏi, họ thản nhiên cho rằng ở đây không thấy ai xử phạt nên vẫn… hút.

Tại hội nghị triển khai phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện được tổ chức mới đây, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, ngành Y tế Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở các bệnh viện. Nhưng qua kiểm tra, đánh giá, tình trạng hút thuốc lá vẫn còn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. Việc xử lý hành vi này thường là nhắc nhở, có chăng cũng chỉ là “phạt nguội” khi nhận được phản ánh của người dân qua đường dây nóng, chứ các bệnh viện rất khó bắt được quả tang vi phạm.

Không chỉ ở bệnh viện, ngay tại khu di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vào thời điểm lượng khách đến đây đông, việc cấm hút thuốc cũng chỉ nằm trên… tấm biển. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, nội quy tham quan được dán ngay ở cổng soát vé, trong đó quy định rõ “Không hút thuốc trong khuôn viên di tích”, thậm chí đã có biển nhắc “Không hút thuốc” nhưng không phải ai cũng chấp hành. Ông Kiêu khẳng định, nếu phát hiện du khách hút thuốc, lực lượng bảo vệ sẽ nhắc nhở. Thế nhưng, do lực lượng bảo vệ mỏng, khó có thể bao quát hết.

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) tại Việt Nam do Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ, nhà hàng ăn uống là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của khói thuốc nhiều nhất (chiếm 80,7%). Còn kết quả điều tra đánh giá tình hình thực thi quy định nhà hàng không khói thuốc ở Hà Nội cho thấy, trong số 195 nhà hàng được khảo sát, chỉ có 25,1% thực hiện quy định cấm hút thuốc trong năm 2015 và con số này tăng lên 44,1% vào năm 2016. Tâm lý sợ mất khách, nhân viên nhà hàng ngại không dám can thiệp là những khó khăn các nhà hàng gặp phải khi thực hiện "không khói thuốc".


Tình trạng người dân hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn khá phổ biến. Ảnh: Nguyễn Quang


Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Dù thành công với mô hình nhà hàng không khói thuốc, nhưng anh Dương Mạc An Tôn, quản lý nhà hàng Lẩu Sauna (24 làng Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho rằng, để thực hiện một cách triệt để không khói thuốc trong nhà hàng là “con đường đầy chông gai”. Bởi lẽ, hút thuốc với một số người là thói quen đã định hình, khó bỏ. Chính vì vậy, dù treo biển “Không hút thuốc”, song không ít thực khách vào quán vẫn thản nhiên rút thuốc ra hút. “Nếu nhẹ nhàng giải thích khách không nghe, chúng tôi buộc phải “cưỡng chế” mời khách ra ngoài mà hút. Không ít lần khách hàng khó tính thể hiện thái độ không bằng lòng bằng cách đập vỡ bát, vỡ nồi” - anh Dương Mạc An Tôn chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta nên học tập kinh nghiệm từ các nước trong việc cấm hút thuốc nơi công cộng, nhất là cần nghiêm khắc hơn với những cá nhân vi phạm, tránh tình trạng “nhờn” luật. Ví dụ như ở Singapore, quốc gia đi đầu trong việc thực hiện mô hình không khói thuốc nơi công cộng, những địa điểm như bệnh viện, trường học, nhà hàng chính là vùng cấm của khói thuốc. Ai vi phạm sẽ chịu mức phạt rất nặng. Tùy theo mức độ, mức phạt tính theo tiền Việt có khi lên tới hàng trăm triệu đồng. Đối với du khách nước ngoài, nếu vi phạm nhiều lần có thể bị cấm nhập cảnh.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng Healthbridge Canada (hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá) tại Việt Nam, phải kết hợp giáo dục với việc xử phạt thì mới đạt hiệu quả. Các cơ quan chức năng cũng cần linh hoạt trong cách thức xử phạt. Chẳng hạn, có thể căn cứ vào camera giám sát ở nơi công cộng để xử phạt hành vi hút thuốc lá tại khu vực cấm; đồng thời, giao trách nhiệm cho lực lượng chức năng tăng cường việc xử phạt. Nếu không làm nghiêm, không vào cuộc quyết liệt, chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

Để có môi trường không khói thuốc lá cần sự nỗ lực vào cuộc của tất cả cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Và trước hết là từ ý thức, quyết tâm “Nói không với thuốc lá” của mỗi người.

Khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người lớn hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 25-30%, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng 20-30%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường không khói thuốc: Con đường chông gai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.