Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy hại từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Ngọc Quỳnh| 17/04/2017 06:47

(HNM) - Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nặng bởi vỏ thuốc bảo vệ thực vật do thói quen sử dụng tùy tiện của nhà nông.

Trước đây, người dân chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây lúa nhưng nay đã phổ biến trên cả hoa màu và cây ăn quả. Ở nhiều nơi, sau khi sử dụng người dân vứt bừa bãi bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng, tình trạng này rất ít được các địa phương quan tâm, xử lý. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Xuân (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) cho biết, mặc dù hiện nay ở các xứ đồng đều có thùng đựng vỏ bao thuốc BVTV nhưng do thói quen tùy tiện, sau khi phun cho cây trồng, nông dân vứt vỏ ngay tại bờ ruộng. Và thuốc BVTV dư thừa từ vỏ hòa vào hệ thống tưới tiêu, lòng đất, nguồn nước ngầm... gây ô nhiễm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay tổng lượng phân bón vô cơ các loại người dân sử dụng cho cây trồng khoảng 2,4 triệu tấn/năm, thải ra môi trường 240 tấn rác thải rắn, trong đó đặc biệt nguy hại là bao bì và vỏ hộp thuốc. Khi phun thuốc cho cây trồng, có tới 50% lượng thuốc rơi xuống đất. Kết quả phân tích tại một số điểm cho thấy hàm lượng thuốc trong đất vượt ngưỡng xử lý hóa chất BVTV quy định tại QCVN 54: 2013/BTNMT từ 10 đến 20 lần. Đây là nguyên nhân làm hoang hóa tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN& PTNT), để khắc phục tồn dư thuốc BVTV trên đồng ruộng, một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom nhưng do chưa xác định rõ mức thu phí, cơ chế vận hành... nên lúng túng, khó duy trì bền vững. Bên cạnh đó, do thiếu công nghệ tiêu hủy, đa số lượng bao gói sau thu gom đều chôn lấp hoặc đốt chung với rác thải sinh hoạt khi chưa làm sạch thuốc BVTV nên rất nguy hiểm. Một bất cập khác là phần lớn các hoạt động thu gom thời gian qua đều do dự án của các bộ, ngành hỗ trợ, khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động này cũng mất dần.

Để bảo đảm hiệu quả, các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV theo tinh thần Quyết định 50/2013/QĐ-TTg ngày 9-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm nông nghiệp thải bỏ. Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên các loại cây trồng; xây dựng điểm thu gom bao bì thuốc BVTV... Về phía chính quyền địa phương cần khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp, người dân để xây dựng điểm tập kết, xử lý rác thải nông nghiệp...

Bộ NN&PTNT cũng khuyến nghị các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thân thiện với môi trường như dùng bẫy bả protein, bả chua ngọt, rào chắn bọ nhảy... nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời sử dụng thuốc sinh học thay thế các loại thuốc hóa học có nồng độ độc cao, thời gian cách ly dài.

Hiện nay Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16-5-2016 về “Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng”. Trong đó, chỉ rõ bao bì thuốc BVTV sau khi được thu gom, xử lý sạch phần thuốc còn bám dính, phải phân ra làm 2 loại: Vỏ chai thủy tinh; vỏ chai nhựa và vỏ bằng túi polyethylene để thuận tiện cho việc xử lý theo đúng quy định. Các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định này để tiến tới khắc phục những tồn tại, giảm thiểu ô nhiễm ở mức thấp nhất cho môi trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy hại từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.