Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lấp những “khoảng trống”

Thu Trang| 28/04/2017 06:44

(HNM) - Thời gian qua, mô hình thanh tra chuyên ngành được triển khai thí điểm đã giúp chính quyền cơ sở có thêm “công cụ

Xét nghiệm nhanh mẫu bát đũa tại một nhà hàng trên địa bàn huyện Thanh Trì.


Yếu chuyên môn, lúng túng xử phạt

Đề cập sự cần thiết của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp cơ sở, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, pháp luật chưa quy định phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở xã, phường, thị trấn. Nhưng lực lượng này ở cấp tỉnh, thành phố và trung ương còn mỏng, khó có thể vươn tới cơ sở cho nên đòi hỏi phải có cán bộ thanh tra ở cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý. Mặt khác, để có cơ sở xem xét, điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật về thanh tra chuyên ngành ATTP thì việc triển khai mô hình thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là rất cần thiết.

Theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg, ngày 9-9-2015, Thủ tướng Chính phủ giao TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lựa chọn mỗi địa phương 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, sau thời gian thí điểm mô hình này ở cấp cơ sở, kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Chính quyền các cấp đã nhận thức rõ trách nhiệm, đồng thời nắm được thực trạng ATTP trên địa bàn.

Từ đó, huy động nhanh lực lượng tại chỗ, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra để giải quyết vấn đề “nóng” về ATTP. Nhận thấy chính quyền quận, huyện, xã, phường có nhiều thẩm quyền hơn trong quản lý ATTP, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng bắt đầu có ý thức thực hiện các quy định nghiêm túc hơn, chủ động đăng ký xin xác nhận kiến thức, đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, thậm chí tự giác khắc phục các tồn tại sau khi thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân. Không ít vụ vi phạm về vệ sinh, ATTP được đưa ra ánh sáng nhờ sự phản ánh kịp thời của người dân.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, công tác thanh tra cấp cơ sở của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn. Cán bộ, công chức tuyến xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thanh tra ATTP, song họ phải đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc. Chính vì vậy, không dễ để tổ chức thanh tra thường xuyên, liên tục.

Hơn nữa, dù cán bộ được giao nhiệm vụ đã được tập huấn, cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế nên khi kiểm tra, xử phạt có sự e ngại. Quy trình, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra phức tạp, có quá nhiều biểu mẫu buộc phải thực hiện. Một vấn đề nữa, đó là nhân sự đoàn thanh tra tại tuyến xã, phường, thị trấn khó đáp ứng theo quy định đề ra trong Quyết định 38/2015/QĐ-TTg, nhất là quy định “Am hiểu pháp luật, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP”, bởi đa số lực lượng này là kiêm nhiệm và hợp đồng.

Chuẩn hóa nhân sự, cơ cấu

Lấy mẫu rượu để xét nghiệm và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở một nhà hàng trên địa bàn Hà Nội.


Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hướng mở rộng thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành vi vi phạm như thiếu giấy tờ quy định, điều kiện sản xuất, kinh doanh..., mà phải tập trung vào thanh tra, kiểm tra các vấn đề có nguy cơ cao gây mất ATTP. Điều quan trọng, muốn mô hình này hoạt động hiệu quả cao hơn thì cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm và truy tìm tận gốc thực phẩm “bẩn” để xử lý.

Là 1 trong 5 quận được lựa chọn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm chia sẻ: Trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP của quận bước đầu đi vào nền nếp, hoạt động này lại gặp khó khăn ở tuyến phường do lực lượng mỏng, chuyên môn yếu. Quận Nam Từ Liêm đã giao trách nhiệm cụ thể về bảo đảm ATTP cho UBND các phường và Ban quản lý các chợ.

Nếu nơi nào để xảy ra các tồn tại về vấn đề vệ sinh, ATTP thì UBND phường và Ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm. Quận cũng đã thành lập 2 đường dây nóng của quận và tại 10 phường để người tiêu dùng thông tin cho cơ quan quản lý về các vấn đề liên quan đến vệ sinh, ATTP. Để hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, quận đã triển khai xây dựng 11 trạm kiểm tra xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ thuộc 7 phường, trong đó có xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, củ, quả...

Từ thực tế tại 2 thành phố triển khai thí điểm mô hình nhìn rộng ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, để mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP đạt được mục tiêu đề ra, phải nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ thanh tra. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra các địa phương. Mặt khác, phải chuyển từ đoàn kiểm tra liên ngành thành đoàn thanh tra chuyên ngành về ATTP, cơ cấu thành phần đoàn gọn nhẹ, tinh nhuệ để tăng chất lượng, số lượng cuộc thanh tra và bảo đảm nhân sự thực hiện.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong quý I-2017, toàn thành phố đã tổ chức 750 đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh, ATTP và tiến hành kiểm tra hơn 38.000 cơ sở, phát hiện gần 6.800 cơ sở vi phạm, xử lý hơn 6.200 cơ sở, trong đó phạt tiền 1.758 cơ sở với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng; tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm, trị giá lên tới 1,3 tỷ đồng. Riêng thanh tra chuyên ngành ATTP có 65 đoàn, tiến hành xử phạt các lỗi vi phạm: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không khám sức khỏe định kỳ; không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lấp những “khoảng trống”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.