Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch cảnh chỗ thiếu, chỗ thừa nước sạch

Thanh Hải| 06/06/2017 06:45

(HNM) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, vào cao điểm nắng nóng, lượng nước sinh hoạt cung ứng trên địa bàn thành phố có thể thiếu hụt từ 30.000 đến 70.000m3/ngày đêm, trong khi tình trạng thất thoát nước sạch vẫn xấp xỉ 20%. Điều này dẫn đến nghịch cảnh chỗ thiếu, chỗ thừa.

Nhiều hộ dân trên địa bàn quận Thanh Xuân đã được “giải khát” bằng xe bồn chở nước sạch trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Minh Sơn



Muôn vàn kiểu thất thoát

Mặc dù tỷ lệ thất thoát nước sạch của Hà Nội thấp hơn trung bình toàn quốc, song vẫn khiến việc bảo đảm cấp nước cho người dân gặp nhiều khó khăn. Theo Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, có hai dạng thất thoát nước. Thứ nhất là thất thu nước sạch do các đối tượng vi phạm cố tình vô hiệu hóa hoặc làm sai lệch chỉ số đồng hồ tính lượng nước tiêu thụ. Thứ hai là thất thoát nước do đường ống cấp nước sử dụng lâu năm, bị ô xy hóa, dẫn tới rò rỉ. Nguy hại hơn là trường hợp sau khi làm hư hỏng đường ống, đối tượng vi phạm không thông báo cho đơn vị cấp nước mà âm thầm lấp kín nơi xảy ra sự cố, khiến đơn vị chức năng không biết để khắc phục. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố gây thất thoát từ phía đơn vị chức năng, thì việc tham gia giám sát, kịp thời thông báo điểm vỡ, rò rỉ đường ống và tố giác các cá nhân, tổ chức cố tình vô hiệu hóa đồng hồ để trục lợi từ phía người dân có ý nghĩa quan trọng.

Điều đáng nói nữa là do chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là phạt hành chính, chưa áp dụng được hình thức ngừng cấp nước từ 3 đến 5 tháng nên các đối tượng sẵn sàng nộp phạt khi bị phát hiện để rồi tiếp tục… vi phạm.

Bà Nguyễn Thu Ngà, một người dân tại quận Hoàn Kiếm thắc mắc, những ngày qua, nắng nóng trên dưới 40 độ C, nhiều khu vực ở cuối nguồn nước hoặc có cốt nền cao thiếu nước sạch sinh hoạt. Thế nhưng vẫn có không ít hộ dân dùng nước sạch lãng phí, hoặc lấy nước sạch làm dịch vụ rửa xe. Thực trạng này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có sự trục lợi từ nguồn cấp nước sạch và sử dụng lãng phí?

Ứng phó kịp thời khi xảy ra mất nước

Đây là mục tiêu được UBND TP Hà Nội đưa ra tại Kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ bảo đảm cấp nước an toàn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng. Bên cạnh đó, sẽ bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước, bảo đảm quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.

Những mục tiêu cụ thể mà thành phố đặt ra là: Huy động mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động cấp nước an toàn; bảo đảm tới năm 2020, sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn Hà Nội, trong đó 95 - 100% dân cư sẽ được cung cấp nước sạch; tỷ lệ hệ thống cấp nước đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%, tại khu vực nông thôn đạt 50%; chất lượng nước cung cấp đến người dân bảo đảm theo quy chuẩn của Bộ Y tế và tỷ lệ thất thoát, thất thu nước bình quân toàn thành phố đến năm 2020 là dưới 18%.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, thành phố giao Sở Xây dựng nắm bắt và giải quyết kịp thời những sự cố cấp nước phát sinh; có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư dự án, công trình trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp nước trong quá trình thi công hạ tầng kỹ thuật, tránh gây sự cố đường ống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch cảnh chỗ thiếu, chỗ thừa nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.