Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bỏ rào cản với lao động tự do

Kim Vũ| 01/07/2017 07:46

(HNM) - Không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tình trạng phổ biến hiện nay đối với những người lao động giản đơn như bán hàng, bốc vác, đánh giày, bán báo... Đến khi bị ốm đau hoặc gặp tai nạn, người lao động mới thấm thía sự thiệt thòi đủ đường.


Thiệt thòi vì thờ ơ với bảo hiểm

Anh Nguyễn Văn Khánh (ở huyện Hoài Đức) chuyên vận chuyển thuê các mặt hàng đá sạch, nước tinh khiết cho các nhà hàng, quán ăn, mới đây do bất cẩn, anh bị gãy chân, phải điều trị dài ngày. Khi làm thủ tục nhập viện mới hối tiếc vì không có bảo hiểm y tế (BHYT), chi phí khám chữa bệnh rất cao. Người nhà anh Khánh cho biết, vì cậy còn trẻ, sức khỏe tốt nên Khánh chưa bao giờ nghĩ tới việc mua BHYT và khi xảy ra tai nạn mới thấy thiệt thòi.

Người lao động tự do phải chịu nhiều thiệt thòi do chưa quan tâm tới bảo hiểm xã hội. Ảnh: Anh Tuấn


Hoặc trường hợp Đỗ Văn Tú, 21 tuổi (ở quận Long Biên) bị tai nạn giao thông, chấn thương nặng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tú phải bỏ thi đại học để đi làm đỡ đần bố mẹ ốm đau nên không nghĩ gì đến việc mua BHYT. Tai nạn khiến gia đình đã mất hàng chục triệu đồng viện phí mà Tú vẫn trong tình trạng hôn mê sâu.

Có thể thấy rõ, việc không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT gây nhiều thiệt thòi cho người lao động. Thế nhưng rất nhiều người lại phớt lờ dù biết tầm quan trọng của BHYT. Hầu hết người lao động tự do không có nghề, không bằng cấp. Thu nhập thấp, công việc bấp bênh khiến họ càng cố giảm chi phí phát sinh. Nhưng hơn thế là bản thân họ chưa ý thức đúng về vấn đề bảo hiểm sức khỏe. Khảo sát tại khu vực chợ Long Biên (Hà Nội) cho thấy, mỗi sáng sớm, rất nhiều người làm công trong môi trường đặc quánh của đủ thứ mùi xú uế, pha tạp hóa chất xông lên, song tuyệt nhiên, không có lao động nào đeo khẩu trang hoặc mặc quần áo bảo hộ lao động. Tương tự, tại các chợ lao động, có thể dễ dàng tìm được những lao động bốc vác, dọn dẹp công trình xây dựng… với tiền công trả theo giờ, không có thỏa thuận nào về bồi thường thiệt hại khi tai nạn xảy ra.

Từ ngày 1-1-2018, theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện, thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 25% kinh phí cho người lao động thuộc diện cận nghèo, 30% nếu thuộc diện nghèo và 10% mức đóng cho người lao động khác theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn.



Trách nhiệm của chính người lao động

Trên thực tế, ngoài nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của nhiều người thì việc pháp luật quy định người dân muốn mua BHYT thì phải mua theo hộ gia đình cũng là một cản trở đáng kể. Nếu gia đình có 4 - 6 nhân khẩu sẽ phải trả từ 2,4 đến 3,6 triệu đồng mỗi năm. Với người lao động, số tiền bỏ ra để "mua" bảo hiểm cho sức khỏe như vậy là quá lớn nên họ trì hoãn, thậm chí cố tình "quên". Ngoài ra, tình trạng lao động làm việc cho cơ sở tư nhân mà không được chủ sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT cũng là một thực tế đáng lo ngại.

Công bố mới đây của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có gần 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 24%). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động tự nguyện mua BHXH lần đầu rất thấp. Đa phần là đối tượng trước kia đã được đóng BHXH bắt buộc, nay bị dừng đóng nên tiếp tục tham gia để nhận lương hưu. Còn số lao động tự do tham gia mạng lưới BHXH hầu như không được thống kê. Ngay cả cán bộ phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện cũng lắc đầu vì không thể thống kê số lao động tự do trên địa bàn để vận động, thuyết phục họ tham gia. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, không có số liệu cụ thể...

Việc thống kê hiện chỉ có thể được tính sơ bộ tại các bệnh viện, nơi lao động đến khám, điều trị mà không có BHYT. Tại Bệnh viện E trung ương, trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 20% bệnh nhân (800/4.000 bệnh nhân) đến khám và điều trị dài ngày phải trả 100% chi phí vì không có BHYT. Các bệnh viện khác cũng trong tình trạng tương tự.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, để người lao động tham gia vào mạng lưới BHXH, điều quan trọng là xóa bỏ rào cản với lao động di cư. Phần lớn lao động tự do hoạt động đơn độc, mối liên kết gần nhất là những người đồng cảnh ngộ. Nhiều khảo sát đã chỉ ra, các hóa chất độc hại, môi trường làm việc không an toàn... đang bào mòn sức khỏe người lao động, nhưng việc đóng BHXH, BHYT đối với họ vẫn là xa vời.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng các chính sách hỗ trợ, cụ thể: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến lao động có hợp đồng đủ 1 tháng trở lên và nới lỏng các điều kiện để người lao động dễ tham gia BHXH tự nguyện; có lộ trình xóa bỏ phân biệt đối xử với lao động di cư như quyền tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua sổ tạm trú, tham gia vào BHXH tự nguyện tại nơi di cư đến... Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, dù đã mở rộng diện bao phủ BHXH nhưng tỷ lệ này vẫn thấp...

Để nâng cao tỷ lệ này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền tới lao động tự do về những ích lợi khi họ tham gia BHXH, BHYT, điều quan trọng không kém là người lao động phải tự nhận thức về tầm quan trọng của các chính sách an sinh xã hội mà họ đã, đang cố tình "bỏ quên".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ rào cản với lao động tự do

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.