Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn nào cho “Sữa học đường”?

Tuyết Minh| 31/07/2017 11:10

(HNMO) - Mặc dù chương trình “Sữa học đường” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7-2016 nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn để chương trình phát huy được hiệu quả thực sự.

hiều lý do như: Thiếu kinh phí, thiếu cơ chế khuyến khích người thực hiện, khó kiểm soát chất lượng sữa....



Tháng 7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Sữa học đường” nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện triển khai chương trình "Sữa học đường" đến các trường học. Tuy nhiên, các hoạt động mới chỉ diễn ra ở một số tỉnh, thành phố trong diện hẹp mà chưa được quan tâm đúng mức đến các vùng nghèo, chưa có một chương trình ở cấp độ quốc gia để huy động tổng thể các nguồn lực của xã hội.

Khó kiểm soát chất lượng đầu vào


Những khó khăn dẫn đến việc triển khai chậm trễ ngoài kinh phí, nguồn lực triển khai còn vướng nhiều ở khâu kiểm soát chất lượng sữa đưa vào trường học. Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hải Phòng cho biết, các trường tiểu học và mầm non ở Hải Phòng đã triển khai chương trình "Sữa học đường" nhưng nguồn sữa hoàn toàn là do trường tổ chức và phụ huynh đóng góp kinh phí chứ chưa có nguồn hỗ trợ nào khác.

“Thành phố quy định từng trường sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sữa theo tiêu chuẩn của ngành Y tế. Tuy nhiên, nguồn sữa vào trường hiện rất đa dạng, tiêu chuẩn sữa không rõ ràng nên chúng tôi không kiểm soát được. Ngành Giáo dục chỉ quản lý được định lượng, nguồn kinh phí đóng góp chứ không kiểm soát được chất lượng” - vị này nói.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cũng thừa nhận: “Một số tỉnh còn sử dụng sữa bột pha lại hoặc các loại sữa không rõ nguồn gốc cho "Sữa học đường" và các trường rất khó khăn trong việc nhận biết sữa có đạt chuẩn hay không”.

Để giải quyết khó khăn này, ngày 28-9-2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình "Sữa học đường", nhấn mạnh sữa tươi sử dụng trong chương trình phải đạt tiêu chuẩn QCVN 5:1-2010, trong đó có sữa tươi tiệt trùng.

Chuẩn nào cho sữa học đường

Về vấn đề này, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk cho rằng, chương trình "Sữa học đường" muốn thành công thì phải có sản phẩm sữa đạt chuẩn. “Trẻ em trong độ tuổi phải được uống sữa, nhưng không phải bất kỳ loại sữa chất lượng phập phù nào, mà các em cần uống những loại sữa tươi đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi”, bà Thái Hương nói.

Tuy nhiên, theo bà Thái Hương, nếu không có nhãn mác riêng để nhận diện thì cũng rất khó để biết sữa nào đạt chuẩn.


Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu ví dụ: “Qua việc nghiên cứu thí điểm đưa sữa đạt chuẩn vào trường học của Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp với Tập đoàn TH triển khai ở Nghệ An, sữa học đường cùng với các hoạt động thể chất đã khẳng định được việc nó có tác dụng rõ rệt trong việc làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tăng cường thể chất của trẻ. Đặc biệt, nghiên cứu này cũng nhấn mạnh sữa bảo đảm chất lượng đưa vào trường học có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của trẻ em”.

Bà Nghĩa cũng cho rằng, tới đây cần đưa ra những giải pháp trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền nhận thức cho phụ huynh, thầy cô về ý nghĩa của chương trình "Sữa học đường". Cần có những hướng dẫn cụ thể về việc chọn lựa sữa đạt chuẩn, phải có nhãn mác sữa nhận diện sản phẩm, bảo quản và sử dụng sữa hợp lý nhất trong trường học.

Thực tế tại Nghệ An, sản phẩm sữa học đường có các nhận diện rõ ràng đã phục vụ hơn 311.733 học sinh (đạt tỷ lệ 69% học sinh mẫu giáo, tiểu học toàn tỉnh); góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, phát triển thể chất cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, Vụ sẽ xây dựng tài liệu cẩm nang hướng dẫn triển khai "Sữa học đường" trong trường học, trong đó các nội dung về tiêu chuẩn sữa tươi học đường - nhận diện sản phẩm sữa học đường, uống sữa học đường đúng cách sẽ được hướng dẫn kỹ để các trường triển khai theo đúng tinh thần Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay trẻ em tuổi học đường của Việt Nam chiếm 1/3 dân số, trong đó lứa tuổi vàng là trẻ mầm non có 4.627.316 em và tiểu học có 7.790.009 em. Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ vì vậy cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ em trong giai đoạn này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn nào cho “Sữa học đường”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.