Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những phận người mang trong mình chất độc da cam

Quang Thái| 10/08/2017 10:41

(HNMO) - Nhân dịp kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, chúng tôi về thăm những nạn nhân chất độc da cam xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để hiểu hơn về cuộc sống của những người này.


Nỗ lực vươn lên

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là trang trại chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao của ông Cao Xuân Oanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ. Dẫn những vị khách tham quantrang trại, vừa đi ông vừa kể về cuộc sống những ngày đầu khi trở về quê hương.


Ông Oanh là con út trong một gia đình có 3 anh em trai. Ông nhập ngũ năm 1969, tham gia chiến trường miền Đông Nam bộ và phục viên năm 1976. Trở về quê hương với đôi bàn tay trắng và sức khỏe đã phần nào giảm sút, song ông vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương và nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Ông tâm sự: “Ngày đầu tôi trở về quê hương, kinh tế thời kỳ đó rất khó khăn. Để có được miếng ăn cho gia đình, tôi đã phải làm chạy vạy khắp nơi và làm đủ các công việc”.

Ngoài việc cày cấy trên 9 sào ruộng, ông tận dụng mảnh vườn rộng hơn 200 mét vuông ở sau nhà để trồng rau và cây ăn quả. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cuộc sống gia đình ông vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Không cam chịu số phận, ông đã quyết định tìm hướng đi mới để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ địa phương tạo điều kiện, ông được đi thăm nhiều mô hình trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài tỉnh. Năm 1998, ông bắt tay vào phát triển mô hình trồng táo tiếp thu được ở huyện Ba Vì. Nhưng mô hình trồng táo chỉ cho thu hoạch được 3 năm đầu và hiệu quả kinh tế không cao, nên ông đành tìm hướng khác.

Năm 2002, trong chuyến đi xuống Hưng Yên, ông đã thu được kinh nghiệm trồng cây camCanhtại địa phương. Không chút đắn đo, ông bắt tay vào triển khai mô hình này. Sau hơn hai năm dày công chăm sóc, mô hình cam Canh đã đem lại cho gia đình ông sản lượng mong đợi. Tưởng chừng mọi việc đã “thuận buồm xuôi gió” nhưng không, sản lượng các vụ thu hoạch sau lại giảm rõ rệt, buộc ông phải chuyển đổi giống cây trồng. Sau hai lần thất bại, cuộc sống gia đình ông đã khó lại càng khó hơn.

Không nản chí, ông tiếp tục tìm tòi để phát triển giống mới. Đến năm 2008, ông may mắn tiếp cận được mô hình trồng nhãn chín muộn ở huyện Quốc Oai và nhận thấy triển vọng từ mô hình này. Được sự động viên từ gia đình và hỗ trợ từ người thân, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để bắt tay vào phát triển gần 100 gốc nhãn chín muộn. Đến năm 2013, vườn nhãn bắt đầu cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định (khoảng gần 200 triệu đồng/năm). Từ đó, ông mở rộng mô hình, kết hợp chăn nuôi lợn, gàđể tăng thêm thu nhập.

Ông Oanh quan niệm: “Cho dù làm bất cứ việc gì, quan trọng nhất là không được nản chí, phải chăm chỉ và chịu khó học hỏi, rồi sẽ tìm ra được hướng đi phù hợp”. Hàng năm, ông đều tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ những kiến thức học được, ông áp dụng vào thực tế và chia sẻ với các hộ dân trong thôn để cùng phát triển kinh tế.

Nỗi đau đeo bám

Tuy chiến tranh đã qua nhưng nỗi đau vẫn đeo bám gia đình ông Oanh và những người đồng đội. Nhiều đêm nằm chợp mắt, hình ảnh về tuyến đường gập gềnh sỏi đá, con suối và những thân cây bị tróc vỏ do chất độc hóa học lại hiện về trong tâm trí khiến ông không sao ngủ nổi.

Ông trầm tư kể: “Khi đó, chúng tôi là những chàng trai trẻ, mang trong mình tinh thần, nhiệt huyết, niềm khát vọng và muốn được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Chúng tôi nào có biết, tuyến đường chúng tôi đi, nguồn nước chúng tôi uống đã bị bao phủ bởi chất độc hóa học của quân đội Mỹ…”

Là một người cha, ông luôn canh cánh trong lòng một nỗilo và không lúc nào hết băn khoăn về tương lai của các con, các cháu. Mỗi lần nhắc tới người con gái đầu và con trai út, người lính già lại không kìm nổi nước mắt. Người còn gái đầu của ông sinh năm 1977, từ bé đã phát triển không bình thường, da sần sùi, nên chỉ quanh quẩn ở nhà nấu cơm và phụ giúp bố mẹ. Còn người con trai út trong gia đình, dù có khả năng lao động nhưng lại mắc căn bệnh giảm tiểu cầu nên mỗi năm anh phải truyền tiểu cầu hai lần, để duy trì sự sống.

Mặc dù cuộc sống đau thương là vậy, nhưng người cựu chiến binh đã ngoài 60 vẫn tự động viên bản thân phải sống gương mẫu để làm chỗ dựa cho gia đình, con cháu. Ông nói: “Cuộc sống của tôi từ ngày rời chiến trường đúng là vất vả thật, nhưng còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Điển hình như anh Nguyễn Bá Đoàn, ở thôn An Mỹ, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn và éo le”. Miệng nói, chân đi, ông dẫn những vị khách đến thôn An Mỹ để chứng kiến tận mắt cuộc sống gia đình người đồng đội cũ.

Gia đình ông Đoàn sống trong căn nhà ngói đã xuống cấp, rộng hơn 40 mét vuông. Nguồn thu của gia đình ông trông chờ vào 3 con bò và hơn 2 sào ruộng. Ông kết hôn năm 1969, bỏ người vợ trẻ ở quê hương để nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc vào năm 1971. Ông phục viên năm 1976 và lần lượt 6 người con ra đời. Người con trai đầu của ông bị câm, điếc bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Mỗi lần không vừa ý, anh lại phá phách đồ đạc trong nhà và đi lang thang khắp nơi khiến gia đình lo lắng.

Ông Đoàn rầu rĩ: “Dịp tết năm kia, cháu nó bỏ đi biệt tích khiến cả gia đình nhốn nháo tìm. Mỗi khi đến những ngày lễ, tết gia đình đành phải nhốt cháu lại cho yên tâm”. Chưa dừng lại ở đó, dường như di chứng còn để lại cho đời cháu của ông Đoàn. Hai đứa cháu nội của ông bị bệnh lý về mắt bẩm sinh, vì không đủ tiền chạy chữa nên có nguy cơ không còn nhìn được.

Trong tận cùng của nỗi đau, ông Đoàn vẫn canh cánh nỗi lo thế hệ sau sẽ trở thành gánh nặng của xã hội. “Giá như, tôi có thể chịu thay được cho các cháu thì tốt biết mấy. Tôi ước các cháu khỏi mắt và mong chúng thật khỏe mạnh để sau này không trở thành gánh nặng cho xã hội”, ông nói.  


Thế mới thấy được bản lĩnh và tinh thần của những người lính Cụ Hồnhư ông Oanh và ông Đoàn kiên cường như thế nào. Họ không những không ỷ lại cuộc sống, xã hội mà luôn cảm thông, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.

Ông Trịnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chương Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đang vận động hội viên đóng góp để xây nhà tình nghĩa cho gia đình anh Đoàn và một số gia đình khác, đồng thời đề xuất lên Thành hội để có thêm kinh phí”.

Khi được tận mắt chứng kiến những gia cảnh éo le, bi đát, chúng tôi càng thấm thía câu nói: “Các nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những phận người mang trong mình chất độc da cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.