Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo chân đội xung kích diệt bọ gậy

Thu Trang - Nguyệt Ánh| 12/08/2017 06:29

LTS: Hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là ý thức người dân chưa thật sự tốt.


Bài đầu: Công việc không dễ dàng

Ngoài nhiệm vụ “đến từng ngõ, gõ từng nhà” diệt bọ gậy, các đội xung kích ở địa bàn dân cư còn tuyên truyền, hướng dẫn giúp cho người dân nâng cao nhận thức, chủ động trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Công việc nghe tưởng đơn giản, nhưng khi triển khai, lại không hề dễ dàng...

Vào từng ngõ, gõ từng nhà

Chỉ sau một tuần hoạt động (từ ngày 5 đến nay), 3 đội xung kích diệt bọ gậy với 12 thành viên được huy động từ lực lượng hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... của Tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên) đã “gõ cửa” hơn 380 hộ gia đình. Song, không phải hộ nào cũng “bắt tay” hợp tác trong cuộc chiến phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Các tình nguyện viên đến từng nhà tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.


Ông Trần Huy Đoạt, thành viên đội xung kích, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên) chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ, toàn bộ lực lượng tham gia đội xung kích đều được tập huấn rất bài bản, thuộc lòng tên loại muỗi gây bệnh, cơ chế truyền bệnh, đến 6 biện pháp phòng dịch. Để những kiến thức được học đó đến được với 100% hộ dân trên địa bàn, các thành viên đã phân nhóm và hoạt động linh hoạt theo thời gian biểu của từng hộ gia đình. Mỗi đội xung kích có 4 người, được chia thành 2 nhóm. Các nhóm hoạt động xen kẽ và hỗ trợ cho nhau. “Với những hộ luôn có người ở nhà thì dễ dàng tiếp cận. Còn đối với những gia đình công nhân, viên chức làm việc theo giờ hành chính, các thành viên đội xung kích phải "gõ cửa" từ rất sớm hoặc sau giờ tan sở. Dù vậy, vẫn có những gia đình, đội xung kích phải đến lần thứ 2, thứ 3 mới có người ra mở cửa” - ông Trần Huy Đoạt cho hay.

Ngoài việc tuyên truyền về tác nhân, nguồn lây bệnh, phát tờ rơi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các thành viên đội xung kích còn cùng với các hộ gia đình tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phế thải, vỏ lon bia, chai lọ... Qua những buổi “mục sở thị” các hộ gia đình, đội xung kích đã phát hiện 7 loại vật dụng thường thấy trong các gia đình như: Dụng cụ chứa nước, hòn non bộ, vỏ hộp, lon bia đọng nước mưa... đều chứa bọ gậy. Không chỉ giúp các gia đình xử lý tình huống..., đội xung kích còn hướng dẫn người dân thả cá vào hòn non bộ, chậu cây cảnh để diệt bọ gậy. Có những gia đình rất chủ động hợp tác, song cũng có hộ dân vẫn thờ ơ, nhất là những gia đình ở trọ. Do tâm lý chỉ coi đó là nơi ở tạm thời nên tại những khu nhà trọ, người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

Là huyện trọng điểm về sốt xuất huyết của thành phố nhiều năm, nên huyện Thanh Trì đã chủ động huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Các xã, thị trấn đều thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết. Qua những buổi “vào từng ngõ, gõ từng nhà”, các đội xung kích phát hiện khoảng 10% dụng cụ chứa nước ở các hộ gia đình có bọ gậy. Ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết, nơi tập trung nhiều ổ bọ gậy lại chính là những bình chứa nước trên mỗi nóc nhà. Các thành viên của đội xung kích phải rất vất vả trèo lên, tìm kiếm và tiêu diệt bọ gậy. Thậm chí, một số hộ gia đình trong ổ dịch còn không hợp tác làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy cũng như phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. Dù vậy, các thành viên trong đội xung kích vẫn cần mẫn ngày ngày đến từng hộ gia đình, giúp người dân thay đổi nhận thức, chung tay cùng ngành Y tế đẩy lùi dịch bệnh.

Mưa dầm thấm lâu

Dù đã 75 tuổi, nhưng bà Bùi Thị Hạnh Loan, thành viên đội xung kích, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Phương Liệt (quận Đống Đa) vẫn rất tích cực đến từng nhà nhắc nhở, tuyên truyền biện pháp phòng bệnh, chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi vằn đốt. Theo bà Bùi Thị Hạnh Loan, để tuyên truyền đạt hiệu quả, thay đổi nhận thức của người dân, các thành viên phải áp dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đến thời điểm này, người dân đã thấy tác hại của dịch bệnh sốt xuất huyết, nên 100% tự nguyện hợp tác và có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình mình.

Bà Đào Thị Toan (Khu dân cư số 10, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Trước đây, do chưa hiểu về loài muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, chưa hiểu cơ chế lây truyền, nên không ý thức được tầm quan trọng của việc diệt bọ gậy, lăng quăng. Sau khi được nghe cán bộ y tế, thành viên trong đội xung kích hướng dẫn, chúng tôi đã được biết, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp duy nhất phòng bệnh là diệt lăng quăng, bọ gậy...".

Giữa cái nắng như thiêu đốt, rất đông người dân ở tổ dân phố số 4 (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) vẫn sẵn sàng hỗ trợ nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi. Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mộ Lao Nguyễn Thị Hoàn cho biết, toàn phường có 12/16 tổ dân phố có bệnh nhân sốt xuất huyết. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch nên nhận thức của người dân đã được nâng lên, các ổ dịch được khống chế, không có thêm người mắc mới. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh, nhân dân đã chủ động báo tin, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của đội ngũ cán bộ y tế, đồng thời vệ sinh môi trường nơi sinh sống.

Sự hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết bước đầu mang lại hiệu quả. Song, ngành Y tế và các quận, huyện, thị xã cùng với việc phát huy được vai trò của các đội xung kích, cần có các giải pháp để nâng cao hơn nữa ý thức tự phòng bệnh của mỗi người dân, giúp dịch bệnh sớm kiểm soát, không phát sinh thêm ổ dịch, và sâu xa hơn là hình thành nếp sống văn minh, sạch sẽ... - Đó mới là điều quan trọng.

 (Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Theo chân đội xung kích diệt bọ gậy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.