Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa là chính

Tuệ Diễm| 22/09/2017 06:56

(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, các đoàn chức năng đang ra quân kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.

Ảnh minh họa.


Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, những ngày gần đây liên tục phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh bánh trung thu. Theo thống kê, từ đầu vụ sản xuất bánh trung thu đến nay, Chi cục đã phát hiện 8 vụ vi phạm với các lỗi như: Kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa có nhãn ghi không đúng với thực tế; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất... Chi cục đã xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu với tổng số tiền 13 triệu đồng.

Cùng với quản lý thị trường, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng thành lập các đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống từ ngày 1-9 đến hết 30-9. Mới đây, ngày 11-9, Đội 3 thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh phát hiện một cơ sở sản xuất bánh trung thu trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận Bình Thạnh có nhiều thiết bị sản xuất bị gỉ sét không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe của một số nhân viên làm việc tại đây đã hết hạn...

Tại cuộc họp giao ban 24 quận, huyện về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, có ý kiến cho rằng, đến thời điểm này TP Hồ Chí Minh chưa xảy ra vụ ngộ độc bánh trung thu. Do đó, ngành chức năng nên tập trung nhân lực vào làm công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm khác.

Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù chưa ghi nhận ca ngộ độc trực tiếp từ bánh trung thu nhưng phải phòng ngừa trước khi xảy ra vụ việc. Thực tế, không chỉ có chiếc bánh trung thu mà các mặt hàng đi kèm như trà, nước ngọt, trứng gia cầm, ngũ cốc, thịt mỡ, chất phụ gia đi kèm phục vụ làm nhân bánh, chất bảo quản bánh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh. "Hiện nay, chúng tôi ưu tiên làm cho tốt công tác dự phòng thì 10 năm sau vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đi vào nền nếp và có kết quả. Còn việc bánh trung thu có thương hiệu qua kiểm tra chúng tôi vẫn phát hiện vi phạm, đã nhắc nhở xử phạt và nếu tiếp tục sai phạm thời gian tới sẽ công bố trên website", bà Lan nói.

Vấn đề khác, theo các chuyên gia, mặc dù đã phân cấp trong việc tiến hành thanh tra - kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mùa Tết Trung thu thế nhưng việc kiểm tra chồng chéo, trùng lặp vẫn xảy ra. Trong khi, theo quy định đoàn kiểm tra cấp thành phố sẽ tập trung kiểm tra những điểm sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, ngăn chặn, phòng ngừa hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các cơ sở vừa và nhỏ sẽ được đoàn liên ngành cấp quận, huyện thực hiện kiểm tra.

Liên quan vấn đề trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay, do mới được thành lập từ tháng 3-2017, nên việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban và các đơn vị liên ngành chưa thực sự tốt. Thời gian tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh cho phép bổ sung nhân lực có kinh nghiệm trong việc quản lý thực phẩm từ Đội Quản lý thị trường, xác định rõ nội dung cần kiểm tra, tránh sự trùng lắp giữa hai đơn vị nhằm cùng hướng đến mục tiêu phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo đảm thực phẩm sạch và an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa là chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.