Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiệt thòi cho người lao động

Bảo An| 29/09/2017 06:50

(HNM) - Khoảng 4 năm trở lại đây, mỗi năm bình quân có hơn 600.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng triệu lao động đã ra khỏi lưới an sinh xã hội và có nguy cơ không bảo đảm được cuộc sống khi về già…


Doanh nghiệp muốn giảm chi phí

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, khoảng 2,5 triệu lao động đề nghị được lĩnh BHXH một lần trong vòng 4 năm qua, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia BHXH. Đây là con số không nhỏ và chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến tính ổn định của hệ thống an sinh xã hội. Điều này cũng khiến mục tiêu ngành BHXH đến năm 2020 phải có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH sẽ không đạt. Trên hết, người lao động không tham gia BHXH có nguy cơ gặp nhiều khó khăn khi về già, do chế độ bảo trợ xã hội chỉ áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và chỉ khoảng 300.000 đồng/người/tháng.

Giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động tại bộ phận “một cửa” của Bảo hiểm xã hội Hà Nội.
Ảnh: Viết Thành



Đáng lưu ý, tình trạng lĩnh BHXH một lần có liên quan tới hiện tượng một số doanh nghiệp sa thải lao động trên 35 - 40 tuổi. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở lĩnh vực sử dụng lao động trực tiếp, không cần trình độ tay nghề cao và việc tuyển lao động mới không khó. Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giải thích: Sau 35 tuổi, sức làm việc của người lao động không còn nhanh nhạy, ít khả năng tiếp thu công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó, thời gian làm việc dài là yếu tố dẫn tới chi phí về tiền lương và BHXH của người lao động cao lên. Do vậy, không ít doanh nghiệp thỏa thuận chi một khoản tiền thôi việc cao hơn quy định của pháp luật để người lao động tự xin nghỉ việc. Đa số người lao động sau khi nghỉ việc sẽ nhận BHXH một lần và họ khó có cơ hội tìm kiếm công việc mới vì tay nghề thấp, tuổi đời lại cao. Thực tế cũng cho thấy, nhiều người không tham gia hệ thống BHXH nữa. Đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động, bởi Bộ luật Lao động quy định, nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ ở tuổi 55. Sự can thiệp vào chính sách sa thải của các doanh nghiệp hiện nay là không đơn giản, bởi việc này được thực hiện dựa trên sự đồng thuận của người lao động. Pháp luật về lao động cũng được xây dựng trên cơ chế thị trường linh hoạt.

Có thể đóng bảo hiểm xã hội trở lại

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH cho rằng, nếu người lao động được phân tích một cách thấu đáo những điều hơn, thiệt khi nhận BHXH một lần, chắc chắn tình trạng này sẽ giảm. Ông Điều Bá Được phân tích, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu, khó bảo đảm cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Cần hiểu rằng, khoản tiền đóng vào Quỹ BHXH là của để dành, nó không mất đi mà ngày một tăng thêm giá trị do được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10%, 25%, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, tùy theo đối tượng). Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở; thân nhân tùy điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần. Người hưởng lương hưu, ngoài lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế (bằng 4,5% mức lương hưu) và định kỳ, trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (trượt giá), Nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng (từ năm 2003 đến nay Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 15 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần, tùy theo nhóm đối tượng).

Ngoài ra, người nhận BHXH một lần phải chấp nhận thiệt thòi rất lớn về tổng số tiền hưởng. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, người lao động bị thiệt 0,64 tháng lương.

Ông Điều Bá Được phân tích: Một người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH, với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng. Nếu hưởng lương hưu, lao động nam có thể sẽ nhận được khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Tính theo tuổi thọ bình quân của nam giới là 78,1 năm thì số tháng hưởng lương hưu là 217 tháng và tổng số tiền người đó được hưởng từ Quỹ BHXH là 518,5 triệu đồng. Với lao động nữ, do tỷ lệ hưởng lương hưu lớn hơn và thời gian hưởng lương hưu của nữ dài hơn nam (tương ứng 294 tháng), nên tổng số tiền được hưởng từ Quỹ BHXH là 758,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu nhận BHXH một lần, đối với cả nam và nữ trong ví dụ nêu trên đều chỉ nhận được 124 triệu đồng. Như vậy, nam giới hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận BHXH một lần là 394,5 triệu đồng; con số tương ứng này ở nữ giới là 634,5 triệu đồng. Như vậy, nếu so với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần rất thiệt thòi cho bản thân người lao động, trong khi Quỹ BHXH lại được lợi. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam không khuyến khích việc nhận BHXH một lần, vì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Để giảm thiểu những thiệt thòi cho người lao động, theo ông Điều Bá Được, giải pháp xuyên suốt, lâu dài là tuyên truyền để người lao động hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH; đồng thời, khuyến khích người lao động quay trở lại lưới an sinh xã hội. Các chính sách hiện nay cũng đã bảo đảm việc này, người đã lĩnh BHXH một lần, nếu quay lại thì cho phép họ đóng BHXH tự nguyện một lần. Hoặc nếu người lao động chưa đủ thời gian được phép đóng một lần cho đủ thời gian đóng 20 năm để được hưởng lương hưu. “Như vậy là giải pháp đã đầy đủ, vấn đề quan trọng nhất là người dân có hiểu được vấn đề đó hay không” - ông Điều Bá Được nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt thòi cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.