Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sạch trường - sạch bệnh

Thu Trang| 14/10/2017 07:54

(HNM) - Thời tiết giao mùa như hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, bùng phát thành dịch. Để chủ động phòng, chống, Sở Y tế Hà Nội vừa phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn trong các cơ sở nuôi dạy trẻ nhằm tạo môi trường sống trong lành, đẩy lùi dịch bệnh...


Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại một cơ sở nuôi dạy trẻ.


Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 72.000 trường hợp mắc tay chân miệng. Riêng tại Hà Nội, tuần qua toàn thành phố ghi nhận 97 trường hợp (tăng 8 trường hợp so với tuần trước đó). Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 513 trường hợp mắc tay chân miệng.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố giảm 73% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, với thời tiết bất thường, mưa nhiều như hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng có thể sẽ diễn biến phức tạp, khả năng phát triển thành dịch và lan rộng, nhất là ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học. Do vậy, việc chủ động phòng tránh bệnh là rất cần thiết. Các trường học có trách nhiệm thực hiện theo đúng hướng dẫn phòng bệnh của ngành Y tế như: Tổ chức phun thuốc diệt muỗi, tăng số lần vệ sinh trường, lớp từ 2 đến 3 lần/tuần, tẩy rửa vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ bằng nước khử trùng Cloramin B, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng hằng ngày...

Trường Mầm non Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên) có gần 300 trẻ. Cô giáo Tô Thị Thanh Loan, Phó Hiệu trưởng cho biết, do đang là thời điểm giao mùa nên việc phòng tránh các loại dịch bệnh được nhà trường đặc biệt quan tâm. Trường đã chủ động phối hợp với Trạm Y tế phường Ngọc Lâm xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, đồng thời tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cho phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, yêu cầu giáo viên từng lớp tuân thủ thực hiện việc vệ sinh lớp học, cung cấp đủ nước sạch, xà phòng để học sinh rửa tay trước và sau giờ ăn…

Với trên 500 trẻ theo học, công tác vệ sinh môi trường, lớp học luôn được Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm) đặc biệt quan tâm. Theo cô giáo Nguyễn Thị Phượng, thứ sáu hằng tuần, nhà trường đều tổ chức tổng vệ sinh, dùng nước tẩy rửa để lau sàn, bàn ghế, giặt thảm và vệ sinh đồ chơi. Hằng ngày, sau khi trả hết trẻ vào cuối buổi, các cô còn giặt khăn mặt bằng xà phòng, hấp sấy theo đúng quy định...

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh, có thể có các biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm màng não… dễ dẫn đến tử vong. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin dự phòng.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, thông qua chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn với mục tiêu 100% các trường mầm non, mẫu giáo và cơ sở chăm sóc trẻ trong và ngoài công lập, ngành Y tế Thủ đô mong muốn nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Với sự nỗ lực cố gắng chung, đến nay kiến thức phòng bệnh của các bậc phụ huynh và giáo viên mầm non, mẫu giáo đã đạt được tín hiệu đáng mừng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2017, ngành Y tế Hà Nội sẽ tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng tới các trường mầm non, mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ hỗ trợ phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại một số trường mẫu giáo quy mô lớn, có ổ dịch cũ, hay nơi điều kiện vệ sinh môi trường phức tạp, thiếu nước sạch… Cải thiện môi trường trong mỗi trường học chính là giải pháp căn bản để đẩy lùi dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạch trường - sạch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.