Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời tiết mùa đông - xuân 2017-2018 có gì đặc biệt?

Kim Nhuệ| 31/10/2017 06:41

(HNM) - Mùa đông - xuân 2017-2018, rét có xu hướng xuất hiện muộn hơn so với các năm trước; các đợt rét đậm, rét hại cũng có khả năng xảy ra muộn hơn.

Người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan Khí tượng thủy văn.


- Thưa ông, gần đây, nhiều trang mạng xã hội đưa tin, mùa đông 2017-2018 sẽ có nhiều đợt rét và xuất hiện băng giá ở nhiều nơi, ông bình luận thông tin này như thế nào?

- Theo nhận định của chúng tôi, mùa đông - xuân 2017-2018, rét có xu hướng xuất hiện muộn hơn so với các năm trước; các đợt rét đậm (nhiệt độ trung bình ngày 13-15 độ C), rét hại (nhiệt độ trung bình ngày từ 13 độ C trở xuống) cũng có khả năng xảy ra muộn hơn. Thông thường, rét đậm, rét hại xảy ra vào tuần cuối tháng 12 - tháng đầu tiên trong 3 tháng chính đông, nhưng năm nay, có thể rét đậm, rét hại tập trung chủ yếu trong tháng 1 và tháng 2-2018. Rất có khả năng xảy ra những đợt rét kéo dài kèm theo hiện tượng băng giá ở khu vực vùng núi...

- Nhận định của ông về tình hình khí tượng và thủy văn trong mùa đông - xuân 2017-2018 có khác biệt gì, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, đợt lạnh đầu tiên trong năm nay ở các tỉnh miền Bắc bắt đầu từ giữa tháng 10 và điều này cũng không khác biệt so với mọi năm. So với mùa đông 2016-2017, mùa đông năm nay sẽ rét hơn, bởi năm 2016-2017 được đánh giá là có mùa đông ấm với nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1,5 độ C (ở khu vực Bắc Bộ). Hiện tượng EnSo (sự phối hợp giữa El-Nino, La-Nina ở đại dương và ở khí quyển) được dự báo sẽ ở pha trung tính, nhưng nghiêng về pha lạnh trong các tháng cuối năm 2017 và gia tăng khả năng xuất hiện La Nina (hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường) vào đầu năm 2018. Nhiều khả năng hiện tượng La Nina sẽ có cường độ yếu và không kéo dài. Vì vậy, nhiệt độ trung bình trong 3 tháng tới ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa từ tháng 11-2017 đến tháng 1-2018, dao động từ 80 đến 150mm, có nơi có thể lớn hơn. Từ tháng 11-2017 đến 1-2018, xuất hiện từ 2 đến 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng ảnh hưởng gián tiếp một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới…

- Ông có thể nói thêm về hiện tượng La Nina tác động thế nào đến khí tượng, thủy văn nước ta, đặc biệt khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có TP Hà Nội?

- La Nina có tác động rõ rệt đến thời tiết và khí hậu ở nước ta. Trong những năm La Nina xuất hiện, nhiệt độ trung bình thấp hơn trung bình nhiều năm ở hầu hết vùng trong nước, trong đó có khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhưng tần suất xảy ra các đợt mưa lớn có khả năng tăng cao. Lũ cũng có khả năng xuất hiện sớm. Ngoài ra, do tác động của hiện tượng La Nina, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như: Dông, tố, lốc, mưa đá...

- Vậy theo ông, để ứng phó nhằm giảm thiệt hại do các hình thái thiên tai mùa đông - xuân 2017-2018 gây ra, chúng ta nên làm gì?

- Với diễn biến thiên tai có xu hướng ngày càng phức tạp, các cơ quan khí tượng thủy văn đã và đang tăng cường công tác theo dõi, giám sát, quan trắc, dự báo, cảnh báo trên phạm vi cả nước. Các bản tin dự báo, cảnh báo được gửi tới các cơ quan quản lý và cộng đồng, qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng để kịp thời triển khai công tác phòng, chống thiên tai...

Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu và khí tượng thủy văn cực đoan, không còn tuân theo quy luật. Do vậy, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, các cơ quan quản lý và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan Khí tượng thủy văn. Mặt khác, thiên tai có xu hướng không chỉ gia tăng về tần suất, phạm vi ảnh hưởng mà còn cả về cường độ. Vì vậy, các cơ quan quản lý và phòng, chống thiên tai cũng cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại các phương án phòng, chống để có thể ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết và các biểu hiện khí tượng thủy văn. Các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của La Nina và các giải pháp phòng, tránh. Để làm tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, rất cần sự “chung tay” của các cấp chính quyền, các ngành và cộng đồng...

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết mùa đông - xuân 2017-2018 có gì đặc biệt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.