Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết: Không để “trên nóng, dưới lạnh”!

Thu Trang| 21/01/2018 07:23

(HNM) - Để xử lý nghiêm vi phạm, công tác kiểm tra phải được thực hiện đồng bộ, không để


Một cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo tại xã La Phù (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền


“Ngại” nhất cơ sở sản xuất theo thời vụ

Trước Tết, TP Hà Nội lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành và gần 700 đoàn kiểm tra của 30 quận, huyện, thị xã. Sau nửa tháng ra quân, các đoàn đã kiểm tra gần 6.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó, 561 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sai phạm chủ yếu rơi vào cơ sở làm thời vụ, chưa bảo đảm điều kiện sản xuất, người lao động chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, chưa được kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, thời điểm này chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm)… nườm nượp người mua, kẻ bán. Bánh, kẹo, mứt Tết, hoa quả sấy khô… bày bán tại đây không có nhãn mác, chỉ có vài dòng về tên sản phẩm do chủ hàng viết lên. Theo một chủ ki ốt tại chợ Đồng Xuân, dù còn gần tháng nữa mới đến Tết nhưng các mặt hàng như bánh kẹo (bán theo cân), các loại mứt… tiêu thụ khá mạnh, chủ yếu là khách buôn đi các tỉnh. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc, chủ hàng thường né tránh hoặc khẳng định “hàng đặt chỗ quen nên chất lượng bảo đảm, khách cứ yên tâm”…

Đề cập đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết năm nay, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) dự báo, nhiều loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng gấp 10 lần so với ngày thường. Lượng hàng hóa trên thị trường khá lớn nên việc kiểm tra, kiểm soát khó khăn hơn. Dịp Tết, lượng thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng được bán kèm hàng hóa bình thường sẽ lớn hơn, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng tăng. Thế nhưng, nhiều địa phương khá thờ ơ với việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, thậm chí dồn trách nhiệm cho cơ quan chuyên ngành.

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Thanh Phong còn cho rằng, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm cũng gặp không ít khó khăn. Từng xảy ra chuyện đoàn liên ngành tới kiểm tra nhưng cơ sở sản xuất chốt cửa không tiếp. Có cơ sở đăng ký sản xuất một nơi nhưng thực tế lại sản xuất ở địa điểm nơi khác... nên rất khó khăn tiếp cận.

“Khi các đoàn kiểm tra “ra quân”, nếu không có sự phối hợp liên ngành, nhất là của lực lượng công an thì hiệu quả thanh tra, kiểm tra sẽ không cao”, ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Ưu tiên nguồn lực kiểm tra, kiểm nghiệm


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra bể ngâm mứt tại một cơ sở sản xuất tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm).


Ngày 18-1, qua kiểm tra một số cơ sở sản xuất mứt Tết truyền thống tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận sự tiến bộ về quy trình sản xuất, quy trình quản lý nguồn gốc nguyên liệu so với lần kiểm tra năm ngoái. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít cơ sở sản xuất thủ công, chưa tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tăng cường kiểm tra, đồng thời tổ chức tập huấn, giới thiệu công nghệ và quy trình sản xuất mới cho các làng nghề. Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, cần tăng cường lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm và sớm công bố kết quả. “Kiểm tra nhiều, hiệu quả thì sản phẩm tốt sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Ngược lại, sản phẩm không đạt sẽ bị đào thải”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra có điểm mới. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở xét nghiệm phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn kiểm tra gửi về và công bố sớm, tránh tình trạng qua kỳ nghỉ Tết mới có kết quả. Thời gian này, các phòng xét nghiệm sẽ làm việc hết công suất. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy sản phẩm không đạt yêu cầu thì ngoài việc dừng lưu thông, xử lý vi phạm, cơ quan chức năng sẽ công bố tên cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các đoàn liên ngành của trung ương chủ yếu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của trung ương tại các địa phương chứ không làm thay nhiệm vụ của cơ sở. Nếu địa phương không thực hiện nghiêm túc, các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để có hình thức xử lý phù hợp, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội cũng cho rằng, để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và thực phẩm Tết nói riêng đạt hiệu quả, các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc. Vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, cùng với việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn nguyên liệu tại các cơ sở sản xuất rượu, bia, bánh, mứt Tết, nhất là tại các làng nghề - nơi tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.


Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018, người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm; tuyệt đối không lạm dụng rượu, bia và không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư... nhằm chủ động cấp cứu và xử lý tình huống khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết: Không để “trên nóng, dưới lạnh”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.