Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm

Nguyễn Lê| 09/03/2018 07:07

(HNM) - Qua Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, không ít người dân TP Hồ Chí Minh lơ là với an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngăn chặn không xuể

Ngày 5-3, theo nguồn tin từ người dân, Đội Quản lý An toàn thực phẩm trung tâm thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh (Ban ATTP) đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Vina Meat (phường Tân Phong, quận 7), phát hiện 5 mặt hàng hết hạn sử dụng gồm thịt bò xay, thịt bò chặt miếng, bắp bò, thịt bò chế biến sẵn, thịt sườn lợn. Các mặt hàng này được bảo quản trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, cơ sở vật chất của kho chứa hàng xuống cấp. Trước đó vài ngày, cũng theo nguồn tin phản ánh từ người dân, Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận, huyện số 5 kiểm tra đột xuất kho chứa thực phẩm của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hiếu Hòa (phường 14, quận 11) đã phát hiện 8 mặt hàng như thức uống dinh dưỡng, sữa chua, bánh snack... với số lượng 220 thùng đã quá hạn sử dụng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, niêm phong các lô hàng và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, chỉ riêng thông tin từ người dân, các ngành chức năng đã ngăn chặn được nhiều nguồn thực phẩm không an toàn ra thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế còn nhiều loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn chưa bị phát hiện, xử lý. Chỉ riêng thịt lợn, mỗi ngày thành phố tiêu thụ từ 10.000 đến 11.000 con. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đến hết năm 2018, thành phố sẽ chấm dứt việc giết mổ lợn thủ công và chỉ còn giết mổ hoàn toàn tự động, có các kho trữ đông, trữ mát. Tuy nhiên, thực tế lượng thịt lợn được nhập vào thành phố đến từ nhiều nguồn khác nhau. Một số được giết mổ tại thành phố, số còn lại chiếm không nhỏ được giết mổ tại các tỉnh, thành khác. Thế nhưng, công tác kiểm soát thịt lợn từ nguồn nhập bên ngoài hiện còn lỗ hổng...


Ảnh minh họa.


Xử lý mạnh để răn đe


Các ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đang tăng cường lực lượng kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn địa bàn. Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, Ban ATTP thành lập 12 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đối với công tác kiểm tra liên ngành, Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh thành lập 1 đoàn kiểm tra tuyến thành phố để kiểm tra công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại UBND các quận, huyện. Đối với tuyến quận, huyện cũng thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra tuyến phường, xã, thị trấn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP cho biết, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, đơn vị cung cấp suất ăn, quán ăn và kể cả các điểm buôn bán thức ăn đường phố đều có thể bị kiểm tra đột xuất. “Qua kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, đoàn sẽ lập hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định. Riêng các hành vi vi phạm pháp luật không thuộc thẩm quyền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Ban ATTP sẽ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, thành phố đặt ra yêu cầu tất cả thực phẩm được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng trên địa bàn phải bảo đảm an toàn. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là mục tiêu rất lớn, khó nhưng thành phố quyết tâm thực hiện bằng được; đồng thời kiên quyết trong xử lý, xử phạt, nếu đủ cơ sở pháp lý sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự một số vụ để cảnh tỉnh, răn đe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.