Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào kiểm soát thị trường mỹ phẩm?

Bài, ảnh: Thu Trang| 16/04/2018 07:08

(HNM) - Mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái đang bày bán tràn lan trên thị trường, từ trung tâm thương mại, hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa, trên mạng xã hội cho tới các chợ dân sinh...


Hậu quả khôn lường

Dạo quanh một vòng các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang... dễ dàng bắt gặp những quầy mỹ phẩm với hàng trăm loại khác nhau. Những loại mỹ phẩm từ vô danh đến thương hiệu tên tuổi, như: SKII, Shiseido, Lancome, Ohui... đều có chung đặc điểm là không có tem nhãn của nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần và hạn sử dụng. Các sản phẩm “hàng hiệu” này đều có giá rẻ bất ngờ: Chỉ chưa đến 200.000 đồng, chị em có thể sắm một bộ trang điểm với đầy đủ son, kem nền, phấn, chì kẻ mắt, kem trắng da, kem chống nắng trong khi sản phẩm chính hãng phải đắt gấp 5-10 lần.

Người tiêu dùng nên lựa chọn mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ để tránh nguy cơ với sức khỏe.
Ảnh: Sơn Hà


Từ tháng 2-2018 đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) liên tiếp ban hành quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt chất lượng, cụ thể: Thu hồi lô sản phẩm kem trắng da ban đêm E100 của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Việt Hương, do kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm có thành phần công thức không đúng với hồ sơ công bố.

Gần đây nhất, 3 loại sản phẩm thương hiệu nổi tiếng thế giới Dior cũng bị thu hồi là chì kẻ mắt có chứa Propylparaben hàm lượng quá giới hạn cho phép của khu vực ASEAN, hai loại nước hoa (Dior sport và Dior J’Adore) có thành phần sản xuất khác với thành phần ghi trong hồ sơ đăng ký sản phẩm…

Mỹ phẩm giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nghiêm trọng hơn còn nguy hiểm tới sức khỏe và ngoại hình người sử dụng. Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng hằng tháng, Bệnh viện Da liễu trung ương đều tiếp nhận nhiều trường hợp bị dị ứng, phù nề do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi.

Bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, bệnh viện thường gặp những trường hợp viêm da tiếp xúc do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Các loại mỹ phẩm thường được chị em lựa chọn là kem dưỡng da, kem làm trắng da siêu tốc, kem chống lão hóa, sữa rửa mặt tẩy trắng… gây tình trạng da đỏ, teo da và lúc nào cũng cảm thấy ngứa.

Thậm chí, nhiều người còn sử dụng một số loại kem trộn, kem trắng da siêu tốc… có thành phần corticoid. Trong 3-4 ngày đầu khi sử dụng, corticoid có tác dụng mạnh, hiệu quả nhanh trong chống viêm, dị ứng làm cho da người sử dụng sáng, mịn hơn.

Chính vì vậy, nhiều chị em mách nhau mua về sử dụng. Tuy nhiên, khi dùng corticoid kéo dài, có thể gây ra những biến chứng khó lường như: Teo da, giãn mạch, rạn da, thay đổi sắc tố da... có khi vĩnh viễn không phục hồi. Dùng lâu dài hơn sẽ gây ức chế tuyến thượng thận, hội chứng mặt tròn, phù nề như mặt trăng.

Dám làm và làm công khai

Nhìn nhận về việc quản lý thị trường mỹ phẩm hiện nay, ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, pháp luật hiện cũng tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời cam kết trong sản phẩm không có những chất cấm, không được sử dụng là có thể hoạt động.

Cơ quan quản lý cũng phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động của doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm tối đa đến các Sở Y tế, các địa phương. Vì vậy, với những mỹ phẩm từ nước ngoài nhập vào Việt Nam thì công bố ở Cục Quản lý dược, còn mỹ phẩm trong nước thì Sở Y tế và chính quyền địa phương quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Lợi, song hành với việc tạo cho doanh nghiệp một cơ chế thông thoáng như vậy, bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập. Cụ thể, Cục Quản lý dược đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra trên thị trường và phát hiện các sai phạm trong công tác quản lý như: Công thức trong mỹ phẩm, địa điểm sản xuất không đúng như đã đăng ký...

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, trên thực tế, người có điều kiện về kinh tế thường ra nước ngoài mua hàng và ít gặp phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Ngược lại, người có thu nhập thấp là những đối tượng tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm giá rẻ và chính họ bị tác động nhiều nhất. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong "cuộc chiến" với hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung và mỹ phẩm nói riêng còn chưa chặt chẽ. Thậm chí, khi phát hiện sai phạm, có cơ quan còn giữ kín thông tin.

“Để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đấu tranh chống hàng giả của các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở. Chúng ta phải dám làm và làm công khai”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào kiểm soát thị trường mỹ phẩm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.