Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể: Vẫn chưa hết… lo!

Thu Trang| 02/06/2018 06:44

(HNM) - Tình trạng ngộ độc thực phẩm luôn rình rập tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất..., nhất là vào mỗi dịp hè, thời tiết nóng nực, khiến thực phẩm dễ hư hỏng, gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc cao.

Việc bảo đảm tốt chất lượng bữa ăn tập thể góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe, năng suất lao động. Ảnh: Phạm Hùng. Trong ảnh: Một bữa ăn tập thể tại Công ty Samsung Việt Nam.



Thực phẩm sạch khó vào bếp ăn tập thể

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có gần 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có gần 2.900 bếp ăn tập thể, mỗi ngày cung cấp gần 944.000 suất ăn. Riêng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có khoảng 234 bếp ăn tập thể và mỗi bếp ăn phục vụ từ 80 đến 3.000 suất ăn/ngày. Có 2 hình thức dịch vụ ăn uống tại bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp: Đơn vị có bếp ăn tập thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống (chiếm 80%) và do đơn vị tự nấu phục vụ nhân viên (chiếm 20%).

Qua kiểm tra, khảo sát những vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cả nước thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến phục vụ công nhân. Theo Thạc sĩ Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, nên khó kiểm soát về chất lượng, an toàn. “Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm” - Thạc sĩ Cao Văn Trung lưu ý.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, dù đã có nhiều chuyển biến, song công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố còn gặp không ít khó khăn, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao. Nguyên nhân là người quản lý bếp ăn tập thể chủ quan, kiến thức về lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm còn hạn chế. Hơn nữa, cơ sở cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài, nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng…

Trong khi cơ quan quản lý khó kiểm soát nguồn thực phẩm, thì thực phẩm sạch khó tiếp cận được với các bếp ăn tập thể. Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra được chứng nhận bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và mong muốn kết nối bán hàng vào hệ thống bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân, nhưng không dễ dàng. Bởi lẽ, các bếp ăn đều có “chân rết”, có mắt xích và có đường dây cung cấp thực phẩm riêng.

Điều đáng nói, hiện giá thực phẩm ngày càng tăng, nhưng giá cả suất ăn dành cho công nhân ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất rất thấp, phổ biến từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/suất. Đó là lý do khiến nhiều cơ sở nấu ăn phải lựa chọn nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng… PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, với giá suất ăn như vậy, rất khó để có được thực phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Cần thêm mô hình kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và xây dựng các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trong đó có việc đề cao vai trò của công đoàn và đại diện của người lao động. Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, doanh nghiệp không nên “tham bát bỏ mâm”, mà cần thấy rằng, nếu công nhân có sức khỏe tốt thì năng suất lao động sẽ được nâng cao, góp phần tăng lợi nhuận cho đơn vị. Mặt khác, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, doanh nghiệp không chỉ bị phạt, mà còn ảnh hưởng đến uy tín.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của TP Hà Nội kiểm tra bếp ăn tập thể trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.


Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, ngay từ đầu mùa hè, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm. Các cơ quan chức năng phải tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn cho bếp ăn tập thể. Cục An toàn thực phẩm cũng đã đề nghị các địa phương xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Đề cập đến giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thường xuyên cập nhật danh sách các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể để nhắc nhở họ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát an toàn thực phẩm với những đơn vị có bếp ăn tập thể, với nhà thầu cung cấp suất ăn. "Chúng tôi sẽ làm cầu nối cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch với các bếp ăn tập thể và tiếp tục nghiên cứu các mô hình quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cho phù hợp với tình hình hiện nay" - bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết thêm.

Theo Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, năm 2017, Hà Nội đã kiểm tra 162 bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 20 bếp ăn tập thể bị xử phạt hành chính với số tiền 124 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Sử dụng bếp ăn không được thiết kế và tổ chức theo nguyên tắc một chiều; bảo quản thực phẩm chưa đúng, không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại; không ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể: Vẫn chưa hết… lo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.