Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cuộc chiến” sạch khuẩn bệnh viện

Thu Trang| 16/08/2018 06:29

(HNM) - Nhằm kiểm soát có hiệu quả thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BYT, ngày 20-7-2018, quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (thay thế cho thông tư cũ).

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội trang bị hệ thống labo rửa tay thông minh không chạm, bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối.


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện đã, đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở y tế trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm và đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng gấp 2-3 lần thời gian nằm viện, tăng gấp 2 lần chi phí điều trị trực tiếp. Đáng báo động là nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng thuốc thường gặp ở những bệnh nhân có phẫu thuật. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở 5-10% người bệnh mắc nhiễm khuẩn bệnh viện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở nước ta hiện vẫn còn nhiều thách thức. Hầu hết ở các bệnh viện đều thiếu nhân lực giám sát chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn. Đa số nhân viên phụ trách công tác này chưa được đào tạo, vì vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại không ít bệnh viện mới chỉ tập trung vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng việc giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn.

Vì vậy, Thông tư số 16/2018/TT-BYT ra đời quy định rõ trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố; trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trao quyền hạn và trách nhiệm cho bộ phận giám sát chuyên trách trong việc đẩy mạnh kiểm tra việc tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn không chỉ của nhân viên y tế mà cả người bệnh và người nhà họ.

Trước những quy định trên, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đầy đủ hội đồng, khoa (bộ phận) và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Còn với các cơ sở y tế dưới 150 giường bệnh tối thiểu phải có bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn và có người phụ trách làm việc toàn thời gian.

Với những cơ sở y tế không có giường bệnh nội trú tối thiểu phải phân công một người phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn. Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường trang bị đầy đủ phương tiện chống nhiễm khuẩn bệnh viện, nhất là phương tiện vệ sinh bàn tay, hướng dẫn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân thực hiện vệ sinh bàn tay. Thực tế qua giám sát, nhiều bệnh viện đã bước đầu tuân thủ các quy định mới về kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế.

Với đặc thù là nơi điều trị cho các bệnh nhân lao và bệnh phổi với thời gian điều trị thường kéo dài, “cuộc chiến” chống nhiễm khuẩn đã được Bệnh viện Phổi Hà Nội thực hiện sát sao ngay từ Khoa Khám bệnh. Ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội chia sẻ, không chỉ nhân viên y tế phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định về chống nhiễm khuẩn bệnh viện mà ngay cả bệnh nhân và người nhà của họ đến khám, điều trị tại bệnh viện đều được khuyến cáo đeo khẩu trang.

Tại các cửa buồng bệnh, đều có dung dịch sát khuẩn nhanh. Hằng ngày, điều dưỡng buồng bệnh đều hướng dẫn cho bệnh nhân cách phòng, chống lây nhiễm bệnh, nhất là với những bệnh nhân mới. Đều đặn mỗi tuần, tại các khoa đều tổ chức họp hội đồng người bệnh, đích thân điều dưỡng trưởng khoa sẽ phổ biến cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng, chống lây nhiễm...

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trong vòng ba năm trở lại đây đã cải thiện vệ sinh ngoại cảnh rất tốt, bệnh viện xanh - sạch - đẹp, ít mùi hơn. Khảo sát tại Khoa Khám bệnh, khu phẫu thuật và khu hồi sức, nhân viên y tế đã tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khẳng định, việc phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện cần sự thay đổi trong thói quen, nhận thức của chính nhân viên làm trong môi trường bệnh viện, nơi hằng ngày, hằng giờ phải tiếp xúc với rất nhiều loại mầm bệnh và vi khuẩn khác nhau. Tiếp đến phải là ý thức của người bệnh và người nhà họ trong việc tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn mà bệnh viện đề ra. Nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu có sự chung tay của cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chiến” sạch khuẩn bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.