Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở

Hà Hiền| 18/08/2018 06:22

(HNM) - Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở là yêu cầu, giải pháp cấp bách nhằm ngăn ngừa những nguy cơ mất an toàn với trẻ em hiện nay. Theo các chuyên gia, mạng lưới này sẽ được thiết lập vững chắc nếu có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, chính quyền các địa phương và cộng đồng xã hội.

Đầu tư chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội.Ảnh: Thái Hiền



Mạnh dạn tố cáo, tăng nặng hình phạt

Trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng đã điều tra, xử lý 720 vụ với 790 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục là 573 vụ (bằng 79,5%). Nổi cộm là vụ 3 bảo mẫu Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh trên đường HT 05, phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh, hành hạ nhiều trẻ nhỏ theo học tại đây; vụ bạo hành trẻ em tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười, phường Chính Gián, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng)...

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, trong tổng số hơn 13.000 vụ bạo lực gia đình xảy ra năm 2017, có tới 748 vụ liên quan đến trẻ em. Từ đầu năm đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện... Lý giải nguyên nhân, Đại tá Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, nạn nhân là trẻ em nên không thể phân biệt hoặc không đủ khả năng tự vệ, chống trả và tội phạm thường lợi dụng điểm yếu này để xâm hại các em. Địa điểm xảy ra các vụ xâm hại thường ở những nơi vắng vẻ, nên ít bị phát hiện, ngăn chặn. Về phía nạn nhân và gia đình, vì e ngại thông tin lộ ra sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, nên nhiều người chủ động giấu kín. Một số khác bị đe dọa không dám nói hoặc chấp nhận hòa giải. Mặt khác, quy định của pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em còn một số bất cập, hạn chế, khiến các cơ quan chức năng không dễ xác minh, điều tra, xử lý.

Trước thực trạng trên, luật sư Trần Thị Ngọc Lữ, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh kiến nghị, tăng nặng hình phạt đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em; có quy định rõ về số lần, cách thức lấy lời khai người bị hại là trẻ em trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Luật sư Lê Thị Ngân Giang, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cũng mong muốn các cơ quan chức năng tiến hành điều tra thân thiện với các vụ án liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, nạn nhân, người thân và cộng đồng cần mạnh dạn lên án, phê phán, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em, không để tội phạm lọt lưới pháp luật.

Đầu tư chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em

Cùng với những giải pháp mang tính khuyến cáo, răn đe, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em khẳng định, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là cấp thiết xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở.

Nhà trường đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Ảnh: Thái Hiền


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các ngành, địa phương đưa mục tiêu bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời bố trí nguồn lực vật chất, con người đủ mạnh làm công tác này. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc ngành LĐ-TB&XH, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Tư pháp và từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động liên quan. Bộ LĐ-TB&XH sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em…

Là mắt xích quan trọng trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai các hoạt động nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện ở các trường học trên phạm vi cả nước. Trong năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở giáo dục phát triển mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh; xây dựng đề án “Ứng xử văn hóa trong trường học”… “Các hoạt động đều được triển khai trên nguyên tắc liên thông, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan chức năng khởi động chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái... Bên cạnh đó, những hoạt động mang thông điệp “yêu thương và chia sẻ” cũng được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho em trẻ em có môi trường phát triển tích cực từ “tế bào” gia đình.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường cho trẻ em sống tốt, phát triển tốt là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, triển khai các mô hình bảo vệ trẻ em hiệu quả. Thực tế, địa phương nào dành sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, trẻ em ở địa phương đó được bảo đảm an toàn và có cơ hội phát triển tốt hơn.

Với sự nỗ lực, quyết tâm lớn từ nhiều ngành, nhiều phía, hy vọng mạng lưới bảo vệ trẻ em sớm mở rộng, phát triển đến cấp thôn, làng, ấp, bản, có sự tham gia của mọi người, mọi nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.