Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thu Trang| 07/09/2018 06:37

(HNM) - Nếu chậm khắc phục, tình trạng thấp còi sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong tương lai. Chính vì vậy, Hà Nội đặt ra mục tiêu cải thiện tầm vóc của thanh niên đến tuổi 18 đạt chiều cao trung bình 167,5cm (với nam), 156,5cm (với nữ) vào năm 2025 và đến năm 2030, mục tiêu tương ứng với nam là 169cm, nữ là 158cm. 12 năm để tăng từ 3 đến 4cm chiều cao, mục tiêu này đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội chứ không chỉ là kết quả của một đề án riêng lẻ.


Thể lực tốt, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn

Nhiều năm qua, mặc dù vấn đề cải thiện chất lượng dinh dưỡng đã được quan tâm, nhưng theo Bộ Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao (chiếm gần 25%). Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao, tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%. Hậu quả của thiếu vi chất ảnh hưởng đến tầm vóc và trí tuệ của con người.

Thể dục, thể thao góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ. Ảnh: Nhật Nam



Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm thiếu vitamin A, iốt, sắt, kẽm là các vấn đề sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần và thể lực của trẻ. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, nếu không được can thiệp kịp thời, không chỉ bị “hụt” ít nhất 10cm ở giai đoạn trưởng thành, mà còn có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn, đồng thời ảnh hưởng tới năng suất lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Dù trí tuệ không hoàn toàn phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng, song đối với mỗi con người, nếu tình trạng sức khỏe tốt hay nói cách khác thể chất và thể lực tốt, hiệu quả công việc cũng sẽ tốt hơn.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, đốc công của một công ty lắp ráp điện tử cho biết, khoảng 1/3 số công nhân ở công ty anh cao khoảng 170cm trở lên, còn lại đều cao trên dưới 165cm. Khi tuyển chọn nhân sự, công ty nhận những người thạo việc, thạo nghề. Và thực tế cho thấy, những người có chiều cao tương đối, có thể lực tốt hơn, làm việc có hiệu quả hơn. Những người có chiều cao hạn chế thường sức không bền, thậm chí, những lúc cần mang vác thiết bị, máy móc thì thấy rất rõ điểm bất lợi này…

Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, quản lý bộ phận marketing của một công ty thời trang chia sẻ, người Việt Nam thấp bé là một bất lợi rất lớn, nhất là khi ra đấu trường quốc tế. “Khi xem bóng đá, các cầu thủ của mình đứng cạnh cầu thủ nước ngoài thấy họ nhỏ bé quá. Nếu to cao, thể lực tốt, bóng đá Việt Nam sẽ có thể giành chiến thắng tại ASIAD 18 vừa qua” - anh Nguyễn Văn Tuấn nói.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Bởi vậy, trước 12 tuổi được xem là “lứa tuổi vàng”, quyết định rất lớn đến thể chất và trí tuệ của mỗi con người.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời điểm này, nâng cao tầm vóc người dân Thủ đô là một yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục và vận động thay đổi hành vi về phát triển thể lực và tầm vóc người Hà Nội, thành phố sẽ triển khai các chương trình chăm sóc dinh dưỡng, tăng cường giáo dục thể chất cho trẻ. Cụ thể, Hà Nội đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi thấp hơn mức 13% vào năm 2025 và 12% vào năm 2030. Cải thiện số lượng và chất lượng khẩu phần ăn của trẻ mẫu giáo và tiểu học bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, an toàn, đa dạng thực phẩm, hợp khẩu vị; trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo đề án chương trình sữa học đường; nâng cao chất lượng giờ học thể dục chính khóa, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tự tập luyện thể dục - thể thao để tăng cường thể lực, cải thiện chiều cao thân thể; coi trọng đầu tư cơ sở vật chất cho học sinh tập luyện môn bóng rổ, bóng chuyền, bơi… tại các nhà trường vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp được thành phố đề ra.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, với những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, thành phố sẽ tiến hành định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện. Công cuộc cải thiện tầm vóc người Hà Nội là cả một sự nghiệp dài lâu với nhiều giải pháp khoa học, đồng bộ và sự chung tay của toàn xã hội, chứ không phải chuyện một sớm, một chiều. Từ kế hoạch này, thành phố mong muốn tạo nên phong trào mỗi người, mỗi gia đình đều quan tâm đến việc chăm sóc cho trẻ từ trong bào thai để có những thế hệ nối tiếp nhau phát triển về thể lực, trí lực, chiều cao thân thể để trong tương lai không xa, sẽ có những thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam có chiều cao và thể lực tương xứng với các nước trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần sự chung tay của toàn xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.