Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lưu giữ truyền thống, trao gửi yêu thương

Nguyễn Thanh| 23/09/2018 07:02

(HNM) - Tiếp nối xu hướng của những năm gần đây, nhiều bảo tàng, di tích tập trung cho việc tái hiện không gian đón Tết Trung thu gắn với các chương trình diễn xướng, trò chơi dân gian…

Các em nhỏ háo hức đón trung thu tại Hoàng thành Thăng Long.Ảnh: Khuê Diệp


Hấp dẫn không gian Tết Trung thu truyền thống

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vừa chính thức khởi động mùa Trung thu năm 2018 bằng một loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với giáo dục di sản dành cho các em học sinh tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, các bạn nhỏ không chỉ được đắm mình trong không gian Tết Trung thu Hà Nội xưa với các chương trình diễn xướng, trò chơi dân gian, những món đồ chơi thủ công độc đáo, mà còn được trải nghiệm các hoạt động tương tác như tô mặt nạ, nặn tò he, tìm hiểu nghệ thuật gấp giấy Origami của Nhật Bản…

Đặc biệt, trong suốt thời gian diễn ra chương trình (từ ngày 19 đến 24-9, tức rằm tháng Tám), các bạn nhỏ yêu văn hóa, lịch sử còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các nhà sử học, các nghệ nhân thông qua những chuyên đề giáo dục di sản hấp dẫn, như: “Các bậc vua sáng, tôi hiền qua tích truyện trung thu tại cung đình Thăng Long xưa”; “Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua đồ chơi truyền thống”…

Trong những ngày này, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các hoạt động chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm “Sắc màu văn hóa Ninh Thuận” cũng đang được thực hiện một cách kỹ lưỡng nhằm mang đến cho các bạn nhỏ và du khách bầu không khí Tết Trung thu ấm cúng, giàu ý nghĩa. Bên cạnh những hoạt động đã thành truyền thống như chuẩn bị đồ chơi dân gian, bày mâm ngũ quả, rước đèn, phá cỗ…, điểm nhấn trong những ngày này tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là không gian Tết Trung thu đa sắc màu của đồng bào Chăm, Raglai ở tỉnh Ninh Thuận, chương trình giới thiệu ẩm thực truyền thống và trò chơi dân gian độc đáo.

PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Hơn 20 nghệ nhân đến từ vùng đất duyên hải Nam Trung bộ sẽ trình diễn các tiết mục dân vũ, hòa tấu nhạc cụ truyền thống với đàn paranưng, kèn saranai, trống ginăng…".

Cùng với đó là không gian giới thiệu nghệ thuật gốm Bàu Trúc, nghệ thuật dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp…, mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng nhất về Tết Trung thu cũng như sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người. Điều này không chỉ giúp du khách tìm hiểu về văn hóa truyền thống, mà còn góp phần động viên, khích lệ các nghệ nhân làng nghề tiếp tục gìn giữ, trao truyền nghề truyền thống.

Giữ gìn những giá trị xưa

Vui Tết Trung thu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Trong những ngày này, tại nhiều điểm đến nổi tiếng của Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nổi bật là các hoạt động vui Tết Trung thu của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội được “rải” khắp các điểm di tích, trung tâm giao lưu văn hóa...

Tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), một không gian Tết Trung thu truyền thống của các gia đình Hà Nội đã được tái hiện bên cạnh triển lãm ảnh “Trung thu xưa”, giúp người xem hình dung, cảm nhận rõ hơn về không khí náo nức của những ngày vui hội trăng rằm chưa xa của người Hà Nội.

Cách Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây không xa là Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, nơi trở thành không gian giới thiệu nghệ thuật tranh dân gian trong những ngày này. Tại đây, du khách có cơ hội giao lưu với nghệ nhân, trải nghiệm cách làm tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ… Tại đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, các nghệ nhân giới thiệu với du khách và trẻ nhỏ cách làm những loại đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đẩy gậy, mặt nạ giấy bồi…

Đặc biệt, tại không gian “phố bích họa” Phùng Hưng hay không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, vào những ngày cuối tuần trước Tết Trung thu có rất nhiều trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi được tổ chức, từ ô ăn quan, cà kheo, kéo co đến nhảy sạp, cướp cờ, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột… Những trò chơi độc đáo dẫn dắt trẻ em Hà Nội đến với hành trình về nguồn, thấu hiểu ý nghĩa, giá trị văn hóa truyền thống.

Em Bùi Đăng Quang (học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy) cho biết: “Em và bạn bè rất thích tới phố đi bộ trong những ngày này vì ở đó có nhiều hoạt động hấp dẫn hướng tới Tết Trung thu, trong đó có các trò chơi dân gian. Được trải nghiệm những điều thú vị, chúng em thêm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc, hiểu vì sao lại gọi là Tết Trung thu, tại sao trong những ngày này trẻ em thường rước đèn, đánh trống…, cả nhà quây quần bên nhau phá cỗ, ngắm trăng…”.

Là người tham gia tư vấn, hỗ trợ nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu đã nhiều năm, Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận xét: “Những hoạt động vui Tết Trung thu hướng về cội nguồn dân tộc đang trở thành điểm nhấn đáng quý, tác động tích cực lên đời sống tinh thần của người dân. Những hoạt động này cần được cổ vũ, khích lệ để có thêm nhiều cách tổ chức sáng tạo, hấp dẫn, bổ ích hơn. Tết Trung thu không chỉ là dịp để thể hiện tình yêu, sự quan tâm của gia đình, xã hội dành cho trẻ nhỏ, mà còn là cơ hội để các em tiếp cận, tìm hiểu văn hóa truyền thống, qua đó bồi đắp tình yêu di sản, niềm tự tôn dân tộc, điều rất cần thiết với mỗi chủ nhân tương lai của đất nước".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ truyền thống, trao gửi yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.