Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đúng quy định, phù hợp thực tế

Khánh Vũ| 05/10/2018 07:18

(HNM) - Bảo hiểm xã hội Hà Nội khẳng định: Chịu trách nhiệm chính trong việc bội chi Quỹ bảo hiểm y tế là các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bội chi Quỹ bảo hiểm y tế gần 546 tỷ đồng

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng của năm 2018 là 25.063 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch thu. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 84,9% dân số, dự kiến hết năm 2018 hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao là 85,3%. Hiện tại, có hơn 1,612 triệu người tham gia BHXH, hơn 6,429 triệu người tham gia BHYT. BHXH thành phố đang quản lý 68.329 đơn vị, trong đó có 10.662 doanh nghiệp mới tham gia BHXH, BHYT.

Khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế. Ảnh: Hà Sơn


BHXH Hà Nội hiện đang rà soát việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động quản lý. Cơ quan BHXH phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động rà soát các thông tin cá nhân, quá trình tham gia, chức danh công việc, tiền lương đóng BHXH… tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc hưởng các chế độ BHXH sau này. Đến nay, hơn 1,83 triệu sổ BHXH đã được hoàn thiện số liệu để giao cho người lao động, đạt 99,6% kế hoạch. Trong 9 tháng của năm 2018, BHXH thành phố thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH với tổng số tiền lên tới 18.829 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, việc cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH là một bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. Điều này bảo đảm mỗi người chỉ có một mã số BHXH, mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT duy nhất, tránh được việc cấp thẻ trùng như những năm trước đây. Thẻ BHYT được sử dụng lâu dài. Khi người lao động tiếp tục tham gia, chỉ cần thực hiện cập nhật trên cơ sở dữ liệu, không phải in lại thẻ. Khi người lao động ngừng tham gia, cơ quan BHXH chỉ thực hiện điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu, không phải thu hồi lại thẻ.

BHXH thành phố cũng đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 197 cơ sở y tế, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho gần 8 triệu lượt người, với tổng chi phí hơn 12.000 tỷ đồng và bội chi Quỹ khám, chữa bệnh là 545,9 tỷ đồng.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ, BHXH Hà Nội đã gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến 21.408 đơn vị nợ BHXH. Qua đó, các đơn vị đã đóng được 560 tỷ đồng. Tổ thu nợ BHXH các quận, huyện, thị xã và Phòng Khai thác - Thu nợ đã đôn đốc trực tiếp tại gần 5.000 đơn vị nợ, thu hồi được 512 tỷ đồng. Thanh tra thành phố gửi văn bản đôn đốc đến 582 đơn vị nợ BHXH, thu hồi được 59,2/208,4 tỷ đồng. Liên ngành BHXH, Thanh tra, Liên đoàn Lao động, Công an và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố làm việc với 10 doanh nghiệp nợ BHXH, sau buổi làm việc đã thu hồi được 7,7/21,2 tỷ đồng. Đến hết tháng 8-2018, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.788,1 tỷ đồng, bằng 4,56% kế hoạch thu (giảm 427 tỷ đồng, tương đương 19,3% so với cùng kỳ năm 2017).

Cơ sở khám, chữa bệnh phải tự kiểm soát chi phí

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong quý IV-2018, BHXH thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, tập trung khu vực phi chính thức, các doanh nghiệp chưa tham gia và BHXH tự nguyện; phấn đấu thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đạt 100%. Về các giải pháp giảm nợ, BHXH thành phố yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính; chủ động phối hợp với Công an thành phố tập hợp hồ sơ, tài liệu đối với những doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về vấn đề bội chi Quỹ BHYT, theo Giám đốc BHXH Hà Nội, nguyên nhân là do các cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện nghiêm túc việc rà soát các chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế hợp lý, bảo đảm chất lượng điều trị. Nhiều cơ sở chỉ định bệnh nhân vào nội trú rộng rãi, trong khi chưa đến mức phải vào viện, kéo dài ngày điều trị nội trú. Ngoài ra, do chi phí khám, chữa bệnh BHYT hoàn toàn do bác sĩ, cán bộ ngành Y tế chỉ định thực hiện được thể hiện trên hồ sơ bệnh án chưa thật sự minh bạch, công khai... “Hà Nội đã đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch tự kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh. Trách nhiệm chính vẫn là của cơ sở khám, chữa bệnh, làm sao bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh nhưng tiết kiệm chi phí. BHXH thành phố sẽ phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi người tham gia, đúng quy định của pháp luật, hợp lý, phù hợp thực tế” - ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ghi nhận những nỗ lực của BHXH Hà Nội trong thời gian qua, với nhiều kết quả đáng khích lệ. Để tiếp tục thực hiện BHXH, BHYT đạt các chỉ tiêu đã đề ra, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với BHXH thành phố, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao ý thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ý thức của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường giám sát trong thực hiện BHXH, BHYT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong công tác khám, chữa bệnh; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai những đơn vị nợ đọng kéo dài, chây ỳ. Các cơ quan báo chí cần phát huy tinh thần phê phán, phát hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm trên tinh thần xây dựng để các doanh nghiệp nợ vượt qua khó khăn, khắc phục nợ bảo hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đúng quy định, phù hợp thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.