Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống đài truyền thanh xã, phường: Bố trí phù hợp theo yêu cầu mới

Hoài - Linh| 18/10/2018 06:03

(HNM) - Cách đây hơn một năm, TP Hà Nội phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”.

Đài truyền thanh xã, phường vẫn có vai trò quan trọng. Ảnh: Bá Hoạt


Ông Thạch Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm:
Đài truyền thanh xã, phường vẫn có vai trò quan trọng

Phường Tràng Tiền là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm lắp thiết bị mới đến 50 hộ dân trong vòng hơn 3 tháng, thay thế dần các loa truyền thanh công cộng. Tính ưu việt của thiết bị thông minh này không thể phủ nhận, nhưng chỉ đối với người biết sử dụng công nghệ thông tin, còn với cán bộ cơ sở phần nhiều là cao tuổi thì thiết bị này chưa thuận tiện.

Thiết nghĩ, đài truyền thanh phường vẫn có vai trò quan trọng, là phương tiện truyền thông gần dân nhất, sát với đời sống hằng ngày của nhân dân, giúp người dân có thể tiếp nhận những thông tin thiết thực như thông báo tổng vệ sinh đường phố cuối tuần, thông báo treo cờ Tổ quốc, thông báo khi trường hợp khẩn cấp về cắt điện, cắt nước…

Đặc biệt, đài truyền thanh phường còn phát huy tác dụng bảo vệ an ninh trật tự, an ninh quốc phòng, nhất là trong việc xử lý sự cố, các tình huống đặc biệt khẩn cấp thiên tai, bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, thảm họa cháy nổ, phòng chống dịch bệnh…

Ông Nguyễn Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng:
Sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới

Trước đây, đài truyền thanh xã, phường có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Hiện nay, tiến trình đô thị hóa, trong điều kiện các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh nên UBND TP Hà Nội chỉ đạo kịp thời để sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu mới là cần thiết. Phường Phố Huế đã tập trung chỉ đạo sắp xếp lại.

Cụ thể, trước kia phường Phố Huế có 76 loa truyền thanh, nhưng sau khi triển khai thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội", phường rà soát, kiểm tra lại tính hiệu quả của từng loa; nghiên cứu, xem xét nên đặt loa truyền thanh ở vị trí nào cho phù hợp, hiệu quả.

Vì vậy, phường đã bố trí chỉ còn 10 loa ở 5 điểm địa bàn dân cư, không lắp đặt gần trường học, bệnh viện, khu nhiều người cao tuổi, khu ngoại giao, cơ quan, nơi có người nước ngoài sinh sống... Nội dung tuyên truyền chỉ tập trung vào chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, chính sách quan trọng của TP Hà Nội, của quận Hai Bà Trưng.

Ông Cao Hợp Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã, quận Ba Đình:
Giúp nâng cao nhận thức, kiến thức

Là một trong những phường được thành phố chọn thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”, thời gian qua, chúng tôi đã giám sát sát sao để nắm bắt việc sử dụng thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh truyền thống đối với 50 hộ dân được chọn lắp đặt tại nhà, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của loại công nghệ này.

Thực tế cho thấy, thiết bị thay thế hữu ích và nhiều tính năng, giúp nâng cao nhận thức, kiến thức trong dân; bảo đảm độ nhanh về thông tin và giá trị sử dụng tiện lợi (tại nhà). Tuy nhiên, giá mỗi chiếc gần 10 triệu đồng là bài toán tài chính không đơn giản.

Còn đối với loa truyền thống, tôi cho rằng không gì thay thế được, mặc dù bị “cắt” đi nhiều tính năng, hạn chế sử dụng, nhưng loa truyền thanh vẫn phát huy rất tốt việc truyền tải thông tin, có sức lan tỏa về chiều rộng và sâu đến mọi trình độ, thành phần, các tầng lớp nhân dân, nhất là những thông tin cần tập hợp nhân dân, tiếp xúc cử tri, hội nghị nhân dân...

Ông Phạm Ngọc Cư, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu dân cư số 5, phường Thành Công, quận Ba Đình:
Mong muốn loa truyền thanh khôi phục các tính năng truyền thống

Nghiên cứu thiết bị thông minh thay thế loa truyền thống, tôi thấy có ưu điểm là thông tin nhanh nhạy, thẩm mỹ đẹp, có nhiều tính năng... Nhưng bên cạnh đó có nhiều hạn chế như: Tiếng nhỏ nên độ lan tỏa hạn chế; vị trí treo trên tường hay góc nhà không tiện việc truy cập tìm kiếm thông tin; đặc biệt lại phải có wifi mới sử dụng được...

Nói chung, việc dùng thiết bị thông minh thay đài truyền thanh vẫn có nhiều bất cập, vì trước đây loa truyền thống được coi như người “vác tù và” lan tỏa kịp thời mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình địa phương, các nội dung tuyên truyền pháp luật, an ninh, phòng chống cháy nổ, chống bão lũ, vệ sinh môi trường, biểu dương, phê bình... đến với người dân.

Đây là những nội dung thiết bị thay thế không có, bởi vậy chúng tôi vẫn phải đi phát những văn bản, thông báo của phường đến từng ngõ, từng nhà để đưa thông tin đến người dân. Tôi mong muốn đài truyền thanh được khôi phục các tính năng truyền thống, tuy nhiên phải tính đến công suất loa phát mức to nhỏ tùy địa bàn, vị trí lắp đặt, giờ phát phù hợp, duy tu thường xuyên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống đài truyền thanh xã, phường: Bố trí phù hợp theo yêu cầu mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.