Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi người bệnh được nới rộng

Mai Lê| 30/11/2018 07:16

(HNM) - Từ ngày mai (1-12), có 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh và nhiều quyền lợi của người bệnh được nới rộng theo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Quyền lợi của khách hàng mua BHYT được bảo đảm và mở rộng. Ảnh: Khuê Diệp


Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT), BHXH Việt Nam, với các quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi: Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng BHYT và được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi. Trường hợp người đi khám, chữa bệnh không đúng thủ tục, khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng BHYT được thanh toán trực tiếp từ cơ quan BHXH với mức hưởng tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương là không quá 0,15 lần mức lương cơ sở đối với khám, chữa bệnh ngoại trú và không quá 0,5 lần khi khám, chữa bệnh nội trú. Đối với tuyến tỉnh và tương đương, bệnh nhân được hưởng tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở đối với điều trị nội trú và tại tuyến trung ương không quá 2,5 lần. Trường hợp đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được chuyển tới cơ sở khác, thì được Quỹ BHYT thanh toán như đi khám, chữa bệnh trái tuyến, trừ trường hợp cấp cứu hoặc tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở. Trường hợp đang điều trị nội trú, thẻ BHYT hết hạn sử dụng, thì được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn. Trường hợp người bệnh được cơ sở y tế tuyến trên chẩn đoán chỉ định điều trị và chuyển về trạm y tế xã để quản lý, theo dõi cấp phát thuốc cũng được hưởng quyền lợi theo quy định.

Ông Lê Văn Khảm cho biết, về quy định khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, Luật BHYT đã quy định về quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Theo đó, khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh thì mức hưởng là 60% chi phí điều trị nội trú và tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú. Quỹ BHYT không chi trả chi phí khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương đối với trường hợp khám, chữa bệnh ngoại trú…

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, sẽ không còn thực hiện việc áp dụng tỷ lệ quỹ được sử dụng tại các trạm y tế xã. Các trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh theo phạm vi chuyên môn quy định, Quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế, sau khi được cơ quan BHXH giám định. Với quy định này quyền lợi của người bệnh tại trạm y tế xã và hoạt động chuyên môn của trạm y tế xã được bảo đảm.

Về những quyền lợi được nới rộng tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, người bệnh sẽ vẫn được thanh toán BHYT, nếu nơi điều trị gửi mẫu xét nghiệm đến nơi khác, được chuyển điều trị trái tuyến hay trong trường hợp thẻ BHYT hết hạn khi đang điều trị dở.

Liên quan tới việc liên thông kết quả xét nghiệm, theo quy định, trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không thực hiện được xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và phải chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm đến cơ sở khám, chữa bệnh BHYT khác hoặc cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện để thực hiện các dịch vụ đó, thì vẫn được Quỹ BHYT thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định cho cơ sở nơi chuyển người bệnh, mẫu bệnh phẩm. Cơ sở khám, chữa bệnh chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm có trách nhiệm thanh toán chi phí cho cơ sở hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ, sau đó tổng hợp vào chi phí của người bệnh để thanh toán với cơ quan BHXH. Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nguyên tắc, danh mục xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ.

Về quyền lợi bệnh nhân BHYT khi đi khám, chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, hoặc khám, chữa bệnh không đúng thủ tục, đại diện Bộ Y tế cho biết: Người có thẻ BHYT đi khám tại các cơ sở tuyến huyện không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT hoặc điều trị nội trú tại các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương không ký hợp đồng, hoặc tại cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, nhưng không xuất trình thẻ BHYT (hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh), thì người bệnh cũng được điều chỉnh mức quyền lợi khi đến đây khám, chữa bệnh. BHYT sẽ thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến khám, chữa bệnh.

Đối với BHYT hộ gia đình, ông Lê Văn Khảm cho biết: Nghị định không quy định tất cả các thành viên phải tham gia BHYT cùng lúc, mà chỉ quy định thành viên hộ gia đình tham gia BHYT trong cùng năm tài chính được giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi. Nghị định có bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT như: Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng; thân nhân của công nhân, viên chức công an; chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội.

5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT

- Người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

- Người hoạt động cách mạng trước năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi.

- Khám, chữa bệnh tại tuyến xã.

- Trường hợp chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở.

- Người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi khám, chữa bệnh vượt tuyến.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi người bệnh được nới rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.