Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ gia phong rất khó, nhưng không phải không làm được

Lệ Quyên - Hoàng Thu Vân| 29/01/2012 06:42

(HNM) - Được công chúng yêu mến, xếp vào một trong 4 "diva nhạc nhẹ" của Việt Nam, lại có nhiều dự án âm nhạc đáng nể nhưng ca sĩ Mỹ Linh nói rằng, ước mơ lớn nhất của chị hiện nay là giữ cho mái nhà nhỏ bé của mình được yên ấm, để những đứa con khi lớn lên nghĩ về gia đình, về cha mẹ qua những kỷ niệm đẹp trong đời. Ngày đầu Xuân Nhâm Thìn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở xung quanh quan điểm về gia đình, nghệ thuật, thái độ của người nghệ sĩ với cuộc sống…

Âm nhạc cũng là hàng hóa

- Năm vừa qua, nhiều nhóm nhạc, nghệ sĩ nước ngoài ồ ạt đến Việt Nam, toàn những tên tuổi như Backstreet Boys, Westlife hay Bob Dylan huyền thoại… Có thể còn có cách đánh giá khác nhau về những buổi diễn của họ, nhưng thật khó phủ nhận sự hiện diện của các “sao” thế giới đã tạo làn gió mới cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Với góc độ là một “sao” ca nhạc thuần Việt, chị cảm nhận về hiện tượng này như thế nào?

- Tôi nghĩ, khi làn sóng âm nhạc quốc tế tràn vào Việt Nam thì người được hưởng lợi đầu tiên là khán giả. Họ được “đổi món”, được tiếp cận, gặp gỡ những thần tượng mới vốn lâu nay chỉ được thấy qua ti vi hay trên internet. Thị trường âm nhạc Việt Nam, tất nhiên vì thế cũng phong phú và giàu màu sắc hơn.

- Liệu điều đó có kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ Việt Nam hay là tạo ra một trạng thái lép vế?

- Chúng tôi vẫn thường xuyên lưu diễn ở nước ngoài, có cơ hội xem trực tiếp nhiều chương trình biểu diễn hoành tráng của các nghệ sĩ tên tuổi đương đại, nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn đối với âm nhạc thế giới. Từ đó chúng tôi học hỏi được nhiều điều chứ không phải chờ các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam rồi mới giật mình… bừng tỉnh.

- Năm 2011 được đánh giá có sự khởi sắc của nhạc Việt sau một thời gian dài trì trệ, nhiều nghệ sĩ dám thực hiện các dự án âm nhạc lớn, có người đầu tư tiền tỉ chỉ để chơi sang. Mỹ Linh dự đoán năm Nhâm Thìn 2012, đời sống làng nhạc Việt sẽ vẫn đà ấy hay trở lại thời kỳ… ngủ yên?

- Tôi cho rằng năm nay sẽ khó khăn hơn năm trước. Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước cũng chưa phục hồi hẳn thì thị trường âm nhạc cũng không thoát khỏi vòng xoáy ấy. Khi không có tiền thì ai còn dám nghĩ đến chuyện chơi sang. Nghệ sĩ cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, lựa sức mình để đầu tư hợp lý.

- Vậy mà có những show diễn giá vé cao ngất ngưởng nhưng khán giả vẫn sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng mua vé để xem. Liệu có phải vì các chương trình biểu diễn hiện nay đạt đủ chất lượng để bán vé giá cao hay đó chỉ sự chơi sang của một bộ phận khán giả nhiều tiền?

- Tôi không thể đưa ra kết luận cho tất cả các chương trình. Trong cơ chế thị trường, âm nhạc cũng là hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Mà đã là hàng hóa thì có loại chất lượng cao, được đầu tư kỹ lưỡng và cũng có loại… bình dân. Ở nước ngoài, thị trường âm nhạc cũng vậy thôi.

- Nhưng lại có nhiều đêm nhạc không cần đầu tư nhiều lắm về mặt thiết kế sân khấu, dàn dựng, thậm chí trên sân khấu chỉ đặt một chiếc bục để ca sỹ đứng hát, vậy mà giá vé cũng tới vài triệu đồng ở hàng VIP?

- Đối với một số chương trình ca nhạc, chủ đích của nhà tổ chức và nghệ sĩ là đưa khán giả đến với một không gian âm nhạc thực thụ, dành cho những đối tượng khán giả có nhu cầu nghe nhạc nhiều hơn là nhìn, để khán giả dồn mọi cảm xúc nghe nhạc. Nhưng điều đó không có nghĩa là không cần đầu tư gì. Thực chất những chương trình kiểu này hệ thống âm thanh phải được chuẩn bị rất chu đáo, ca sĩ phải lao động sáng tạo thực thụ...

Vật chất và sự sáng tạo

- Tò mò một chút, vật chất có ý nghĩa thế nào trong gia đình chị?

- Tất cả những gì chúng tôi đang có là do công sức lao động miệt mài nhiều năm. Cũng khá vất vả nên chúng tôi rất quý những gì mình bỏ công gây dựng. Chồng tôi là người kỹ tính, những vật dụng sinh hoạt khi mua đều phải hữu dụng, thiết thực với đời sống gia đình. Chúng tôi cân nhắc khi mua, giữ gìn khi sử dụng chứ không phải tiêu dùng lãng phí.

- Người ta thường nói “cơm áo không đùa với khách thơ”, như vậy vật chất có vai trò rất quan trọng, quan điểm của Mỹ Linh về vấn đề này trong đời sống gia đình?

- Tôi nghĩ, trong cuộc sống gia đình có nhiều điều quý giá mà mình không thể mua được bằng tiền, mà cần có thời gian vun đắp, giữ gìn.

- Trong suy nghĩ của nhiều người thì Mỹ Linh khá thành đạt, không bị nỗi lo vật chất đè nặng. Tóm lại là có điều kiện, muốn làm điều gì đó cũng khá đơn giản, không phải toan tính nhiều…

- Vợ chồng tôi có ước muốn, có thể nói là tham vọng cũng được, đó là cố gắng vun vén gia đình, sống lành mạnh và tình cảm để các con khi nghĩ về mái nhà, về cha mẹ chúng sẽ là những hình ảnh đẹp và trong trẻo. Điều đó rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng ước mơ, hình thành tính cách cho con cái.

- Nhiều người thường cho rằng nghệ sĩ phải có tính cách phóng khoáng, thói quen thích bay nhảy và… vắng nhà như “cơm bữa”. Một cuộc sống gia đình như mong muốn của chị có là điều khó khăn đối với công việc đặc thù của người nghệ sĩ?

- Vợ chồng tôi đều là nghệ sĩ, ngay cả cô con gái lớn giờ cũng theo nghề ca hát, chúng tôi vắng nhà thường xuyên. Tuy nhiên, vợ chồng tôi luôn cố gắng để bữa cơm chiều có mặt đầy đủ cả nhà, mọi người có thể trò chuyện, chia sẻ mọi điều. Ai chẳng mong muốn một mái ấm gia đình.

- Mỹ Linh mong muốn các con mình tự hào vì mẹ chúng là một nghệ sĩ lớn, hay đơn thuần là một bà mẹ hết lòng vì gia đình?

- Trên sân khấu tôi là nghệ sĩ, về nhà tôi phải hoàn thành vai trò của một người mẹ, người vợ.

- Có vẻ như không dễ dàng khi cùng lúc phải chu toàn cả hai việc!

- Vâng! Rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm được.

- Lại là chuyện công việc, khi đã đạt đến đỉnh cao phong độ, người nghệ sĩ sẽ rất khó làm mới mình. Điều đó có xảy ra với chị?

- Tôi không nghĩ vậy! Nghệ sĩ của ta đâu đã là gì so với các nghệ sĩ thế giới mà nói là đạt được “đỉnh cao”. Hơn nữa, chẳng có gì gọi là “đỉnh” tuyệt đối với người nghệ sĩ. Khi ta đạt được mức này rồi thì phải tìm cho mình mức khác để vươn tới, đơn giản là tạo động lực sống, lao động, sáng tạo. Với riêng tôi, sự tự làm mới mình là rất quan trọng. Điều đó chỉ có được khi chịu nghĩ, chịu lao động và có quan điểm nghiêm túc về nghệ thuật.

Hạnh phúc của người nghệ sĩ

- Năm qua, giới nghệ sĩ đặc biệt là ca sĩ khiến công chúng chán ngán vì những scandal ngoài đời cũng như cách ăn mặc. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã xử phạt không ít trường hợp để hạn chế tình trạng này nhưng dường như không có hiệu quả?

- Nghệ sĩ nào cũng muốn khi ra sân khấu phải có hình ảnh bắt mắt, đẹp, hấp dẫn. Nhưng thể hiện điều đó như thế nào lại là nhận thức, quan niệm thẩm mỹ của từng người.

- Còn quan điểm riêng của Mỹ Linh?

- Tôi cho rằng, khi ra sân khấu biểu diễn, cá nhân mỗi ca sĩ phải tự chịu trách nhiệm về hình ảnh của mình và cần phải có thái độ nghiêm túc ngay cả với việc lựa chọn trang phục cho phù hợp với chương trình và với bản thân mình.

- Với tư cách là nghệ sĩ, chị quan niệm thế nào là hạnh phúc?

- Có một vài người hâm mộ viết thư cho tôi nói rằng, mỗi khi gặp chuyện buồn họ lại muốn đi nghe tôi hát. Tôi rất cảm động bởi như vậy là mình đã làm được một điều gì đó cho cuộc đời. Với tôi, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

- Nếu đời sống âm nhạc năm 2012 thực sự khó khăn như suy nghĩ của Mỹ Linh thì cá nhân chị mong chờ điều gì?

- Cuộc sống hiện nay có quá nhiều thứ phải lo lắng, nào là cháy xe, nổ gas, thực phẩm không an toàn… tôi chỉ mong giọng hát của mình mang đến cho người nghe cảm giác bình yên, nhẹ nhàng để thêm yêu cuộc sống.

Chẳng gì quý bằng nếp nhà

- Với một gia đình toàn nghệ sĩ, thường xuyên bận rộn với lịch biểu diễn, đặc biệt là trong những ngày như thế này, việc đón năm mới của gia đình Mỹ Linh liệu có cảnh chồng bên đông, vợ bên tây, phải gửi con cái cho ông bà nội, ngoại?

- Ở gia đình tôi không có chuyện đó! Khoảng 9 năm trở lại đây, sau khi sinh cô con gái út, vợ chồng tôi luôn từ chối mọi lời mời biểu diễn vào dịp tết. Từ 25 tháng Chạp trở ra đến Tết và mùa xuân mới, tôi dành toàn bộ thời gian cho con cái, gia đình. Tôi quan niệm rằng, đó là khoảng thời gian quý giá nhất của mỗi gia đình, để cha mẹ, con cái quây quần, vui vẻ bên nhau.

- Thời hiện đại, có vẻ như người ta đơn giản hóa trong việc đón Tết cổ truyền. Tôi thấy nhiều người bây giờ thường rủ nhau tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết để du lịch, đi chơi đây đó, tìm cảm giác lạ. Giới nghệ sĩ cũng có những người mải miết lưu diễn trong Nam, ngoài Bắc rồi ra nước ngoài, “xuyên” năm cũ “vắt” sang năm mới mà chưa về nhà. Quan niệm về những ngày Tết truyền thống đối với một người luôn bận rộn như Mỹ Linh?

- Tôi rất thích hai chữ “nếp nhà”, trong đó bao hàm ý tứ về gia phong, nếp sống, kỹ lưỡng từng ly, từng tý. Trong cuộc sống gấp gáp, sôi động hiện nay, giữ nếp nhà rất khó, nhưng không phải là không làm được, quan trọng là chúng ta có ý thức thực hiện điều đó hay không?

- Nhiều người cũng đã nói như vậy, nhưng giữa nói và làm là một… khoảng cách!

- Tôi vẫn cố gắng tự chuẩn bị Tết cho gia đình. Tôi không phải tuýp phụ nữ giỏi chuyện bếp núc, nhưng với những việc cơ bản cần có cho gia đình, tôi có thể làm được. Tôi muốn các con tôi có những kỷ niệm thật vui về những ngày Tết như ngày xưa mẹ tôi vẫn làm cho tôi, dù ngày đó gia đình tôi khá nghèo. Tôi nhớ, mẹ tôi vất vả cả năm nhưng Tết nào bà cũng gói bánh chưng, rồi cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng luộc bánh. Bây giờ, người ta dễ dàng mua những chiếc bánh đắt tiền, nhưng không chắc có được cảm giác thanh thản khi dâng lên ban thờ tổ tiên những vật phẩm tự tay mình làm ra.

- Tết năm nay Mỹ Linh có được cảm giác đó không?

- Tôi đã cố gắng! Hôm nay chúng ta có điều kiện hơn các bà, các mẹ của mình rất nhiều và tôi luôn tự nhủ phải lo liệu cho con cái một cái Tết hạnh phúc. Không phải chỉ lo cho chúng đủ đầy về vật chất, quan trọng hơn là bầu không khí ấm cúng, sum họp gia đình. Tết này, vợ chồng tôi và vài người bạn, người thân rủ nhau tự gói bánh chưng và luộc ngay tại nhà. Bọn trẻ cũng được “mời” tham gia rửa lá, gói bánh. Tôi muốn các con tôi cảm nhận được một cái Tết cổ truyền thật sự là như thế nào.

- Lớp trẻ bây giờ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc sống hiện đại. Đôi khi, không phải những gì cha mẹ làm và mong muốn cũng được các con hưởng ứng?

- Đúng là không thể bắt ép con trẻ theo ý mình, điều quan trọng là người lớn phải làm cho con trẻ thật sự cảm thấy hứng thú với việc mình đang làm. Tôi không ép con cái làm điều chúng không muốn, mà cố gắng để các con tôi thấy công việc chuẩn bị Tết là rất thú vị. Muốn con cái hướng về gia đình thì chẳng có cách nào khác là cha mẹ phải làm cho ngôi nhà thật sự là nơi chúng cảm thấy bình yên và có được tình yêu thương.

- Cảm ơn Mỹ Linh về cuộc trò chuyện. Năm mới chúc gia đình chị luôn hạnh phúc và những dự định về công việc trong năm Nhâm Thìn sẽ trở thành hiện thực!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ gia phong rất khó, nhưng không phải không làm được

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.