Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành y tế, mục tiêu không phải là lợi nhuận

Đặng Loan thực hiện| 16/09/2012 06:22

(HNM) - Sau khi Liên bộ Y tế - Tài chính có Thông tư 04, có không ít nơi áp mức cao với quan điểm phải có tiền thì mới có điều kiện nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên ngành y tế tỉnh Trà Vinh không theo "xu hướng" đó, bởi tăng viện phí quá cao khiến người dân nghèo không may mang bệnh càng cùng cực hơn. Và mức tăng của Trà Vinh chỉ bằng 53% so với Thông tư 04 mà chất lượng khám chữa bệnh vẫn được bảo đảm, họ đã làm điều đó như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Trà Vinh xoay quanh vấn đề này.


Viện phí tăng quá cao, dân nghèo sẽ không dám đến bệnh viện

- Mức tăng 68% so với giá hiện hành và bằng 53% so với Thông tư 04 của ngành y tế Trà Vinh được đánh giá là khá nhẹ so với nhiều địa phương khác. Xin ông cho biết mức tăng này được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào?


- Chúng tôi xây dựng mức tăng viện phí dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, dựa vào mức sống của người dân và ở góc độ chuyên môn thì phải bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh. Năm nay, đời sống bà con nông dân rất khó khăn vì nguồn thu lớn nhất là thủy sản bị thất thu. Từ đầu năm đến nay thủy sản thả nuôi chết hơn 90%; các nông sản khác như dừa, gạo; gia súc, gia cầm như lợn, gà… đều sụt giá. Ở Trà Vinh, trước đây khi viện phí chưa tăng thì nhiều bệnh nhân nghèo đã không có khả năng chi trả, nếu bây giờ tăng cao quá thì chắc chắn bệnh nhân sẽ không dám đến bệnh viện điều trị hoặc sẽ phải trốn viện mà thôi. Vậy nên chúng tôi đã phải tính toán rất nhiều và nhận thấy mức tăng 53% so với Thông tư 04 là phù hợp.

- Trà Vinh thực hiện mức viện phí mới khi nào?

- Giá viện phí mới được thực hiện từ ngày 1-9. Trước đó các phòng chức năng đã đảm trách công việc in ấn, treo bảng giá mới và thông báo ở tất cả các bệnh viện để không gây “sốc” đột ngột cho bà con khi thấy viện phí tăng.

- Những dịch vụ nào sẽ tăng cao nhất và ít nhất, thưa ông?

- Những dịch vụ kỹ thuật như chẩn đoán hình ảnh qua Xquang, siêu âm thì giá tăng cao nhất, khoảng 70% so với trước đây. Còn những dịch vụ như khám bệnh, giường bệnh thì tăng không đáng kể. Sở dĩ các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tăng cao được vì một đợt khám bệnh hoặc điều trị bệnh nhân chỉ thực hiện 1 đến 2 lần; còn giường bệnh thì mỗi ngày nằm viện, bệnh nhân đều phải chi trả nên nếu tăng nhiều sẽ là gánh nặng vô cùng.

- Thưa ông, liệu mức thu này có đủ bù chi không?

- Chỉ có khoảng hơn 20% trong số 290 dịch vụ là thu không đủ bù chi. Như vậy là có tới khoảng 70% khoản thu đủ hoặc vượt chi. Phần dư này có thể bù vào, cân đối vào khoản thu thiếu. Rồi chúng tôi còn tiết kiệm các khoản chi khác trong bệnh viện nữa, nên dù tăng ít nhưng thu vẫn đủ bù chi.

- Cụ thể là bệnh viện sẽ bù trừ các dịch vụ thế nào?

- Chúng tôi lấy mức tăng cao của xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bù cho các khoản khác. Trước đây một phim Xquang chỉ thu 25.000 đồng trong khi chụp ra là 28.000 đồng, chưa kể những khoản lặt vặt khác như thuốc rửa, chi phí điện nước... còn bây giờ Xquang thu 42.000 đồng là có lời. Hoặc như khám bệnh, tuy Liên bộ Y tế - Tài chính cho phép tăng đến 15.000 đồng nhưng chúng tôi chỉ tăng đến 6.000 đồng mà thôi, nhưng chúng tôi vẫn bù được vì theo Thông tư 04 thì có đến 15 - 17 dịch vụ để hỗ trợ cho một lần khám bệnh, nhưng không có nghĩa tất cả các ca khám bệnh đều như thế…

Cũng có các dịch vụ kỹ thuật cao thu không đủ bù chi, ví dụ một ca chụp thận cản quang, quy định là hơn 300.000 đồng nhưng chúng tôi chỉ thu 60.000-80.000 đồng, không đủ để bù tiền phim. Nhưng bệnh nhân thận sử dụng dịch vụ đó ở đây khoảng 5 người/ngày, vậy thì bù 100.000-200.000 đồng cho mỗi người cũng không phải là lớn so với gần 800 bệnh nhân nằm ở đây.

- Ông có nói là không dám tăng nhiều vì năm nay bà con nông dân thất thu, cuộc sống khó khăn. Vậy mức viện phí lần này có được thực hiện lâu dài hay chỉ trong một giai đoạn?

- UBND và HĐND tỉnh đã cho phép có lộ trình để tăng viện phí, theo đó đến năm 2015 sẽ gần bằng Thông tư 04. Chúng tôi cũng sẽ phải tăng thôi, nhưng bây giờ chưa phải thời điểm. Dân Trà Vinh còn nghèo, chúng tôi không thể để bệnh nhân trong điều kiện mất mùa, vay nợ ngân hàng không có khả năng trả, lại thêm gánh nặng về y tế nữa thì sao họ chịu nổi!

Không phải cứ tăng viện phí nhiều mới có chất lượng tốt

- Mục đích tăng viện phí, theo Liên bộ là để tăng chất lượng khám chữa bệnh. Vậy thì với mức tăng thấp hơn, dù thu vẫn đủ bù chi nhưng ông có bảo đảm người dân được chữa trị tốt không, bằng các địa phương khác không?

- Đối với một số địa phương có mặt bằng kinh tế - xã hội khá hơn thì có thể tăng viện phí là phù hợp với nguyện vọng của lãnh đạo cũng như của người dân muốn sử dụng dịch vụ tốt hơn. Nhưng với một xứ sở nghèo mà lấy việc tăng viện phí để làm động lực thì không nên lắm. Để nâng cao chất lượng phục vụ, ngành y tế Trà Vinh vẫn tìm các nguồn như trái phiếu Chính phủ, vốn ODA… để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất khám chữa bệnh. Đợt này bảo hiểm kết dư 29 tỷ đồng, đã chuyển về cho bệnh viện và UBND tỉnh đã cho phép bệnh viện đa khoa tỉnh đầu tư 1 máy MR, 1 máy tán sỏi, 3 máy chạy thận nhân tạo. Như vậy những bệnh nhân trước đây phải đi nơi khác chạy thận bây giờ có thể điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, mà chi phí rất rẻ. Bệnh nhân lên TP Hồ Chí Minh điều trị có khi chi phí mỗi ngày 800.000 đến 1 triệu đồng, nhưng tại Trà Vinh chỉ tốn có 52.000 đồng mà thôi. Trước đây chúng tôi không chạy thận được, bây giờ đầu tư được để người dân Trà Vinh không đi nơi khác là đã nâng cao chất lượng. Cũng như trước đây bệnh nhân phải mổ thận, giờ có thể tán sỏi; trước đây từ mổ hở giờ mổ nội soi, đó là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chưa kể, tâm lý trong trị liệu rất quan trọng. Đội ngũ bác sĩ, cán bộ, công nhân viên của chúng tôi được rèn luyện chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tận tình. Được chữa bệnh với một giá tương đối, được chăm sóc tốt thì lo toan trong bệnh nhân vơi bớt đi, tâm lý đi chữa trị cũng thoải mái hơn. Đó là nâng cao chất lượng phục vụ chứ còn gì!

- Nhưng nếu tăng viện phí cao hơn nữa thì đầu tư sẽ được nhiều hơn nữa, thưa ông?

- Cái ưu việt của tăng viện phí vừa phải là không bị thâm hụt quỹ bảo hiểm, mà như thế thì tiền kết dư ra hằng năm sẽ được chi lại toàn bộ cho ngành y tế để mua sắm trang thiết bị và tái đầu tư, nâng cao chất lượng điều trị. Như vậy hiệu quả ở chỗ, chúng ta vừa tiết kiệm được cho dân, vừa tiết kiệm được tiền phải chi của bảo hiểm xã hội để tái đầu tư. Còn nếu tăng viện phí quá cao khi dân đương nghèo, tất yếu họ không có khả năng chi trả, bệnh nhân sẽ trốn viện, hoặc không dám vào viện tất yếu dẫn tới ngành y tế cũng gặp khó. Không vào viện khám chữa bệnh, dân nghèo phải đi mua từng liều thuốc để uống cầm cự, thành ra nhiều khi bệnh nhẹ lại hóa thành bệnh nặng.

- Liên bộ Y tế - Tài chính đã đưa ra một khung trần ở mức cao cho toàn quốc, để rồi có tình trạng nơi tăng ít nơi tăng nhiều. Theo ông nên chăng với những địa phương gần nhau, tương đồng về kinh tế - xã hội thì Liên bộ khống chế một mức giá với chênh lệch khoảng 5% - 10% để dễ quản lý?

- Khi đưa ra khung giá này, Bộ Y tế cũng đã nói rõ việc thực hiện tùy thuộc vào địa phương. Ví dụ điều kiện TP Hồ Chí Minh dân trí và thu nhập cao thì tăng 80%, tỉnh lân cận Trà Vinh là Hậu Giang cũng nghèo thì tăng hơn 60% thôi. Bộ Y tế không thể sát sao từng địa phương nên nếu đưa ra khung quá cụ thể thì không phù hợp, quan trọng là cách tính của từng địa phương phải phù hợp với mức sống của người dân.

- Theo như ông so sánh ở trên thì giá chạy thận ở TP Hồ Chí Minh và ở Bệnh viện Trà Vinh chênh lệch rất lớn. Tại sao vậy, thưa ông?


- Thứ nhất là vì giá của gói chi trả ở TP Hồ Chí Minh cao hơn. Thứ hai là chi phí cơ hội đó là chi phí ăn, ngủ, nghỉ của người bệnh lớn. Rồi một người bệnh đi điều trị còn phải có một người đi nuôi. Còn ở đây người ta chở vô 6 tiếng là chở về, ăn cơm ở nhà nên chi phí rẻ hơn nhiều.

Ngành y tế lấy phục vụ là chính chứ không phải nơi thu lợi nhuận

- Ông có nói đến các khoản tiết kiệm trong bệnh viện, đó là những khoản nào?

- Ngành y tế cũng như ngành kinh tế vậy thôi, khi khó khăn phải biết thắt lưng buộc bụng, biết chi đúng chứ không phải chi tất cả. Ví dụ ở bệnh viện này bây giờ không phải tiếp khách như trước mà phải theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ. Hội nghị, tập huấn cũng hết sức thiết thực, cái nào cần thiết với ngành thì mới đi dự. Nói chung là phải hết sức tiết kiệm, hạn chế tối đa những khoản chi ra mà ảnh hưởng tới nguồn thu của bệnh viện, thu nhập của cán bộ, công nhân viên.

- Bản thân ông có thực hành tiết kiệm?

- Theo quan điểm của tôi, lãnh đạo phải là thực hiện đầu tiên, nếu lãnh đạo không gương mẫu thì bên dưới không ai noi theo để làm đâu. Hiện những chi phí lặt vặt cho giám đốc bệnh viện giờ không còn. Khi đi lại, phải là thật cần thiết mới điều xe bệnh viện, còn lại tôi dùng xe gắn máy. Tuy là có liên quan đến công việc nhưng chưa đến mức cần thiết mà sử dụng thì cũng là lãng phí. Phòng giám đốc cũng không có truyền hình, tuy nhiên phòng nhân viên trực là phải có, bởi vì cán bộ công, nhân viên ngoài giờ trực chưa chắc ngủ được nên cần có truyền hình để thư giãn hoặc xem thông tin.

- Các bệnh viện khác được tăng viện phí cao, còn Bệnh viện Trà Vinh thì tăng ít hơn. Điều đó có thể khiến thu nhập của cán bộ, công nhân viên không được tăng lên, trong khi lại buộc phải tiết kiệm thì liệu có được sự đồng thuận của đội ngũ nhân viên bệnh viện?

- Chúng tôi đã tổ chức quán triệt tới tất cả cán bộ, công nhân viên tinh thần chia sẻ với người nghèo của ngành y tế Trà Vinh. Cán bộ, công nhân viên ở đây vẫn ý thức một điều, đó là ngành y tế lấy phục vụ là chính chứ không phải chỗ thu lợi nhuận. Mình sống đừng nghĩ cho một mình mình mà phải nghĩ cho cộng đồng nữa. Thực tế mà nói thì điều kiện sống của ngành y tế so với một số ngành khác vẫn khá hơn. Trước đây ngành y tế đúng là khổ thật, nhưng bây giờ đã khá hơn rồi, cán bộ công nhân viên ở đây vẫn sống được, ai cũng có nhà, có xe gắn máy rồi nên cũng yên tâm.

- Trà Vinh tăng viện phí ít để chăm lo cho bà con trong tỉnh. Nhưng ông có lo ngại là người dân các tỉnh khác đổ về khám sẽ gây quá tải bệnh viện?

- Cái đó không sao cả! Trước đây khi chưa tăng viện phí thì chúng tôi vẫn điều trị cho các tỉnh lân cận, nhiều bệnh nhân nơi khác vẫn về đây khám bệnh vì bệnh viện tỉnh Trà Vinh gần hơn bệnh viện của họ. Ví như Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng, huyện Mỏ Cày của Bến Tre, huyện Vũng Liêm của Vĩnh Long… thì họ cũng tập trung xuống đây. Chúng tôi vẫn điều trị cho họ giống người dân Trà Vinh vậy.

- Ông đang đảm trách ba công việc cùng lúc: Đại biểu HĐND, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ba công việc với ba trách nhiệm khác nhau có hỗ trợ cho nhau không, thưa ông?

- Là giám đốc bệnh viện thì ngoài tinh thần phục vụ người bệnh tôi còn phải cân đối mức sống cho cán bộ, công nhân viên. Còn ở cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế mà còn trực tiếp làm chuyên môn, tôi hiểu ngành thì quản lý ngành tốt hơn và điều chỉnh kịp thời tất cả những gì xảy ra trong bệnh viện. Là đại biểu HĐND, tôi đi tiếp xúc cử tri, gần dân thường xuyên, hiểu dân nên tôi chia sẻ được với bà con nghèo, từ đó điều chỉnh việc khám chữa bệnh từ chính sách cho đến thực hiện trực tiếp tại bệnh viện tốt hơn. Ba chức vị tuy có khác nhau nhưng hoàn toàn hỗ trợ cho nhau. Nhưng mà dù ở cương vị nào cũng phải sát với dân, hiểu dân thì mới làm tốt được, chứ cứ ngồi một chỗ thì không hiểu dân, không chia sẻ được cho dân đâu.

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành y tế, mục tiêu không phải là lợi nhuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.