Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống nhập lậu gia súc, gia cầm - Cần sự vào cuộc đồng bộ!

Lê Hoàng Anh| 11/11/2012 06:31

(HNM) - Thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc với diễn biến phức tạp của tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm từ biên giới vào nội địa, cũng như công tác kiểm dịch và phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm kém hiệu quả… Vậy hoạt động của lực lượng thú y (một trong những lực lượng chức năng được giao trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này) như thế nào? Đâu là những khó khăn, vướng mắc? Có những vấn đề bất cập gì cần giải quyết?... Cuộc đối thoại của Báo Hànộimới với ông Cấn Xuân Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội - nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề nêu trên.

Ông Cấn Xuân Bình. Ảnh: Duy Quang

Gia cầm nhập lậu - gây nhiều nguy hại

- Thưa ông, tình hình nhập lậu gia cầm vào Việt Nam hiện nay là rất phổ biến. Ngay trên thị trường Hà Nội, “hàng” nhập lậu có thể xuất hiện ở mọi nơi, thậm chí ở cả các chợ tạm, chợ cóc cũng bày bán gia cầm nhập lậu. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Trong thời buổi làm ăn khó khăn như hiện nay, nguyên nhân đầu tiên là lãi suất. Nếu buôn bán gia cầm nhập lậu mà lãi suất không lớn thì họ đã không làm. Ví dụ gà thải loại nhập lậu ở Móng Cái giá chỉ 25-30.000 đồng/kg, đưa về chợ Hà Vỹ (Thường Tín - Hà Nội) giá đã lên tới 70-75.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng giá còn cao hơn.

- Điều đó chắc chắn ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của chúng ta mà vốn dĩ trong điều kiện bình thường đã có quá nhiều khó khăn?

- không chỉ gây rối loạn thị trường, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, tình trạng gia cầm nhập lậu còn khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ tái phát. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) từ tháng 7-2012 đã xuất hiện chủng vi rút mới 2.3.2.1 C có độc lực mạnh, gây chết gia cầm với tỷ lệ cao. Bên cạnh đó còn làm gia tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vì gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt gia cầm thải loại có hàm lượng dinh dưỡng thấp, tồn dư nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể như tồn dư kháng sinh, tồn dư hóc môn kích thích sinh trưởng... Tháng 10-2012, Chi cục Thú y Hà Nội đã kiểm tra 5 mẫu gà thải loại nhập lậu có hàm lượng Sulfadiazin cao gấp 5-20 lần mức độ cho phép.

Những bất cập trong công tác quản lý

- Gia cầm nhập lậu xuất hiện tại Hà Nội và các địa phương nằm sâu trong nội địa cho thấy có vấn đề trong công tác quản lý. ước tính gà thải loại của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam có thể lên tới 70.000-100.000 tấn/năm (riêng tại Quảng Ninh, ngày cao điểm có thể tới 100-200 tấn); con giống gia cầm nhập lậu cũng lên đến 15-30 triệu con các loại.

- Trước hết, việc kiểm soát tại cửa khẩu, tại các tỉnh biên giới hiện nay chưa chặt chẽ; việc kiểm soát trên đường vận chuyển cũng còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ. vì vậy gia cầm nhập lậu từ Móng Cái, Lạng Sơn vẫn có thể vượt hàng trăm cây số đưa về Hà Nội tiêu thụ. Và cuối cùng là khâu kiểm soát tại nơi tiêu thụ chưa gắn được trách nhiệm của chính quyền cơ sở (các phường, xã) trong việc quản lý địa bàn.

- Như vậy muốn ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm cần phải kiểm soát chặt chẽ “đầu vào” tại khu vực biên giới, đường vận chuyển hàng của các đối tượng và “đầu ra” tức là địa bàn tiêu thụ sản phẩm nhập lậu. Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý ở địa bàn tiêu thụ mới chỉ là giải quyết phần ngọn, quan trọng là không để hàng lậu thẩm thấu qua biên giới. Đó mới là gốc của vấn đề.

- Tôi nghĩ giờ này không nên chẻ ra xem công việc nào là quan trọng hơn, mà tất cả các ngành, các địa phương đều phải vào cuộc, đều phải có trách nhiệm. Như vậy mới có thể nhanh chóng cải thiện tình hình.

- Tại một số hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức, lực lượng thú y các địa phương thường phàn nàn việc bị “trói chân trói tay” do những bất cập trong các quy định hiện hành. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Trước hết chúng tôi không thể chủ động trong việc phát hiện, xử lý gia cầm nhập lậu mà phải dựa vào các tổ công tác liên ngành gồm lực lượng thú y kết hợp với công an và quản lý thị trường. Lực lượng công an có thẩm quyền dừng xe ô tô nghi vấn để kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì quản lý thị trường mới có thể xử phạt. Bắt giữ được một vụ việc khó là như vậy nhưng chế tài xử lý hiện nay chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Một xe ô tô chở vài tấn gia cầm nhập lậu mà mức phạt cũng chỉ trên dưới chục triệu đồng. Bên cạnh đó là việc các đối tượng lợi dụng “lách” luật. Theo Quyết định 47/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT thì vận chuyển dưới 50 con gia cầm không phải làm thủ tục kiểm dịch, do đó nhiều khi các đối tượng chia nhỏ “hàng” để vận chuyển, trốn tránh sự kiểm tra…

- Còn một vấn đề nữa là tiêu hủy gia cầm nhập lậu. Công việc này khá tốn kém kinh phí từ ngân sách. Phải chăng vì vậy nên nhiều địa phương ngại thu giữ hàng do phải bỏ kinh phí ra để tiêu hủy?

- Đúng là có chuyện đó. Để tiêu hủy 1 tấn gia cầm mất ít nhất là 8 triệu đồng. Từ đầu năm tới nay Hà Nội đã phải chi cả tỷ đồng để tiêu hủy hơn 100 tấn gia cầm nhập lậu bị thu giữ.

- Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân khiến gia cầm nhập lậu vận chuyển qua hàng loạt địa phương mà không bị phát hiện, bắt giữ? Lại có nhiều tỉnh, thành phố phản ánh, lực lượng thú y ở cơ sở hiện đang rất mỏng, chế độ đãi ngộ thấp nên không đáp ứng được yêu cầu. Với Hà Nội vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Hiện nay mỗi xã có một cán bộ thú y, theo quy định, lương của anh em là 1.050.000 đồng/tháng, ngoài ra không có khoản nào cả. Chúng tôi đang đề xuất thành phố xem xét, tính toán cho anh em được hưởng theo chế độ viên chức để có thể bảo đảm đời sống và an tâm công tác.

Hiệu quả bước đầu trong việc kiểm soát tình hình

- Thưa ông, chợ Hà Vỹ (nằm trên địa bàn xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) được xem là chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc. Ngoài việc phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của Hà Nội, từ đây gia cầm còn được vận chuyển đi một số địa phương khác để tiêu thụ. Trong thời gian qua tình hình gia cầm nhập lậu buôn bán tại chợ Hà Vỹ như thế nào?

- Thời điểm trước ngày 1-8-2012 trung bình hằng ngày có 4-5 ô tô vận chuyển gia cầm thải loại nhập lậu về chợ Hà Vỹ với số lượng ước tới 8-10 tấn/ngày. Thực hiện Công điện khẩn số 1108/CĐ-TTg ngày 31-7-2012 của Thủ Tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra và xử lý gia cầm chưa kiểm dịch nhập khẩu vào nước ta, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nên từ ngày 5-8-2012 tại chợ Hà Vỹ cơ bản không có gia cầm thải loại nhập lậu, các hộ chuyên kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc tạm dừng kinh doanh. Tuy nhiên, từ ngày 14-9-2012 lại xuất hiện việc buôn bán gia cầm nhập lậu tại chợ Hà Vỹ, trung bình mỗi ngày có từ 1 đến 3 xe ô tô trọng lượng 3-5 tấn, các đối tượng đã áp dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.

- Không lẽ chúng ta chịu “bó tay”?

- Chi cục Thú y đã tham mưu cho Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm. Ban chỉ đạo 127 huyện Thường Tín đã có kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh vận chuyển, giết mổ gia cầm tại chợ Hà Vỹ và trên địa bàn huyện. Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) đã có kế hoạch số 1029-KH/PC49 về việc phối hợp bắt giữ, xử lý đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp với UBND xã Lê Lợi (Thường Tín) tổ chức tập huấn cho người kinh doanh tại chợ Hà Vỹ về các quy định trong công tác kiểm dịch, lập bản cam kết với các hộ kinh doanh không buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, ngày 5-11 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp các sở, ban, ngành, UBND các huyện Thường Tín, Phú xuyên thống nhất xây dựng phương án ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng kinh doanh, buôn bán gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố nói chung và tại chợ Hà Vỹ nói riêng. Thời gian tới, một số biện pháp mạnh sẽ được triển khai như thu hồi giấy phép kinh doanh của các hộ vi phạm, áp dụng thời gian tạm giữ tối đa đối với các phương tiện vận chuyển…

- Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành và chính quyền các cấp, kết quả thu được có khả quan không, thưa ông?

- Tính từ đầu tháng 10 tới thời điểm này, tại Phú Xuyên đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt giữ và xử lý tiêu hủy trên 5.200 con gia cầm 14 ngày tuổi nhập lậu; tại Thường Tín đã bắt giữ 4 ô tô vận chuyển, trong đó tiêu hủy trên 3.200kg gà không rõ nguồn gốc, xử phạt vi phạm hành chính 3 xe ô tô vận chuyển 2.300 con gà không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đến ngày 8-11-2012 trên địa bàn chợ Hà Vỹ cơ bản không còn gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Có một vấn đề dư luận rất lo ngại, đó là khi chúng ta ra quân, triển khai các chiến dịch thì tình hình tạm lắng xuống, song được một thời gian mọi chuyện lại đâu vào đó.

- Thay cho việc trả lời câu hỏi này, tôi xin dẫn chứng cụ thể. Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo 127 của thành phố đã chỉ đạo các ngành, các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với các cơ quan thú y, y tế và ban quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.731 vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm; phạt hành chính 6.315.244 đồng; tịch thu tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 6 tỷ đồng, trong đó riêng kiểm tra buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm đã tịch thu hàng hóa trị giá trên 3 tỷ đồng, tịch thu và tiêu hủy trên 66 tấn gà lông nhập lậu, trên 82 tấn sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không qua kiểm dịch, trên 38 tấn thực phẩm đông lạnh…

- Ngoài việc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và chính quyền cơ sở phường, xã trên địa bàn Hà Nội; theo ông, để giải quyết triệt để tình trạng sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu tung hoành khắp mọi nơi như hiện nay cần phải triển khai những biện pháp gì?

- Chúng tôi đang đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu cho thành phố tổ chức các hội nghị liên kết, phối hợp hành động 1+4 (Hà Nội và các bộ Công an, NN&PTNT, Y tế, Công thương); 1+17 (Hà Nội và 17 tỉnh, thành phố có đường biên giới). Như vậy mới tránh được tình trạng “bóp” chỗ này “phình” chỗ kia hoặc đối tượng “di cư” từ địa bàn này sang địa bàn khác. Cùng với đó, chúng ta còn phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Tạo điều kiện cho người tiêu dùng có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm sạch bằng cách có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tiến tới loại trừ việc giết mổ thủ công

Phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu

- Nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc từ động vật của Hà Nội trung bình mỗi ngày là trên 600 tấn, trong khi thành phố mới tự cung cấp được 60%, 40% còn lại phải nhập về từ các địa phương. Và như đã nêu, việc kiểm soát là hết sức khó khăn trong khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nơi đang rất phức tạp.

- Cũng cần nhấn mạnh, đây là thời điểm người chăn nuôi phát triển đàn; trong khi đó nhiều hộ dân nhận thức, hiểu biết hạn chế, nhập con giống từ các cơ sở không an toàn dịch bệnh, chuồng trại chăn nuôi chưa bảo đảm... còn điều kiện thời tiết thì rất thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh.

- Vậy lực lượng thú y đã triển khai những biện pháp gì để phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định?

- Chúng tôi luôn xác định công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội là đặc biệt quan trọng. Hiện nay số lượng gia súc, gia cầm của chúng ta lớn nhất cả nước gồm đàn lợn trên 1,6 triệu con; đàn gia cầm trên 18 triệu con; đàn trâu, bò trên 210.000 con; trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm trên 60%, nằm trong khu dân cư gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát dịch bệnh. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho thú y viên để hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời đủ khả năng giám sát dịch bệnh tại từng hộ chăn nuôi và nắm vững quy trình xử lý ổ dịch. Bên cạnh đó chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm theo định kỳ để chủ động dự báo tình hình dịch bệnh. Triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức vệ sinh tiêu độc môi trường để diệt mầm bệnh, cấp 40.000 lít thuốc Benkocid cho các quận, huyện, trong đó tập trung phun hóa chất tại các nơi từng xảy ra dịch bệnh, các khu vực có mật độ chăn nuôi cao, các cơ sở giết mổ…

- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống nhập lậu gia súc, gia cầm - Cần sự vào cuộc đồng bộ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.