Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy học là truyền lửa đam mê

Kim Thoa| 18/11/2012 06:22

(HNM) - Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND) vào đúng năm tròn 70 tuổi, có lẽ với GS.TSKH Nguyễn Văn Khang, Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 30 mà ông đón nhận trong 47 năm làm thầy mang ý nghĩa thật đặc biệt. Những điều ông chia sẻ trong ngày đón nhận danh hiệu cao quý dành cho những người thầy về nghề giáo cũng như về phát triển của giáo dục nước nhà làm chúng ta cảm phục cũng như phải suy ngẫm.

Chữ Tâm phải làm đầu

- Xin chúc mừng GS vì phần thưởng cao quý mà ông vừa vinh dự cùng 40 đồng nghiệp đón nhận. Đã đi gần hết chặng đường làm thầy, điều gì khiến ông tâm đắc nhất với nghề dạy học?

- Tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 1965, tôi về công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Có thể nói, tôi đến với nghề giáo là do tổ chức phân công nhưng ngày càng thấy yêu nghề dạy học. Gần nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, điều khiến tôi tâm đắc nhất chính là việc mình đã giúp được nhiều thế hệ học trò lòng yêu nghề và niềm đam mê khoa học, rồi họ lại tiếp tục giúp những thế hệ sau để ngành cơ học của nước ta liên tục phát triển và góp phần vào việc đào tạo cán bộ kỹ thuật cho đất nước.

Nhà giáo Nhân dân, GS. TSKH Nguyễn Văn Khang. Ảnh: Linh Tâm


- Ông có cho rằng, đó là sự may mắn? Nếu được lựa chọn, ông có chọn con đường đã đi không, thưa ông?

- Thời của chúng tôi, được phân công về trường ĐH là một vinh dự. Lớp tôi ngày ấy có khoảng 80 người, hơn 20 người được chọn học tiếp năm thứ 4 và hầu hết số này sau khi tốt nghiệp đều về các trường ĐH làm giảng viên. Nếu nói đến sự may mắn thì cái may của tôi là được về công tác ở Bộ môn Cơ học ứng dụng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một bộ môn có truyền thống rèn cán bộ trẻ và truyền thống ấy vẫn được giữ cho đến ngày nay. Ở đây, tôi được gặp và học những người thầy lớn như cố GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo và được làm việc trong một môi trường học thuật giúp mình trưởng thành nhanh. May mắn nữa là được cử đi đào tạo tại Cộng hòa Dân chủ Đức (CHLB Đức ngày nay) khá sớm, nơi đã giúp tôi thấy được những ứng dụng to lớn và rộng rãi trong công nghiệp của ngành cơ học, được Chủ tịch Hội Cơ học lý thuyết và ứng dụng thế giới (GS.W Schiehlen) dìu dắt để từ đó hứng thú hơn với cơ học và thêm yêu nghề.

Đến với nghề dạy học là sự tình cờ nhưng nếu được chọn chắc rằng tôi vẫn đi con đường cũ. Bởi trong cuộc đời, cũng có những cơ hội giúp tôi có thể chuyển nghề và kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tôi đã từ chối. Mà khi ấy, vào những năm 90 của thế kỷ trước, làm việc cho công ty nước ngoài với mức lương hàng nghìn USD sẽ khiến người ta đổi đời.

- Bây giờ, thế hệ trẻ ít người nghĩ và lựa chọn như những người thời của GS. Chẳng lẽ, quan niệm về nghề nghiệp ngày nay khác xưa!

- Thực ra, gánh nặng mưu sinh thì khi nào chẳng vậy. Ngày ấy, tôi và có lẽ nhiều người giống tôi không ra làm ngoài một phần vì nghĩ rằng mình không thích hợp với việc làm kinh tế. Giờ cũng có một số giảng viên trẻ bỏ trường để tìm những nơi làm việc có thu nhập cao hơn, nhưng tôi nghĩ là không nhiều. Được trở thành giảng viên trong các trường ĐH, nhất là những trường có truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn là mơ ước và là niềm tự hào của không ít sinh viên giỏi. Dù lương thấp nhưng đáp ứng được niềm say mê nghiên cứu khoa học, được tạo điều kiện để nâng cao trình độ thì họ vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, có một thực tế, với những người có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, việc trụ lại với nghề là một thử thách không phải ai cũng có thể vượt qua.

- Vậy theo ông, có cách gì giúp các giảng viên trẻ vượt qua được thử thách ấy ngoài giải pháp tăng lương luôn là một khó khăn của một đất nước còn nghèo và lực lượng hưởng lương lại đông như nước ta?

- Có một thực tế là chế độ lương như nhau nhưng nơi thì vẫn thu hút được sinh viên giỏi ở lại làm cán bộ giảng dạy, nơi lại không. Đó chính là do sự khác nhau về môi trường nghiên cứu, giảng dạy và không khí học thuật. Để tạo nên một môi trường làm việc khiến giới trẻ gắn bó, ở mỗi bộ môn cần có những cán bộ đầu đàn về đào tạo, nghiên cứu khoa học và biết quan tâm tới lực lượng trẻ bởi chính họ là người thúc đẩy, lôi cuốn và hướng dẫn anh em trẻ đi vào con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây là việc Nhà nước phải đảm nhiệm bằng những chính sách phù hợp. Ví dụ như việc cho ra đời Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) là một chính sách đúng đắn vì vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước vừa có tác dụng khuyến khích cán bộ, giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học. Để luôn có lực lượng cán bộ kế cận, tránh tình trạng hẫng hụt đội ngũ, tôi cho rằng nên mạnh dạn đưa cán bộ trẻ đi đào tạo ở nước ngoài, nhất là đào tạo sau tiến sĩ (postdoc). Phải mất 10 năm là ít để đào tạo, bồi dưỡng một thế hệ mới nên các bộ môn phải sớm lo việc này và không nên ngại anh em sẽ không trở về. Như ở chỗ chúng tôi thì hầu hết họ đều trở về công tác và sau một số năm họ trở thành lực lượng nòng cốt.

- Nhưng ở không ít cơ sở đào tạo hiện nay, tình trạng tre đã già mà măng chưa chịu mọc hoặc không thể mọc được, không phải là hiếm.

- Vì thế phải lấy chữ Tâm làm đầu. Làm thầy, ngay cả với những sinh viên chưa giỏi, chưa chăm cũng phải hết sức quan tâm giúp đỡ để các em trưởng thành dần. Còn với những sinh viên giỏi, phải hết sức tạo điều kiện để các em được phát huy khả năng và muốn vươn lên trên con đường khoa học kỹ thuật. Trong nhiều năm qua, bằng những mối quan hệ cá nhân, tôi đã gửi được nhiều sinh viên giỏi tiếp tục học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài (Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,…) và nhiều người đã trở thành đồng nghiệp của chúng tôi. Đấy là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm thầy của tôi.

Trăn trở mô hình đào tạo

- Ông đã có quan điểm tâm huyết về mô hình đào tạo đại học với tư cách là một nhà khoa học am hiểu về vấn đề này. Theo đánh giá của ông, mô hình đào tạo ở nước ta hiện có phù hợp với xu hướng chung của thế giới không?

- Trước đây, việc đào tạo trong các trường ĐH ở các nước có thể phân thành hai loại: mô hình Anh - Mỹ và mô hình Châu Âu lục địa (Việt Nam trước đây theo mô hình này). Nhưng hiện nay, nhiều nước như Đức, Nga, Trung Quốc,… trước đây áp dụng mô hình Châu Âu lục địa đã chuyển sang mô hình đào tạo Anh - Mỹ. Quá trình học đại học phổ biến được phân thành hai giai đoạn: học từ 3 đến 3,5 năm lấy bằng cử nhân (Bachelor), học tiếp 2 hoặc 1,5 năm lấy bằng thạc sĩ (Master). Có nghĩa là họ tách quá trình đào tạo 5 năm trước đây để nhận một bằng tốt nghiệp đại học (thường được gọi là kỹ sư) thành hai giai đoạn cử nhân và thạc sĩ. Còn mô hình đào tạo của ta hiện nay không phải là mô hình Châu Âu trước kia, cũng không phải là mô hình đào tạo Anh - Mỹ. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều trường ĐH đã giảm thời gian đào tạo từ 5 năm xuống còn 4 năm, sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng cử nhân hoặc kỹ sư. Sau đó học 2 năm để có bằng thạc sĩ. Bậc kỹ sư ở nhiều nước được coi là tương đương với thạc sĩ. Nhưng ở nước ta, do lẫn lộn khái niệm cử nhân và kỹ sư cho nên việc chồng thêm một bậc cao học lên trên bậc đại học cho kỹ sư giống như với cử nhân là không hợp lý.

Vì mô hình đào tạo không rõ ràng nên hầu như ở các trường nội dung các môn cơ sở kỹ thuật đều bị cắt xén, trong khi kiến thức khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ sở và kỹ thuật chuyên môn lẽ ra phải được chia theo tỷ lệ thích hợp mới bảo đảm chất lượng đào tạo. Thêm nữa, việc nén thời gian đào tạo này khiến sinh viên rất vất vả vì phải học nhiều môn chuyên môn ở chương trình cử nhân mà lẽ ra chỉ được đưa vào giảng dạy ở bậc thạc sĩ. Với những sinh viên giỏi học tiếp lên bậc thạc sĩ thì lại phải học lại khá nhiều những môn học đã học ở chương trình cử nhân.

- Chính vì thế, sinh viên tốt nghiệp đã có bằng thạc sĩ (tức là đã học 6 năm ở Việt Nam) nhưng khi đi du học thường vẫn phải học thêm mới được nhận bằng master của họ. Theo ông, cần phải làm gì để thay đổi điều này?

- Bộ GD-ĐT có quan điểm đúng là chuyển đổi sang mô hình đào tạo đại học Anh - Mỹ phù hợp với xu hướng quốc tế hóa hiện nay. Tuy nhiên, chuyển đổi thế nào cho khoa học và thích hợp với điều kiện Việt Nam là điều vẫn còn cần phải được bàn bạc thảo luận rộng rãi và kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp của cán bộ giảng dạy, nhất là cán bộ khoa học đầu ngành, tham khảo kinh nghiệm của các nước đã chuyển đổi thành công. Cùng với đó là việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thế giới để bằng cấp của Việt Nam ngày càng được quốc tế công nhận. Chương trình đào tạo này cũng phải phù hợp với việc phân tầng đại học, nghĩa là chương trình đào tạo và triết lý đào tạo của trường đại học định hướng nghiên cứu phải khác với chương trình đào tạo và triết lý đào tạo của trường đại học định hướng ứng dụng.

- Khác như thế nào thưa ông?

- Vấn đề này, theo tôi biết, được nghiên cứu và xác định khá rõ ở CHLB Đức. Ở đây tôi xin đưa ra một vài ví dụ minh họa cho dễ hiểu. Cùng là đào tạo về tin học cho hệ kỹ thuật, nhưng ở trường định hướng ứng dụng, chương trình đào tạo phải làm sao cho sinh viên sử dụng tốt các phần mềm có sẵn, còn ở trường định hướng nghiên cứu thì chương trình phải cung cấp kiến thức để sinh viên có khả năng phát triển các phần mềm có sẵn, xây dựng các phần mềm mới. Hay như dạy về cơ học ở các trường định hướng ứng dụng thì phải dạy kỹ mô hình vật rắn chuyển động phẳng gặp ở 80% số chi tiết máy, còn ở trường định hướng nghiên cứu thì phải quan tâm đến mô hình vật rắn không gian có liên quan nhiều đến các tiến bộ mới trong kỹ thuật.

- Nhưng hiện nay ở Việt Nam đang có một xu hướng khá rõ là các cơ sở đào tạo tự "nâng cấp", trung cấp thì "phấn đấu" thành cao đẳng, cao đẳng muốn thành đại học và nhiều trường ĐH không đủ tiềm lực về cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học vẫn tham gia đào tạo tiến sĩ giống như các trường định hướng nghiên cứu. Ông nghĩ gì về thực tế này?

- Kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến cho thấy, phải có tỷ lệ hài hòa giữa ĐH định hướng nghiên cứu và ĐH định hướng ứng dụng. Tôi tán thành ý kiến của GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ở nước ta các trường ĐH định hướng nghiên cứu nên chiếm khoảng 10-15%, ĐH định hướng ứng dụng khoảng 40%, còn lại là CĐ kỹ thuật. Quá trình phát triển từ cơ sở đào tạo bậc thấp hơn lên bậc cao hơn phải mất hàng trăm năm. Nhưng ở nước ta, hiện sự phân tầng chưa rõ ràng nên các trường không có tiềm lực về cán bộ khoa học nhưng cứ muốn thành trường định hướng nghiên cứu trong khi đất nước đang cần nguồn nhân lực có khả năng thực hành rất lớn. Ngược lại, có một số trường định hướng nghiên cứu vẫn "ham" đào tạo cả trình độ CĐ. Còn sự phát triển từ trường trung cấp lên CĐ, từ CĐ lên ĐH lại diễn ra quá nhanh nên dẫn đến tình trạng có nhiều trường ĐH yếu kém. Đây là một thực trạng đáng buồn cần phải sớm có giải pháp giải quyết.

- Phân tầng đại học đã được đưa vào Luật GDĐH sẽ có hiệu lực từ năm 2013. Bộ GD-ĐT sẽ phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để làm công cụ thực hiện phân tầng, mất khá nhiều thời gian trong khi thực tiễn thì không chờ. Với kinh nghiệm của mình trong việc nghiên cứu giáo dục đại học các nước, ông có lời khuyên nào cho cơ quan quản lý ngành không, thưa ông?

- Ở CHLB Đức, hai hệ thống này được phân biệt rất rõ, từ đối tượng tuyển sinh cho đến chương trình đào tạo. Ví dụ, chỉ có học sinh của các trường phổ thông chất lượng cao mới được đăng ký vào trường ĐH định hướng nghiên cứu, học sinh trường phổ thông nghề thì chỉ được đăng ký vào trường ĐH định hướng ứng dụng. Sinh viên tốt nghiệp ở hai hệ thống này được thị trường lao động sử dụng hợp lý vào những vị trí công việc rất rõ ràng, không giống ở Việt Nam, cứ tiến sĩ sẽ được coi là sẽ làm tốt công việc của một kỹ sư thực hành trong khi thực tế không phải như vậy. Bởi các nước đã có nhiều mô hình thành công cho nên tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT nên chọn một số trường để xây dựng mô hình điểm, đầu tư cho những trường này để họ có điều kiện nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở đào tạo nước ngoài về việc đào tạo giáo viên, xây dựng phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo, triết lý đào tạo… để định hình mô hình. Từ mô hình điểm, chúng ta sẽ hiểu rõ thế nào là trường định hướng nghiên cứu, thế nào là trường định hướng ứng dụng…, và các trường khác sẽ học tập theo mô hình các trường điểm này mà xác định phương hướng phát triển, triển khai xây dựng nhà trường theo định hướng đã lựa chọn, phù hợp với năng lực của đơn vị và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Xin cảm ơn GS. Chúc GS tiếp tục có những cống hiến cho đào tạo và nghiên cứu khoa học nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy học là truyền lửa đam mê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.