Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi căn bản giáo dục bắt đầu từ người thầy

Vũ Vân| 17/11/2013 06:04

(HNM) -


Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới, người đứng đầu "cỗ máy cái" của giáo dục Thủ đô đã lý giải ý nghĩa lớn lao ấy. Có thêm niềm vui bởi sự nghiệp giáo dục đang bước vào một bước ngoặt quan trọng khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo được quán triệt, triển khai. Có thêm trọng trách bởi, nếu nói như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, cuộc đổi mới lần này là một cuộc cách mạng, thì mỗi thầy, cô giáo sẽ làm một người chiến sĩ để làm nên cuộc cách mạng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn.



Sư phạm phải đi trước một bước

- Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin gửi tới ông, các thầy, cô giáo Trường CĐ Sư phạm Hà Nội và những giáo viên Thủ đô tương lai lời chúc tốt đẹp nhất. Tâm trạng của những người làm nghề dạy học trong những ngày toàn xã hội tôn vinh và tri ân người thầy, hẳn có nhiều điều muốn chia sẻ, thưa ông?

- Đúng là đến ngày lễ trọng của mình, chúng tôi - những người đã yêu và gắn bó với nghề dạy học luôn có nhiều cảm xúc và tâm trạng. Riêng ngày 20-11 năm nay, niềm vui như được nhân lên khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề cập trúng những vấn đề của giáo dục, đào tạo hiện nay, nêu rõ quan điểm tiếp tục coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đồng thời coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm lớn của Đảng nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về nguồn nhân lực cho đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân. Phải nói rằng, với nghị quyết lần này của Đảng, ngành GD-ĐT có một cơ hội lớn để đổi mới và phát triển. Nếu làm được như nghị quyết đề ra thì sẽ có sự đổi mới căn bản, toàn diện, thay đổi nhiều vấn đề tồn tại trong nhiều năm của cả hệ thống, trong đó có vấn đề trường sư phạm và đội ngũ giáo viên.

- Khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 được ban hành, trên nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng, cần phải tập trung vào việc xây dựng đội ngũ giáo viên. Vai trò của đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục lúc nào cũng được đề cao. Tuy nhiên, có vẻ như, trường sư phạm, nơi đào tạo những người thầy thì chưa được coi trọng tương xứng?

- Nghị quyết lần này đã xác định, phát triển hệ thống trường sư phạm là một trong các nhiệm vụ, đồng thời cũng là giải pháp để đạt được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện. Nghị quyết cũng đã đề ra những giải pháp cụ thể như ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm và có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực vào ngành sư phạm. Tôi tin rằng, với đường lối, chủ trương của Đảng, hệ thống trường sư phạm sẽ có sự chuyển mình.

- Trong quá khứ, có không ít chủ trương lớn của ngành giáo dục chưa đạt được mục tiêu đề ra bởi trường sư phạm thường tụt hậu so với trường phổ thông. Giáo sinh ra trường không bắt nhịp được với thực tế giảng dạy ở các nhà trường. Thực trạng này là do Bộ GD-ĐT chưa quan tâm đúng mức tới hệ thống sư phạm hay do các cơ sở đào tạo thiếu năng động, thưa ông?

- Do cả hai. Ví như, trong việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa, sự tham gia của các trường sư phạm không tương xứng với vai trò của mình dù đây là nơi đào tạo ra lực lượng sẽ triển khai chương trình vào thực tiễn giảng dạy, những người sẽ truyền đạt nội dung của sách giáo khoa tới học sinh. Hay một ví dụ đơn giản, điểm yếu của sinh viên sư phạm hiện nay là ít được thực hành. Thấy rõ điều đó, chúng tôi đã vận dụng hết cách cũng chỉ nâng số tuần thực hành cho sinh viên từ 8 lên 12 tuần mà thôi, bởi phải tuân theo các quy định của Bộ. Trong khi đó, ở các nước, sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp phải có 2 năm thực tập ở trường phổ thông trước khi được bổ nhiệm làm giáo viên.

Lần này, nếu sư phạm không đi trước một bước thì rất khó có thể chuyển từ cách dạy truyền thụ kiến thức sang khơi dạy năng lực, từ dạy chuyên sâu sang dạy tích hợp. Mà sư phạm muốn đi trước thì phải có chiến lược rõ ràng, có sự chỉ huy thống nhất theo những kế hoạch đã được xây dựng một cách cụ thể và kỹ lưỡng. Trong chiến lược, cần quan tâm tới hệ thống đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bởi nếu cái nền này không làm tốt thì không thể có được tiền đề vững chắc cho các bậc học sau.

Về phía các trường sư phạm, cũng phải “chờ mong một cách chủ động”, nghĩa là cùng với việc mong mỏi có sự chỉ đạo một cách chiến lược và bài bản của Bộ GD-ĐT đối với hệ thống, các đơn vị phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch thực hiện chiến lược đó theo từng giai đoạn, có những giải pháp phù hợp để có thể “đi trước”.

- Và Trường CĐ Sư phạm Hà Nội đã làm được điều đó?

- Chúng tôi đã nỗ lực để không chậm so với các trường phổ thông, đặc biệt là về phương pháp dạy học, trong đó có việc sử dụng trang thiết bị hiện đại để thay đổi cách dạy, nhằm nâng cao chất lượng. Đến thời điểm này, với sự quan tâm đầu tư của thành phố, cùng những cố gắng của đơn vị, có thể nói, chúng tôi không bị tụt hậu so với giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể “đi trước”, bởi theo quan điểm của tôi, để đón đầu và đáp ứng được sự phát triển của giáo dục Thủ đô, Trường phải trở thành trường đại học (ĐH).

Hiện nay, giáo dục Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước. Nhưng tôi luôn trăn trở và đã từng nhiều lần cảnh báo, trong khi trên 30 địa phương khác đã có cơ sở đào tạo giáo viên từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở đạt trình độ đại học, nếu Hà Nội không có trường ĐH của riêng mình thì chúng ta khó giữ vị trí dẫn đầu, chưa nói đến vai trò là đầu tàu. Khi ấy, tụt hậu không còn là nguy cơ mà sẽ hiện hữu. Hà Nội có thể thu hút nhân tài từ các địa phương nhưng đó không phải là giải pháp gốc.

- Được biết, trường đã xây dựng đề án thành lập Trường ĐH Thủ đô Hà Nội từ hàng chục năm nay. Vậy việc này hiện đã được tiến hành đến đâu rồi, thưa ông?

- Chúng tôi đã hoàn thiện xong đề án, trình UBND TP Hà Nội và thành phố đã gửi tới Bộ GD-ĐT. Hy vọng, đề án sẽ sớm được phê duyệt, bởi đây không phải là mong muốn của nhà trường mà là đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt, để có thể đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

Chọn nghề hay để nghề chọn?

- Để trường sư phạm hoàn thành được vai trò, nhiệm vụ, đặc biệt trong việc góp phần tiên quyết nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, cần phải có giải pháp thu hút học sinh giỏi vào sư phạm. Nhưng với đồng lương không đủ sống, với chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, thật khó tạo nên sức hấp dẫn. Thực tế đã chứng minh điều này khi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm chỉ phát huy tác dụng trong một vài năm đầu?

- Đúng là như vậy, nhưng cũng có một thực tế, trong khi kinh tế đất nước còn nghèo, đội ngũ nhà giáo lại đông, ngân sách không thể cho phép nâng lương giáo viên tương đương với lương của lực lượng vũ trang như một số ý kiến đã phát biểu. Song nghị quyết vừa ban hành cũng đã khẳng định, lương của giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính, sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đây sẽ là một động lực lớn để hút người giỏi vào sư phạm.

Tuy nhiên, không phải vì đồng lương chưa thỏa đáng mà không có ai thích vào sư phạm. Như ở trường tôi, mỗi năm có khoảng 12 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, điểm tuyển ở một số ngành đào tạo sư phạm lên đến 24,25 điểm. Chúng tôi chưa làm được một điều tra xã hội, xem liệu có bao nhiêu phần trăm sinh viên của trường trúng tuyển các trường ĐH khác song vẫn chọn sư phạm nhưng tôi tin, phần lớn trong số sinh viên nhập học hằng năm, đều yêu nghề dạy học. Tình yêu này được nuôi dưỡng thêm trong suốt những năm tháng các em học trong trường, cả sau khi tốt nghiệp và đi dạy.

- Có nghĩa là họ chọn nghề, không phải nghề chọn họ, phải không, thưa ông? Nhưng yêu nghề dạy học chưa đủ để trở thành giáo viên dạy giỏi!?

- Chưa đủ nhưng đó lại là điều kiện “cần”. Bây giờ đòi hỏi tuyển học sinh giỏi nhất phải vào sư phạm là điều không đơn giản. Tôi nghĩ, trường sư phạm chỉ cần tuyển lớp thứ hai nhưng phải là những người yêu nghề dạy học. Bởi phải yêu nghề thì mới có đủ nghị lực để vượt qua những đòi hỏi khắt khe của nghề, trong khi thu nhập từ nghề dạy học không bao giờ được như các ngành kinh tế.

Tất nhiên, để trở thành giáo viên đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, đòi hỏi ngày càng khắt khe của xã hội, thì ngoài tình yêu với nghề, còn cần phải rèn luyện, bồi dưỡng liên tục, từ việc viết bảng, đi đứng, nói năng, ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm, cho đến trau dồi, bổ sung kiến thức chuyên môn.

- Thực tế cho thấy, những phàn nàn về thầy, cô giáo thường là về phương pháp và ứng xử sư phạm. Đây phải chăng là điểm yếu trong đào tạo của các trường sư phạm hiện nay. Ở Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, điều này đã được khắc phục thế nào?

- Trường chúng tôi chú trọng đào tạo về phương pháp dạy học để sinh viên ra trường không bất ngờ đối với những đổi mới của giáo dục phổ thông, thậm chí trường còn phải đón đầu các phương pháp dạy học mới. Sinh viên được trang bị kiến thức chung về phương pháp dạy học, phương pháp dạy từng môn học. Các khoa của trường thường xuyên mời giáo viên giỏi ở các trường phổ thông về trao đổi với sinh viên về phương pháp dạy học.

Trường cũng có khoa chuyên đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc thi về nghiệp vụ, trong đó chú trọng tới kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm. Kết quả là, trong 5 lần Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thi Nghiệp vụ sư phạm toàn quốc, Trường đều đứng trong top đầu. Năm nay, Trường cũng dẫn đầu khối các trường sư phạm. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ có trường thực hành để sinh viên được thực tập và rèn luyện nhiều hơn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.

Dẫu vậy, dạy học là cả một nghệ thuật, không một trường học nào có thể dạy cho người học mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống, nhất là trong việc ứng xử với học sinh, với đồng nghiệp và với cha mẹ học sinh. Do vậy đòi hỏi mỗi giáo viên phải luôn học hỏi, rút kinh nghiệm. Đây chính là sự đòi hỏi khắt khe đối với nghề dạy học mà mỗi người khi dấn thân vào nghề phải ý thức rất rõ ràng và xã hội cũng nên độ lượng với các thầy, cô giáo nếu họ chưa có được phương pháp và ứng xử sư phạm phù hợp.

- “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” phải không ông? Từ xưa đến nay, ai đã dấn thân vào nghiệp “gõ đầu trẻ” thì cũng đã phải xác định chấp nhận không thể làm giàu bằng nghề này. Nhưng khác với thời các ông, nay dạy học như là một sự phân công của xã hội nên phải chăng cách đánh giá, nhìn nhận về nghề giáo cũng khác đi?

- Thầy đồ xưa dạy học không lấy tiền của trò, gia đình có điều kiện thì có thể biếu thầy con gà, thúng thóc. Thời chúng tôi, phụ đạo cho học sinh yếu kém được coi là nhiệm vụ của giáo viên, không có tình trạng dạy thêm tràn lan như hiện nay. Nhưng cũng không thể tiếc ngày xưa; xã hội đã đổi thay, chúng ta cũng không thể đòi hỏi giáo viên không thay đổi. Tuy nhiên, dù là sự phân công của xã hội, thì ngày nay, nghề dạy học vẫn là nghề cao quý, vẫn được xã hội tôn vinh, người thầy vẫn được tôn trọng. Bởi đại bộ phận nhà giáo vẫn giữ được phẩm chất của người thầy, dân ta vẫn giữ truyền thống hiếu học, tôn sư, trọng đạo. Số nhà giáo không giữ được phẩm chất chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong một đội ngũ đông đảo và điều này xảy ra ở mọi ngành, không chỉ trong giáo dục. Thầy, cô giáo cũng là con người, khó có thể không mắc sai lầm, mặc dù nghề đòi hỏi họ phải miễn nhiễm tốt nhất với tiêu cực!

- Xin chia sẻ cùng ông những tâm sự về nghề dạy học, những trăn trở về ngành sư phạm. Một lần nữa xin được gửi tới ông và các thầy, cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất. Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi căn bản giáo dục bắt đầu từ người thầy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.