Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham nhũng chính sách là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm!

Vương Tuấn Anh| 05/01/2014 06:00

(HNM) - Kết luận của Hội nghị TƯ 5 (khóa XI) đã chỉ rõ, tham nhũng "gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước".



Những vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã và tiếp tục được đưa ra ánh sáng đang chứng minh rằng Đảng và Nhà nước ta rất kiên quyết với tệ nạn tham nhũng, nhưng đồng thời cũng cho thấy quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội ngày càng rõ rệt và rất nguy hiểm trong khi công tác phòng, chống tham nhũng vẫn bộc lộ những bất cập cần được xử lý tận gốc.

Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

Những kẽ hở của cơ chế đã tạo điều kiện cho tham nhũng

* Sau những vụ tham nhũng gây thất thoát lãng phí lớn cho Nhà nước được đưa ra ánh sáng pháp luật, giáo sư có cảm nhận gì?

- Tòa án đã đưa ra xét xử một số vụ tham nhũng lớn, mở đầu là vụ Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó đến vụ Vinalines. Dĩ nhiên cảm giác đầu tiên của tôi cũng như mỗi người dân là rất đau xót. Đau xót bởi những đồng tiền của Nhà nước, của nhân dân đã bị một nhóm người chiếm đoạt trắng trợn, bất chấp quy định của pháp luật, mà không biết bao giờ mới có thể lấy lại được. Thứ hai là đau xót về sự sa ngã tệ hại của các cán bộ đã từng được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng, tín nhiệm giao cho trọng trách quản lý, kiểm soát những khối tài sản lớn. Khi tuyên án tử hình một người thì tòa cũng hết sức đắn đo, nhưng quốc gia phải có quốc pháp, quốc pháp phải nghiêm thì mới có thể ổn định được xã hội, ổn định lòng dân. Tuy vậy, qua những phiên tòa này, người dân không khỏi thắc mắc vì sao những vụ tham nhũng lớn như vậy lại diễn ra được, ai đứng ở đằng sau tiếp tay tạo điều kiện cho những quan tham này, và cơ chế nào đã tạo điều kiện cho tham nhũng dễ dàng như thế? Nhưng cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án cũng chưa làm rõ được những điều này.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết.


* Theo ông, bài học rút ra từ những vụ đại án này là gì?

- Những vụ tham nhũng này đều xảy ra ở khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ở đây rõ ràng là có vấn đề về cơ chế quản lý tài sản nhà nước. Kinh doanh bất chấp hiệu quả chính là lỗ hổng tạo ra tham nhũng. Nếu tiền này là của tư nhân thì “rút ruột” người ta rất khó, nhưng tiền của Nhà nước thì bị “moi ruột” dễ dàng, bởi vì quy định mang tính pháp luật của ta còn nhiều bất cập và không được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, phải tìm ra được kẽ hở về cơ chế thì mới chống được tham nhũng. Nếu không, ta cứ xử vụ này lại xảy ra vụ khác, xử người này thì lại nảy ra người khác tham nhũng.

* Giáo sư có thể chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý DNNN?

- Trước đây, chúng ta quy định tập đoàn nhà nước do một người phụ trách, trong khi công việc rất bận, làm sao có thể quản lý được! Bây giờ cơ chế quản lý có khác, nhưng thời gian mà Dương Chí Dũng cũng như Phạm Thanh Bình phạm tội, họ chẳng sợ bộ nào hết, muốn lấy tiền Nhà nước mua gì là mua. Thứ hai là ở các tập đoàn, tổng công ty này quyền lực tập trung vào một người, mà khi người đó tha hóa thì ít ai dám đấu tranh vì “sờ” vào họ thì ít nhất cũng bị ngồi chơi xơi nước, nếu không thì bị mất việc, hoặc nặng hơn nữa có thể bị cho vào bẫy, đi tù... Còn những người cùng phe cánh thì ăn chia với nhau, anh nào cũng có phần nên không muốn đập bể “nồi cơm” chung. Đồng tiền nhà nước được chi tiêu quá dễ, trong khi đó Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là cơ quan nhận tiền từ ngân sách nhà nước, rót cho doanh nghiệp, lỗ lãi không phải lo, có xảy ra tham nhũng lớn thì vẫn... an toàn!

Xóa cơ chế xin - cho

* Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng trên, thưa giáo sư?

- Cách giải quyết đơn giản nhất, ai cũng có thể thấy là đẩy nhanh cổ phần hóa. Trước đây, Quốc hội khóa XI khi thảo luận về Luật DNNN đã quyết định lộ trình đến năm 2014 phải cơ bản cổ phần hóa xong các DNNN (chỉ những DN đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế mới giữ lại) nhưng tiến độ thực hiện quá chậm. Một biện pháp nữa là phải quy định rõ và thực hiện nghiêm trách nhiệm kinh doanh của SCIC.

* Theo giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN?

- Nguyên nhân thứ nhất, theo tôi, là do quan niệm lâu nay về vai trò của DNNN. Ta xác định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, nhưng thực tế “kinh tế nhà nước” được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao gồm cả tài nguyên và ngân sách, không đồng nhất với DNNN. Dồn hết mọi ưu tiên, ưu đãi về vốn, tài nguyên và cơ hội kinh doanh cho DNNN, bất chấp hiệu quả, là sai về nguyên tắc thị trường. Không những thế, từ quan điểm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” biến thành “DNNN giữ vai trò chủ đạo” là đánh tráo khái niệm. Bản thân DNNN không muốn buông “bầu sữa” Nhà nước, bởi vì họ lợi đủ đường. Còn người quyết định cấp vốn, cấp quyền sử dụng tài nguyên, cấp cơ hội kinh doanh... không muốn từ bỏ quyền “được cho” của mình. Vì vậy, để hạn chế khả năng xảy ra tham nhũng thì chúng ta phải xóa bỏ cơ chế xin - cho.

* Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có nói “rất mạnh” về việc chống cơ chế xin - cho. Giáo sư đánh giá thế nào?

- Tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Người ta nói ông “vác đá ghè vào chân” nhưng ông sẵn sàng làm việc ấy vì lợi ích chung, sẵn sàng công khai hết để chấm dứt chuyện xin - cho. Đó là tư duy mới. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, đương đầu với cơ chế xin - cho đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người, thật không dễ dàng chút nào.

Nhận quà cũng phải công khai

* Ngoài vấn đề tham nhũng trong DNNN, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam cần phải coi trọng vấn đề gì?

- Hành vi khó chịu mà ai cũng có thể chỉ ra ngay là “tham nhũng vặt”. Từ những việc như mãi lộ giao thông trên đường cho đến cấp phép cho việc này, việc khác, rồi xây dựng nhà cửa, làm sổ đỏ, hộ khẩu, xin học… tất cả đều có chuyện. “Tham nhũng vặt” đương nhiên phải chống vì nó tuy không lớn nhưng gây bức xúc cho người dân. Nhưng phải nói thật là “tham nhũng vặt” không là gì so với tham nhũng chính sách. Trước đây, người ta đã từng kháo nhau về những chữ ký giá chục tỷ đồng, nhưng bây giờ không còn là chuyện đồn đại nữa. Một đề tài nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề cập đến chuyện vận động chính sách (lobby) ngầm. Tham nhũng chính sách là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm! Về kinh tế, nó tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, thiếu bình đẳng, khiến doanh nghiệp không cần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, chỉ cần có “quan hệ” là giành được những hợp đồng béo bở. Từ đó gây lãng phí tiền của, cản trở sự phát triển nhanh và bền vững, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Về xã hội, nó bóp méo các chính sách của Đảng, Nhà nước để phục vụ nhóm lợi ích, thương mại hóa quyền lực, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân. Muốn chống loại tham nhũng này thì phải công khai, minh bạch, xóa bỏ cơ chế xin - cho.

* Vấn đề công khai, minh bạch cũng đã được nói nhiều. Theo ông, chúng ta phải thực hiện công khai, minh bạch như thế nào?

- Gần đây, chúng ta đã thực hiện “công khai tài sản” nhưng hầu như ít có tác dụng. Tôi nghĩ, nguyên nhân vẫn là do thiếu công khai. Nếu chúng ta công khai tin tức trên báo chí, mạng internet về những việc như cấp vốn dự án này bao nhiêu, cơ quan hay doanh nghiệp này làm được gì trong năm, kinh doanh lỗ lãi như thế nào... thì người dân mới có điều kiện giám sát, phát hiện cho cơ quan chống tham nhũng. Ngay chuyện nhận quà cũng phải công khai và phải khống chế giá trị món quà được phép nhận. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, người ta quy định các nghị sĩ và nhân viên nghị viện nhận quà phải khai báo, một năm không được nhận quà từ các nhà vận động hành lang quá 100USD và không được tham dự những chuyến đi giải trí do tư nhân đài thọ, nếu vi phạm sẽ phải ra tòa. Như vậy thì quan chức sẽ không dám bóp méo chính sách.

* Có người cho rằng nếu người dân tố cáo tham nhũng đúng, cần được thưởng theo tỷ lệ phần trăm khi thu hồi vốn thất thoát. Giáo sư bình luận thế nào về ý kiến này?

- Đây là một sáng kiến hay. Những người tố cáo đúng phải được bảo vệ và phải có khen thưởng xứng đáng theo tỷ lệ tài sản thu hồi được. Như vậy mới động viên được người ta tích cực đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng. Vấn đề đặt ra là bản thân các cơ quan của mình có muốn làm hay không, hai là có làm xuể việc không? Tuy nhiên cũng phải xem xét cả mặt khác của vấn đề như cần thận trọng nhằm tránh hiện tượng lợi dụng tố cáo để trả thù, để thỏa mãn sự ganh ghét. Xử lý việc gì cũng phải nhìn rõ hai mặt của nó.

Cơ chế “ba không” đẩy lùi tham nhũng

* Thưa giáo sư, chúng ta cần có giải pháp đột phá nào để đẩy lùi vấn nạn tham nhũng?

- Thật ra, không có nước nào trừ hết được tham nhũng, nhưng ở những nước thực thi pháp luật nghiêm thì tham nhũng không phổ biến. Bây giờ đến “tháp ngà” khoa học cũng “vấy bẩn”, để duyệt một đề tài khoa học cũng phải “chạy”, phải “cưa” bao nhiêu phần trăm thì mới được làm thì thật… hết chỗ nói. Nhiều người đã nói: Để chống tham nhũng, phải tạo ra cơ chế “ba không”, đó là cơ chế khiến người ta không thể, không dám và không cần tham nhũng. Người ta sẽ không thể tham nhũng nếu pháp luật quy định chặt chẽ đến mức có muốn cũng không tự tung tự tác móc túi Nhà nước được. Người ta sẽ không dám tham nhũng nếu luật pháp xử rất nghiêm hành vi tham nhũng. Thứ ba là người ta không cần tham nhũng nếu Nhà nước bảo đảm cho người lao động sống được bằng đồng lương chính đáng của mình.

* Có ý kiến cho rằng, muốn “không cần tham nhũng” thì phải khoán quỹ lương trong các cơ quan nhà nước. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Theo tôi, khoán quỹ lương là cần thiết. Khoán quỹ lương buộc cơ quan, đơn vị phải chọn người tài, phải tăng năng suất lao động, một người làm việc bằng 2-3 người. Biên chế nhà nước nhiều năm nay được kêu gọi giảm nhưng càng nói giảm thì lại không ít ngành càng phình ra. Bởi vì tất cả đã có Nhà nước gánh cho nên người ta đua nhau đưa người thân, người quen vào cơ quan, doanh nghiệp nhà nước dù những người đó kém cỏi, lười biếng… Chúng ta phải kiên quyết giảm biên chế thì mới trả đồng lương, thù lao thích đáng cho những người làm việc tốt; nếu không thì không thể chống tham nhũng được.

* Trân trọng cảm ơn giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham nhũng chính sách là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.