Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ các “nút thắt” để điện ảnh Việt Nam phát triển

Thi Thi| 09/03/2014 05:49

(HNM) - "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt ngày 11-11-2013; "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt ngày 25-1-2014. Đây là hai văn bản rất quan trọng đối với sự phát triển của bộ môn nghệ thuật thứ bảy nước nhà trong thời gian tới.



Nhân dịp này, Báo Hànộimới đã trao đổi với TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh về những vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam trong hai thập kỷ tới.

Bà Ngô Phương Lan.


Hy vọng mới của ngành điện ảnh

- Thưa TS Ngô Phương Lan, ý kiến của bà đánh giá về ý nghĩa sự ra đời của hai văn bản chiến lược đã được phê duyệt, nhìn từ góc độ lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam và nhất là ở thời điểm hiện nay?

- Chúng ta đều biết, ở thời kỳ trước ít ai nghĩ đến xây dựng quy hoạch hay chiến lược phát triển điện ảnh. Đến năm 1989, cùng với sự chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước, bước đi của điện ảnh không thể theo đường ray vạch sẵn mang tính chất áp đặt, chủ quan mà phải có chiến lược, quy hoạch phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập. Thực tế, ngành điện ảnh được giao xây dựng quy hoạch từ năm 1993, sau đó được tái khởi động một lần nữa vào năm 2009. Cả hai lần ngành đều rất dày công khảo sát, xây dựng, nhưng gặp nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan nên chưa thành công…

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII (tháng 12-2011), Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo ngành phải tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch. Cũng có ý kiến cho rằng có cần thiết xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh không khi đã có chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020? Tuy nhiên, xét yêu cầu thực tế và nhất là dựa trên cơ sở pháp lý (Điều 8, Luật Điện ảnh) thì rõ ràng việc xây dựng chiến lược vừa là đòi hỏi cấp thiết lại vừa có căn cứ rõ ràng. Do đó, khi được bộ giao nhiệm vụ, trong năm 2012 và 2013, Cục Điện ảnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo chiến lược và quy hoạch cho điện ảnh. Kết quả như chúng ta thấy, Chính phủ đã phê duyệt hai văn bản này. Đầu xuân, các hãng phim rất phấn khởi khi được tin quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Đa số nghệ sĩ đều tin tưởng. Còn đối với các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng của 63 tỉnh, thành thì họ coi chiến lược và quy hoạch điện ảnh như “chiếc gậy thần” để vực dậy hoạt động chiếu bóng lâu nay vốn đầy khó khăn, thậm chí có nơi rơi vào khủng hoảng! Có thể nói, hai văn bản nêu trên là cơ sở pháp lý để chúng ta tháo gỡ những “nút thắt” lâu nay cho điện ảnh Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới.

- Hai văn bản này quan hệ với nhau thế nào? Những người làm nghề hy vọng vào động lực cho phát triển điện ảnh ra sao, thưa bà?

- Chiến lược và quy hoạch phải gắn chặt với nhau. Quy hoạch cụ thể hóa chiến lược nhưng không được lặp lại những nội dung của chiến lược. Như đã nói, thông tin chiến lược phát triển và quy hoạch phát triển được Chính phủ phê duyệt đã làm các nghệ sĩ rất phấn khởi và tin tưởng, đặc biệt băn khoăn lâu nay được tháo gỡ.

Khi Chương trình mục tiêu quốc gia về điện ảnh bị cắt từ năm 2011, nguồn kinh phí để Bộ và Cục cấp máy móc, phương tiện cho điện ảnh địa phương không còn, nên hoạt động của các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng càng thêm khó khăn… Nhiều trung tâm phát hành phim và chiếu bóng bị sáp nhập vào các trung tâm khác. Hội nghị Phát hành - Phổ biến phim tháng 7-2012 đã thấy rõ nguy cơ tan rã của hệ thống chiếu bóng địa phương. Trong khi đó, nhu cầu của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn đó và đặc biệt là nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nâng cao đời sống văn hóa bằng điện ảnh là rất quan trọng. Trước tình cảnh “đi thì dở, ở không xong” ấy, những nội dung trong chiến lược và quy hoạch phát triển đã mở ra lối thoát cho các cơ sở điện ảnh địa phương và hơn 300 đội chiếu bóng lưu động đang ngày đêm phục vụ bà con các vùng khó khăn. Quy hoạch nêu rõ: Không sáp nhập cơ sở điện ảnh với cơ sở văn hóa địa phương; quy hoạch, sắp xếp trung tâm phát hành phim và chiếu bóng là đơn vị sự nghiệp có thu; đầu tư trang thiết bị phù hợp cho đội chiếu phim lưu động - một điểm rất quan trọng khi định dạng phim đã thay đổi hoàn toàn từ phim nhựa 35 ly sang kỹ thuật số. Sắp tới, trong quý II-2014 chúng tôi sẽ hoàn thành dự thảo Thông tư liên bộ VH-TT&DL - Tài chính về cơ chế, định mức, định biên cho đội chiếu bóng lưu động (từ trước đến nay chưa hề có)…

Lấy lại vị thế?

- Hệ thống phát hành phim của Nhà nước lâu nay bị tê liệt sẽ hoạt động trở lại, thưa bà?

- Fafilm Việt Nam dăm bảy năm nay gần như không hoạt động nghiệp vụ. Chúng tôi rất trăn trở khi phim nhập khẩu lấn át phim nội vì theo cam kết quốc tế không có hạn ngạch đối với phim nhập. Trong khi đó, Luật Điện ảnh quy định ai có hệ thống rạp thì được nhập phim nên hệ thống rạp của các công ty nước ngoài chiếm thị phần áp đảo. Để bảo vệ nền điện ảnh dân tộc và bảo đảm việc phổ biến các tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục và thẩm mỹ cao, quy hoạch phát triển xác định rõ việc xây dựng và cải tạo nâng cấp hệ thống rạp ở các tỉnh, thành theo đề án xây mới, nâng cấp các công trình văn hóa đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2013. Rõ ràng, nếu chúng ta không có hệ thống rạp do Nhà nước quản lý thì việc điều tiết phổ biến phim sẽ vô cùng khó khăn. Những bộ phim chính thống, giáo dục truyền thống, có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam sẽ rất khó chen chân để đến với khán giả. Rạp chiếu của nước ngoài hay của tư nhân cũng có đưa phim chính thống vào chiếu, nhưng nếu không được xếp vào giờ đẹp thì cũng khó có người xem! Đối với Trung tâm Chiếu phim quốc gia thì bộ, ngành có thể chỉ đạo, nhưng với các rạp nước ngoài hay tư nhân thì không thể ép buộc, mà chỉ có thể động viên, khuyến khích họ thôi!

- Chiến lược đặt ra con số 40-45 phim truyện một năm vào năm 2020, rồi tỷ lệ phim Việt chiếu rạp là 30-35%... Liệu đây có phải là con số khả thi?

- Năm 2013 chúng ta sản xuất 26 phim, rõ ràng đây là căn cứ thực tế để thấy việc đặt ra số lượng phim Việt trong quy hoạch phát triển là khả thi. Tuy nhiên, đúng là để điện ảnh nước nhà có vị thế như trước đây thì không dễ dàng. Cục Điện ảnh với vai trò quản lý nhà nước chỉ có thể xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển chứ không thể trực tiếp tạo ra một bộ phim hay. Nói cách khác, Cục Điện ảnh chỉ có thể “dọn tổ”, còn “con gà đẻ trứng vàng” phải là các nghệ sĩ - nhà làm phim! Điều tôi đau đáu nhất, điện ảnh mặc dù là một ngành rất tốn tiền bạc, nhưng tiền bạc lại không quyết định được tác phẩm hay, muốn rạng danh thì thực sự phải có tài năng và sự gắn kết tập thể.

Cần những việc làm cụ thể

- Bà có thể chia sẻ về không khí của điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây?

- Trong hai năm qua, ngành điện ảnh nhen nhóm dần những niềm vui, át bớt những nỗi buồn. Khi chiến lược phát triển và quy hoạch phát triển được Chính phủ phê duyệt thì niềm vui càng nhiều hơn. Tuy nhiên, để thành công thì ngoài sự nỗ lực của người làm nghề, chúng tôi mong mỏi các cơ quan truyền thông chia sẻ và ủng hộ ngành điện ảnh một cách khách quan, công bằng.

- Truyền thông với điện ảnh hiện nay có những biểu hiện thiếu công bằng? Bà có nghĩ rằng để khắc phục tình trạng này cũng rất cần sự gắn kết, hợp tác từ phía cơ quan quản lý nhà nước với báo chí?

- Bên cạnh sự ủng hộ tích cực nói chung của báo giới, thì đặc biệt là báo mạng vẫn có những biểu hiện chưa thấu đáo khi đánh giá một bộ phim, một hiện tượng, nhiều lúc gây mất phương hướng, lúng túng đối với cả người xem lẫn nghệ sĩ. Tôi nghĩ, sự gắn kết giữa cơ quan quản lý và báo chí là cần thiết. Trong thời gian tới, bản thân tôi sẽ suy nghĩ và tìm thêm cách để tăng cường sự gắn kết này.

- Bà từng khẳng định: Không phân biệt phim tư nhân với phim nhà nước mà chỉ quan tâm đến chất lượng cả về tư tưởng và nghệ thuật của phim. Vậy công tác duyệt phim nhằm bảo đảm chất lượng tác phẩm sẽ được thực hiện thế nào trong thời gian tới?

- Chiến lược phát triển điện ảnh đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng. Việc chấm phim theo thang điểm nhằm xếp loại một bộ phim theo thứ bậc từ thấp đến cao ngày càng quan trọng. Qua đây, chúng ta có tiêu chí nhìn nhận đánh giá chất lượng phim Việt, tiến tới nâng cao dần chất lượng.

Động thái rõ rệt của Hội đồng duyệt phim năm qua thể hiện qua việc phân loại hai phim hài “Tèo em” và “Cô dâu đại chiến”. Có ý kiến cho rằng phim hài cần gì phải hạn chế độ tuổi? Nhưng chúng tôi cho rằng nếu các chi tiết hài được khai thác không phù hợp thì cũng phải điều chỉnh. Hai phim này hội đồng cho phép phổ biến với điều kiện cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Một ví dụ khác là phim “Nước” được chọn chiếu ở LHP Berlin, có ý kiến cho rằng phải cắt bớt cảnh “sex”. Tuy nhiên, xem xét yếu tố sex trong một bộ phim nghệ thuật cần đặt trong mối tương quan với tổng thể tác phẩm, nếu hình ảnh ấy thực sự phục vụ cho chủ đề bộ phim, cho ý đồ đạo diễn thì không nhất thiết phải cắt mà nên hạn chế độ tuổi người xem.

Năm nay Cục Điện ảnh sẽ hoàn thiện thông tư hướng dẫn phân loại phim theo độ tuổi nhằm tạo điều kiện cho phim Việt ra rạp và tiếp cận khán giả phù hợp hơn.

- Được làm phim là mong mỏi của các nghệ sĩ. Vậy hiện nay cơ chế đầu tư cho các dự án phim được tiến hành ra sao, thưa bà?

- Theo thông báo của Chính phủ, từ nay đến năm 2015 những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị sẽ được đầu tư theo cơ chế đặt hàng. Bộ VH-TT&DL đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất và đi đến ký kết Thông tư liên bộ hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó nêu rõ cơ chế và phương thức đầu tư. Các hãng phim rất phấn khởi vì sau gần hai năm không được cấp kinh phí thì vào ngày cuối cùng của năm - trước Tết Giáp Ngọ, Bộ Tài chính đã chuyển tiền cho 3 dự án phim được thông qua từ đầu năm 2012. Đó là các phim “Nhà tiên tri” về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (Hãng phim truyện Việt Nam), “Mỹ nhân” của Hãng Giải phóng về bi kịch cung đình triều Nguyễn, và “Những người con của làng” của Hãng phim Nam Phương mang thông điệp nhân văn về việc hóa giải hận thù giữa những con người từng ở hai chiến tuyến.

- Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam được nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ vọng, nhưng đến bao giờ thì quỹ này bắt đầu chính thức hoạt động?

- Về quỹ này đang có những điểm chưa thống nhất giữa các bộ. Đề án gần đây nhất đề nghị nguồn vốn cấp ban đầu cho quỹ là 50 tỷ đồng, giảm ¾ so với dự thảo trước (xin cấp 200 tỷ đồng). Tuy nhiên, điều kiện là phải bảo toàn vốn, trong khi mục tiêu chính của quỹ là tài trợ không hoàn lại cho các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm của các tài năng trẻ, nghĩa là rất khó có nguồn bù đắp. Ở nhiều nước, người ta trích phần trăm từ vé xem phim tạo nguồn thu cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng đề xuất này trong dự thảo bị “bác” vì trái với Luật Thuế, Pháp lệnh Phí và lệ phí...

- Nhà phát hành phim Trần Bích Quân (một người Pháp gốc Việt) khi tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần hai đã đưa ra một số nhận xét thú vị về điện ảnh Việt. Trong đó có vấn đề tầm nhìn nghệ thuật còn khá hạn chế ở các phim đương đại, do đó rất khó phát hành ra nước ngoài. Năm nay đã là 2014, đến 2015 theo chiến lược phát triển, lượng phim xuất khẩu đạt 15% số phim sản xuất hằng năm và đến năm 2020 đạt 20%. Thực hiện kế hoạch này liệu có gặp khó khăn?

- Các hãng phim tư nhân đang làm tốt việc này, ví dụ hãng BHD, hay Galaxy... Phim nhà nước chủ yếu sản xuất thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc nghệ thuật nên xuất khẩu đúng là cũng khó, nhưng cũng có một vài phim bán được ra nước ngoài. Hơn nữa, không thể không đặt mục tiêu để phấn đấu vì điện ảnh mang tính quốc tế cao. Chúng tôi đã có những cuộc làm việc với các công ty phát hành phim nước ngoài tại Việt Nam, đặt vấn đề là ngoài việc khai thác thị trường Việt Nam thì nên có sự hợp tác sản xuất phim với các cơ sở của ta. Điều này vừa tạo ra cơ hội cọ xát cho điện ảnh trong nước, tăng cường khả năng phát hành ra nước ngoài vừa phù hợp với xu thế làm ăn lâu dài của các đơn vị phát hành nước ngoài.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ các “nút thắt” để điện ảnh Việt Nam phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.