Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng hành động để thanh lịch, văn minh thể hiện trong mọi hành vi ứng xử

Thái Sơn - Bình Yên| 30/03/2014 05:57

(HNM) - "Có thể chưa đi đầu về kinh tế, song Hà Nội phải gương mẫu đi đầu về xây dựng văn hóa để xứng là trái tim của cả nước, một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi" - Từ ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, Ban Chỉ đạo chương trình quyết định đẩy nhanh tiến độ để ngày 2-4 tới đây chính thức công bố dự thảo đề án xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội.



Vậy là sau rất nhiều năm chuẩn bị, lần đầu tiên Hà Nội đã xây dựng được dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử văn hóa để đưa ra xin ý kiến các giới, các ngành, các tầng lớp nhân dân và phấn đấu đến tháng 6-2014 bắt đầu thực hiện. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tô Văn Động, thành viên BCĐ Chương trình 04 đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về quá trình chuẩn bị và triển khai đề án có ý nghĩa quan trọng này.

Ông Tô Văn Động.


- Đề nghị ông cho biết lý do tại sao Hà Nội lại tiến hành xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư vào thời điểm này, trong khi người Việt chúng ta đã có những quy định trong hệ thống pháp luật cũng như những quy ước ứng xử trong quan hệ xã hội?

- Văn hóa ứng xử là đề tài chưa bao giờ hết "nóng", bởi sự phát triển KT-XH không đồng nghĩa với việc văn hóa và văn minh trong đời sống và xã hội được nâng cao. Trên thực tế, không phải ai sống ở Hà Nội đều đã là người Hà Nội với nét đặc trưng nhất là thanh lịch. Có hộ khẩu Hà Nội mới chỉ là công dân Hà Nội, còn muốn là người Hà Nội đích thực thì phải học hỏi, tiếp biến để chất thanh lịch ngấm vào trong nếp sống, trong mọi hành vi ứng xử.

Có thể nói, chưa thời điểm nào mà vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa người Hà Nội thanh lịch không chỉ của một cá nhân, một tổ chức, mà nó cần được chuẩn hóa, tuyên truyền và thấm nhuần vào mọi hoạt động của người dân, tổ chức, cơ quan công quyền để hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm một thành phố có bề dày hơn nghìn năm tuổi. Từ đó, BCĐ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy "Về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015" nhận thấy cần thiết phải xây dựng và thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội.

Theo dự kiến ban đầu, đến năm 2015 hệ thống quy tắc ứng xử này mới được hoàn thành triển khai vào cuộc sống. Tuy nhiên, trước tính cấp thiết, đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt là năm 2014 Hà Nội đã lựa chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị" nên BCĐ Chương trình quyết định đẩy nhanh tiến độ để tháng 6 tới có thể trình thành phố phê duyệt và thực hiện.

- Một Hà Nội "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" không chỉ có những tòa nhà cao chọc trời, những con đường rộng thênh thang, những cây cầu lớn, những trung tâm thương mại sầm uất... Nếu không được xây dựng trên nền tảng là các giá trị văn hóa truyền thống (lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử, phong tục, tập quán...) thì mọi dự án, công trình đó đều trở nên vô hồn. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn, việc rút ngắn thời gian soạn thảo liệu có bảo đảm dự thảo đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, có khả thi khi triển khai trong cuộc sống?

- Trước hết, phải khẳng định đây là một trong 43 đề án, dự án nhằm cụ thể hóa Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XV). So với kế hoạch, dự thảo này được đẩy nhanh tiến độ hơn một năm, song không vì thế mà nóng vội, ngược lại bản dự thảo được chuẩn bị khá công phu. Để xây dựng đề án, từ năm 2012 chúng tôi đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá thực trạng vấn đề ứng xử trong một số môi trường ở Hà Nội, đồng thời nghiên cứu và so sánh với hệ thống quy tắc ứng xử ở một số quốc gia trên thế giới, một số nước phát triển và những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam. Từ đó xây dựng và đề xuất hệ thống quy tắc ứng xử đối với từng đối tượng khách thể nghiên cứu. Có 6 nhóm đối tượng đề án hướng đến là cơ quan hành chính; trường học; bệnh viện; doanh nghiệp; khu vực dân cư và khu vực công cộng.

Sau đó, chúng tôi phối hợp với khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chuyên đề "Góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Gần 200 đại biểu là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, quản lý, cùng đại diện các cơ quan, ban ngành, cơ sở đã trao đổi và thảo luận xoay quanh vấn đề xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử cho người Hà Nội. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng đồng thời cả hai phương pháp định tính và định lượng. Cụ thể phương pháp định tính có nghĩa là, chúng tôi phân tích lý thuyết (các cơ sở lý luận về văn hóa ứng xử, quy tắc ứng xử, tình huống hội nhập của Việt Nam ra thế giới), so sánh nghiên cứu các hệ thống quy tắc ứng xử đang được triển khai tại một số nước phát triển, khảo sát thực địa và phỏng vấn sâu chuyên gia và người dân. Còn phương pháp định lượng là tiến hành khảo sát trên diện rộng dựa vào phiếu điều tra với các đối tượng đã xác định. Các kết quả thu được sẽ là cơ sở cho việc đề xuất hệ thống quy tắc ứng xử.

- Khảo sát thực trạng, lấy phiếu điều tra, trên cơ sở đó xây dựng bộ tiêu chí để phục vụ cho mục đích hướng tới là cách mà nhiều tổ chức, cơ quan thường áp dụng. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực cụ thể, hiệu quả mang lại chưa hẳn như mong muốn, thưa ông?

- Chúng tôi xác định, đề án này có ý nghĩa rất quan trọng, tác động đến mọi lĩnh vực, đời sống xã hội Thủ đô. Từ trước đến nay chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống quy tắc ứng xử nào mang tính đồng bộ, rộng khắp, trong khi thực tiễn đòi hỏi cần có những giá trị đạo đức mang tính quy chuẩn để hướng con người tới chân, thiện, mỹ, xây dựng một Thủ đô thực sự thanh lịch, văn minh, văn hóa. Vì vậy, những người thực hiện đề án này nhận thức được tầm quan trọng và xác định rõ trách nhiệm, không được phép nóng vội, phải chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo từng khâu và cũng phải hết sức khoa học trong triển khai đề án.

Tôi lấy ví dụ, sau khi tổ chức hội thảo xin ý kiến trực tiếp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, các cơ quan, đơn vị, đại diện cho 6 nhóm đối tượng, chúng tôi đã công bố rộng rãi hộp thư góp ý để xin ý kiến đóng góp, lấy đó làm căn cứ xây dựng phiếu điều tra cho từng đối tượng. Trong phiếu điều tra cũng phân chia rõ các phần gồm đánh giá thực trạng, các nội dung (hay còn gọi tiêu chí) quy tắc ứng xử; phần đề xuất. Chúng tôi thành lập nhiều đội đi đến các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà dân, khu vực công cộng phát đi 6.300 phiếu điều tra. Chúng tôi yêu cầu rất rõ, nhiệm vụ của điều tra viên không phải cứ "tung" phiếu sau đó các tổ chức, cá nhân tích vào là thu về mà điều tra viên phải hỏi cặn kẽ, lấy ý kiến của đối tượng được hỏi. Chẳng hạn khi cung cấp phiếu điều tra cho hộ dân, trong đó có nội dung: "Người dân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội", điều tra viên hỏi rõ theo ông, bà nội dung này có cần thiết không. Nếu người dân trả lời không, điều tra viên đề nghị người đó đề xuất luôn nội dung cần thiết (theo quan điểm của họ). Sở dĩ chúng tôi phải làm như vậy là nhằm thu thập chính xác ý kiến của người dân, các đối tượng liên quan để làm căn cứ xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử...

- Nếu nói xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thì có vẻ rất trừu tượng. Đề nghị ông cho biết cụ thể những quy tắc đó là gì để giúp bạn đọc có thể hình dung?

- Đúng là nghe qua thì rất trừu tượng, nhưng thực tế đây là những điều hết sức cụ thể. Đơn cử như theo kết quả điều tra đối với nhóm trường học cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, những hành vi ứng xử không phù hợp đã xuất hiện hầu hết ở các đối tượng. Có hiện tượng thầy cô giáo tổ chức dạy thêm trái quy định, sử dụng điểm số để trách phạt học sinh, thậm chí tham gia chạy trường, chạy lớp… Học sinh còn gây gổ đánh nhau, hút thuốc lá, nói tục, chửi thề, tham gia điều khiển phương tiện giao thông khi không đủ điều kiện… Nguyên nhân chính gây ra những hành vi ứng xử không phù hợp trong trường học ở Thủ đô thời gian qua là các nội quy, quy chế trong nhà trường được ban hành nhưng việc thực hiện chưa nghiêm; cơ chế quản lý lỏng lẻo, thiếu hiệu quả trong ngành giáo dục; sự phối hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục chưa hiệu quả; chưa có bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực và giới hạn hành vi ứng xử trong trường học. Từ thực trạng đó, đề án đưa ra dự thảo bộ quy tắc ứng xử trong trường học là: Thầy, cô giáo công bằng, không thiên vị, không phân biệt đối xử với học sinh; không đe nẹt, thành kiến, trù dập học sinh; dạy tốt bộ môn được phân công; bảo vệ các em học sinh khỏi sự lạm dụng, bạo hành trẻ em; không nên tăng thu nhập bằng những việc làm không phù hợp với nghề nghiệp. Với học sinh, lễ phép, kính trọng thầy cô, không nói tục chửi thề, đánh nhau, không nói dối; không uống rượu, bia; quần áo, trang phục gọn gàng…

Với nhóm đối tượng khu vực dân cư, đối với chính quyền, các hành vi ứng xử cần thiết là: công bằng giữa các gia đình, tổ dân cư; không đe nẹt, thành kiến với các hộ gia đình; không sách nhiễu, công quyền đối với người dân; bảo vệ các gia đình trước tệ nạn xã hội. Đối với người dân là thân ái, đoàn kết, chân thành, cởi mở, nhường nhịn, tôn trọng, khiêm tốn...

Như vậy, các tiêu chí đặt ra cho từng nhóm đối tượng đều rất cụ thể, thiết thực, gắn với từng tổ chức, cá nhân.

- Đây là lần đầu tiên Hà Nội xây dựng được hệ thống quy tắc ứng xử xã hội đồng bộ. Nhiều người kỳ vọng, với đề án này phong trào xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ có chuyển biến tích cực. Vậy sau khi được phê duyệt, đề án sẽ triển khai như thế nào?

- Từ ngày 2-4, chúng tôi sẽ cho đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng dự thảo của đề án để tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân Thủ đô. Chúng tôi sẽ tổ chức diễn đàn, hội nghị để tiếp thu rộng rãi ý kiến xây dựng các tiêu chí, sau đó tổng hợp, chốt lại hệ thống bộ quy tắc ứng xử với 6 nhóm đối tượng để trình thành phố phê duyệt vào tháng 6-2014. Sau đó các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư sẽ triển khai vận động các đối tượng thuộc nhóm mình thực hiện. Thành phố cũng sẽ quy định trước hết là cán bộ, đảng viên trên địa bàn Thủ đô phải có trách nhiệm gương mẫu thực hiện. Đồng thời với đó là xây dựng chế tài xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm cho đề án được triển khai có hiệu quả trong cuộc sống.

- Có thể kỳ vọng khi hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội được thực thi trong cuộc sống sẽ làm chuyển biến, thay đổi đáng kể đời sống văn hóa Thủ đô hiện nay, thưa ông?

- Đây là câu hỏi khó. Nếu hỏi nhà văn hóa này sau khi xây dựng xong sẽ mang lại hiệu quả sử dụng như thế nào, tôi có thể trả lời ngay. Nhưng về đề án xây dựng và thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội, chúng tôi chỉ khẳng định đã cố gắng, nỗ lực hết sức để tham mưu cho thành phố xây dựng được một hệ thống quy tắc ứng xử; hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào việc hưởng ứng, chấp hành và thực hiện của mỗi tổ chức, cá nhân, trong đó có các bạn, chúng tôi và mọi người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô.

Ở nhiều nước trên thế giới, từ lâu các thành phố đã có những bộ quy tắc ứng xử riêng làm nên nét đẹp trong ứng xử giữa các cá nhân, giữa cơ quan công quyền với người dân và tại những đơn vị đặc thù như trường học, bệnh viện, ứng xử nơi công cộng... Vậy thì chúng ta hãy cùng hành động để Hà Nội cũng có một bộ quy tắc ứng xử riêng để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của một Thủ đô văn hiến, có bề dày hơn nghìn năm tuổi.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng hành động để thanh lịch, văn minh thể hiện trong mọi hành vi ứng xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.