Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dùng hàng Việt mang lại những lợi ích thiết thực cho toàn xã hội

Nguyễn Linh - Thái Sơn| 06/04/2014 06:20

(HNM) - Sau gần 5 năm thực hiện, cuộc vận động


Tuy nhiên để CVĐ tiếp tục tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, triển khai có hiệu quả, thiết thực và bền vững, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Phó ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội Lê Thị Kim Oanh đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về những nội dung nêu trên.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh.


Tuyên truyền hiệu quả, chỉ đạo quyết liệt- CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đi được một quãng thời gian khá dài. Bà nhận định thế nào về quá trình thực hiện CVĐ này trên địa bàn Thủ đô?

- Cho đến thời điểm này CVĐ đã bước sang năm thứ năm, có đủ thời gian để nhìn nhận, đánh giá lại quá trình triển khai, thực hiện. Tôi thấy rằng, chức năng xuyên suốt của Mặt trận chính là công tác tuyên truyền, vận động. Vì thế, tuyên truyền phải đi vào lòng người, phải khơi gợi, hướng người tiêu dùng đến việc sử dụng hàng Việt.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện, Ban Thường trực MTTQ đã triển khai đồng loạt tới các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Ở cơ sở, Ban chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã cũng nhanh chóng được thành lập, bao gồm đại diện chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể; trong đó, Mặt trận có chức năng chủ chốt, làm trưởng BCĐ. Chính việc nắm bắt thông tin, có hướng dẫn cụ thể, đi tắt, đón đầu đã tạo ra thành công khi thực hiện CVĐ. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước được triển khai hiệu quả. Nhiều chính sách đã được UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ NTD tiếp tục được duy trì, phát huy tác dụng. Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp, giúp NTD có thông tin và sự lựa chọn đúng đắn. Tuyên truyền hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt… đã tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện CVĐ trên địa bàn Thủ đô.

- Bà có thể chia sẻ những hoạt động cụ thể của MTTQ các cấp trong triển khai CVĐ?

- Trước tiên, Mặt trận phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin - Truyền thông tuyên truyền về CVĐ. Nếu hiểu một cách "đao to, búa lớn" thì nhiều người cho rằng, thực hiện CVĐ là thể hiện lòng yêu nước. Nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp, NTD hiểu rằng họ được thụ hưởng gì từ CVĐ. Việc chúng ta sử dụng nguyên liệu, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ trong nước đồng nghĩa với doanh nghiệp không đóng cửa, lao động không mất việc làm. Khuyến mãi, hậu mãi, bảo hành, sửa chữa sẽ thuận lợi hơn so với những mặt hàng ngoại giá rẻ không rõ nguồn gốc đang trôi nổi ngoài thị trường. Vì thế, việc sử dụng hàng Việt đã đem lại lợi ích to lớn cho 3 nhóm đối tượng là cá nhân NTD, doanh nghiệp và Nhà nước.

Năm vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp để đưa công tác tuyên truyền CVĐ về tận cơ sở, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, tiểu thương buôn bán ở chợ dân sinh. Ngoài ra, thường trực CVĐ cũng phối hợp với Tổng Công ty Vận tải thành phố, tăng cường tuyên truyền trên xe buýt, nhà chờ xe buýt để mở rộng phạm vi, đối tượng. Đến nay, tại siêu thị, chợ dân sinh, ý thức của người bán và người mua trong sử dụng hàng Việt đã được nâng lên một bước đáng kể. Đặc biệt, chị em phụ nữ, những người giữ "tay hòm chìa khóa" đã nhắm tới việc sử dụng hàng Việt nhiều hơn.

Đừng bỏ ngỏ thị trường nội địa

- Như bà đã nêu, có thể thấy công tác tuyên truyền đã giúp cho NTD nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình. Tuy nhiên CVĐ sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn nếu bản thân các doanh nghiệp trong nước không đưa ra được thị trường những mặt hàng chất lượng, giá cả cạnh tranh?

- Vâng, đó chính là hai mặt của một vấn đề. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa bằng cách đổi mới công nghệ, thiết bị, dây chuyền, đa dạng mẫu mã, tái cơ cấu sản xuất để hạ giá thành sản phẩm… Bên cạnh đó, mối liên kết lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối phải được giải quyết để hàng Việt có điều kiện tiếp cận với NTD không chỉ trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Và cuối cùng là Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Có như vậy, hàng Việt mới có thể là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

- Đã có nhiều vụ việc hàng ngoại kém chất lượng trôi nổi ngoài thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Song, NTD dù muốn mua hàng bảo đảm chất lượng của Việt Nam cũng không dễ vì ngay cả trong một số siêu thị, trung tâm thương mại vẫn có những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc?

- Theo tôi, các chủ doanh nghiệp phải hiểu đối tượng đích để đặt ra tiêu chí, định hướng phục vụ lâu dài là gì, có phải là gia đình, họ hàng, cộng đồng gần gũi quanh ta không? Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải coi trọng đạo đức kinh doanh, phải hướng tới NTD để bảo vệ quyền lợi NTD. Tôi cho rằng, khủng hoảng kinh tế là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt. Nước ta có hơn 90 triệu dân, là một thị trường đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Tại sao cứ sản xuất ra sản phẩm đẹp, chất lượng cao thì lại mang đi xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước đang thiếu hụt thì lại bỏ ngỏ? Bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng chưa chú trọng quảng bá thương hiệu sản phẩm. Theo tôi, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, tận dụng sức mạnh của truyền thông để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Mặt khác, thông qua truyền thông, doanh nghiệp sẽ tiệm cận nhanh hơn tới NTD, hiểu được sở thích, mong muốn của NTD để có cách thức phục vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, trang tin mua sắm hàng Việt "Trang vàng thuần Việt" online, sách "Cẩm nang cho người tiêu dùng" rất cần thiết để NTD dễ dàng tham khảo, so sánh, lựa chọn những gì mình muốn. Một thị trường minh bạch là điều toàn xã hội mong muốn, và mọi hành động của các ngành, các cấp cũng như từng doanh nghiệp, người dân đều phải vì mục tiêu đó.

- Với địa bàn Hà Nội - một trong những trung tâm tiêu dùng lớn của cả nước, bà cho rằng cần phải làm như thế nào để NTD tự tìm đến hàng Việt?

- Đối với khu vực nội đô, tỷ lệ hàng Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều và được tin dùng nhiều hơn, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ ăn uống, quần áo. Hiện NTD đang lo ngại, cảnh giác với hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, giá rẻ, chất lượng thấp. Tôi nghĩ rằng, sản phẩm Việt nếu đáp ứng được 4 tiêu chí là chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe thì NTD sẽ tự tìm đến. Mặt trận sẽ là kênh đối thoại, cân bằng và làm cầu nối giữa doanh nghiệp với NTD, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp để có sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của NTD. Vì thế, trong năm 2014, Ban Thường trực CVĐ sẽ tiếp tục kiểm tra một số doanh nghiệp, siêu thị, chợ dân sinh và Ban chỉ đạo CVĐ tại các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành; thúc đẩy và cân bằng tương quan cung - cầu.

Để hàng Việt lên ngôi

- Hiện một số người cho rằng hàng ngoại nhập có chất lượng tốt hơn nên thường bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua hàng ngoại. Theo bà, làm thế nào để thay đổi định kiến của NTD với hàng Việt?

- Sở thích này rất đáng lên án, vừa cản trở sản xuất trong nước, vừa lãng phí một nguồn ngoại tệ đáng kể do phải nhập siêu, nhất là những mặt hàng xa xỉ, trong khi người Việt Nam chưa giàu. Tuy nhiên, như tôi đã nói, lỗi này không hoàn toàn thuộc về NTD mà còn do một số doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được những mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã phong phú, giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu NTD, nhất là người có thu nhập cao. Do vậy, rất cần phải nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất ra các mặt hàng "Made in Vietnam", đồng thời phải kiểm soát chặt, xử lý nghiêm việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trong CVĐ này, cơ quan truyền thông cũng phải tập trung tuyên truyền về những lợi thế của hàng Việt so với hàng hóa của nước ngoài, nhất là chất lượng sản phẩm, để có sự lựa chọn hàng tiêu dùng thông minh… Đáng mừng là những năm gần đây, NTD Việt đã chú trọng hơn đến sản phẩm nội. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước đã và đang được khẳng định, có sức cạnh tranh trên thị trường và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… Riêng năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam đã đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.

- Bà nghĩ thế nào khi không ít mặt hàng "Made in Vietnam" được NTD ưa thích hơn cả hàng ngoại nhập?

- Đối với đại đa số NTD Việt, nhất là với những người có thu nhập trung bình, có hiểu biết, không bị tâm lý "sính ngoại" lấn át thì hàng Việt vẫn là sự lựa chọn và ưu tiên số một. Nhiều sản phẩm nội địa có chất lượng tương đương, thậm chí tốt hơn hàng ngoại nhập mà giá cả rất hợp lý như bánh kẹo Tràng An, giò chả Quốc Hương, bánh chưng Tranh Khúc, bánh gạo Zozin, sữa Vinamilk, khóa Việt - Tiệp, quạt điện cơ Thống Nhất Vinawind, nhựa gia dụng Song Long, giày dép Phú Yên (Phú Xuyên), áo dài Lan Hương, lụa tơ tằm Vạn Phúc và đặc biệt là sản phẩm may mặc mang nhãn hiệu "Made in Vietnam"…

- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, bà có tư vấn gì cho NTD, đặc biệt là phụ nữ?


- Ở Việt Nam, người phụ nữ luôn nắm "tay hòm chìa khóa", phụ trách bếp núc, mua sắm, lo lắng bữa ăn cho cả gia đình. Trước hoàn cảnh khó khăn hiện nay, gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên vai người phụ nữ. Muốn vậy, chị em phải lựa chọn được rau quả, thực phẩm an toàn, tươi ngon cho cả gia đình, phải là NTD thông thái khi lựa chọn những sản phẩm giá cả phải chăng mà vẫn bảo đảm chất lượng, bền, đẹp. Hiện nay, phần lớn hàng hóa sản xuất trong nước đều đáp ứng tiêu chuẩn này, từ chiếc cặp, bộ đồng phục cho học sinh đến dầu ăn, nước mắm, gạo, thực phẩm… Chúng ta có thể yên tâm sử dụng hàng tiêu dùng thiết yếu do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, trước khi mua hàng, NTD phải xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng… tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vì hiện nay hàng ngoại đội lốt hàng Việt Nam cũng không phải hiếm gặp, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả, dệt may…

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi và chúc cho CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng được thực hiện có chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững.

Năm 2014, việc tổ chức đưa hàng Việt đến với NTD tiếp tục được chú trọng, nhất là ở những vùng xa trung tâm thành phố. Năm 2013, Sở Công thương đã tổ chức 38 phiên chợ Việt và 470 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tổ chức 200 điểm bán hàng lẻ, trợ giá một số sản phẩm theo chương trình bình ổn giá của thành phố, 300 gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết. CLB Nữ doanh nghiệp phối hợp với Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức 2 đợt trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm Phát triển phụ nữ và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với sự tham gia của gần 100 nữ doanh nhân, 56 gian hàng giới thiệu sản phẩm...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dùng hàng Việt mang lại những lợi ích thiết thực cho toàn xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.