Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp quản lý di tích nhưng không “khoán trắng”

Sa Chi - Minh Ngọc| 20/04/2014 05:58

(HNM) - Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều vấn đề liên quan di tích (DT), gây không ít bức xúc trong dư luận xã hội, từ việc tự ý đưa hiện vật thờ tự vào chùa Chàng Sơn, Bà Đá, đền Phù Đổng; tự ý tháo dỡ mái quán Cựu mang bán… đến tôn tạo cảnh quan không tạo được sự đồng thuận ở lăng Ngô Quyền và gần đây nhất là việc đình Quang Húc "kêu cứu" sau trùng tu...

Điều đó cho thấy việc quản lý, tu bổ DT trên địa bàn Hà Nội còn không ít bất cập. Vậy, các cơ quan chức năng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này.

Ông Trương Minh Tiến.


Phân cấp đã rõ nhưng hậu kiểm còn lỏng lẻo

- Thưa ông, các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây dành thời lượng, diện tích không nhỏ để phản ánh về DT, nhưng chủ yếu là những chuyện không hay. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Phải nói thật, không cán bộ làm công tác văn hóa nào thời gian qua không suy nghĩ trước những thông tin báo chí phản ánh. Riêng với cá nhân tôi, người được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan DT của Thủ đô thì càng có nhiều trăn trở. Để xảy ra những hiện tượng xâm hại DT trong thời gian qua, chúng tôi cũng có phần trách nhiệm. Dù đã phân cấp nhưng không có nghĩa là chúng tôi “khoán trắng” cho cơ sở, cái còn yếu của chúng tôi hiện nay chính là chưa làm tròn trách nhiệm ở khâu hậu kiểm sau phân cấp.

- Di tích đã được phân cấp quản lý, vậy còn vướng ở đâu, thưa ông?

- Vướng mắc chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện. Một số địa phương triển khai tốt nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương triển khai chưa tốt, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm DT và có sự nhất quán trong quản lý thì tình trạng vi phạm DT sẽ đỡ rất nhiều. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải thẳng thắn nhìn nhận là khâu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn triển khai Luật Di sản văn hóa, trong đó có công tác kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Nếu có sự kiểm tra liên tục, chắc chắn hành vi xâm phạm DT sẽ được ngăn chặn kịp thời chứ không rơi vào tình trạng “đã rồi” như một số vụ việc thời gian qua.

- Như ông vừa nói thì các ngành, các địa phương không nên “khoán trắng” việc quản lý DT cho cơ sở?

- Việc phân cấp quản lý được quán triệt đến cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp, tạo hệ thống chân rết vững chắc hơn chứ không phải “khoán trắng”. Để quản lý tốt, tôi cho rằng UBND các quận, huyện phải quan tâm nhiều hơn tới hệ thống DT trên địa bàn, bao gồm cả các DT đã xếp hạng và chưa xếp hạng. UBND các xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ quản lý DT về mặt an ninh trật tự, môi trường, đất đai, bảo đảm an toàn cho các hiện vật trưng bày trong DT... Đối với các đơn vị tham gia tu bổ, tôn tạo DT, việc tôn trọng các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa và cái tâm đối với DT là những yếu tố có vai trò quyết định tới sự thành công của một dự án.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở VH,TT&DL đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố ban hành các quy định, quy chế hướng dẫn việc quản lý, tu bổ, tôn tạo DT. Trong quá trình tu bổ DT, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ chuyên môn phải bám sát cơ sở địa bàn, kiểm tra thường xuyên và có báo cáo kịp thời. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu với UBND thành phố có quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện Quyết định 12 của UBND thành phố, thay thế Quyết định 11 trước đây, để cơ sở và các sở, ngành rõ hơn về trách nhiệm quản lý cũng như tu bổ DT.

- Có thể thấy, sai phạm đối với DT có hai hình thức phổ biến, một là DT bị biến dạng về kiến trúc, cảnh quan do tu bổ, tôn tạo không đúng; hai là bị làm mới từ trong ra?

- Điều 4, Nghị định 98 hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa quy định rất rõ, chúng ta phải giữ nguyên gốc các hiện vật trong DT. Nhưng trong quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nhận thức của những người trực tiếp quản lý, trông coi DT ở cơ sở có chỗ, có nơi chưa thật chuẩn, dẫn đến việc tiếp nhận hiện vật công đức không đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận. Không chỉ những DT bị báo chí nêu tên trong thời gian gần đây mới có hiện vật mới mà việc tiếp nhận hiện vật cung tiến không đúng quy định đã diễn ra ở một số DT khác. Vấn đề này, chúng tôi sẽ giải quyết từng bước, trước mắt chúng tôi sẽ tham mưu để thành phố ban hành Chỉ thị “chuyên đề”, tiếp đến là hoàn thiện kiểm kê DT. Trong quá trình kiểm kê, các chuyên gia sẽ chỉ rõ hiện vật nào có từ lâu đời, vốn thuộc về DT, hiện vật nào mới đưa vào. Đến nay, 20 quận, huyện đã hoàn thành việc kiểm kê, đang xử lý dữ liệu để số hóa công tác quản lý DT.

Cộng đồng và cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng

- Vậy tại sao, dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, Sơn Tây) có sự chung sức, chung lòng của các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư nhưng vẫn khiến dư luận “dậy sóng”. Ông có thể cho biết lý do?

- Về mặt quy trình, thủ tục, dự án tu bổ đền và lăng Ngô Quyền không sai phạm, song nhìn ở một góc độ nào đó, người thực hiện tu bổ cứng nhắc, cho rằng dự án đã có thỏa thuận của cơ quan quản lý văn hóa cao nhất là Bộ VH,TT&DL thì cứ thế mà làm, bỏ qua khâu tiếp nhận thêm ý kiến của nhân dân, nhất là của dòng họ Ngô. Vẫn biết trước khi tu bổ, người dân đã tham gia góp ý, nhưng từ bản vẽ thiết kế đến quá trình thi công có thể có sự khác biệt. Vì thế, trong quá trình tu bổ chúng ta không nên nghĩ đó là những ý kiến bất biến mà phải linh hoạt. Khi có vấn đề phức tạp nảy sinh, đơn vị chủ quản nên tạm dừng dự án để xin ý kiến, thậm chí có thể tổ chức hội thảo để làm rõ hơn các vấn đề gây tranh cãi. Trong trường hợp cụ thể này, vấn đề mà chúng tôi muốn nói đến là trách nhiệm hậu kiểm của các cấp, trong đó có trách nhiệm chưa giám sát, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên của Sở VH,TT&DL và thị xã Sơn Tây.

- Những vụ việc khác trong thời gian qua sẽ được xử lý thế nào, thưa ông?

- Rõ ràng, những vấn đề xảy ra trong quản lý DT, trước hết có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa các cấp và chính quyền các địa phương trên địa bàn. Nhân đây, tôi gửi lời cảm ơn tới phóng viên các cơ quan truyền thông đã giúp chúng tôi phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan DT để vừa có biện pháp xử lý kịp thời từng vụ việc nhưng cũng để ngành văn hóa thấy được những khiếm khuyết của mình trong công tác tham mưu quản lý. Về lâu dài, những người làm công tác quản lý DT rất mong các cơ quan truyền thông cộng tác chặt chẽ với thành phố Hà Nội và ngành văn hóa, ngoài việc phản ánh những vi phạm thì cũng rất cần tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của DT cùng những điển hình tiên tiến, những nhân tố tích cực để tình yêu, ý thức bảo vệ DT lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.

- Cùng với vai trò giám sát của nhân dân, người trực tiếp trông coi DT cũng có vai trò quan trọng, trong khi chế độ cho họ hiện nay hầu như chưa có. Ngành văn hóa sẽ “hóa giải” mâu thuẫn này như thế nào?

- Đánh giá cao vị trí, vai trò của người trực tiếp trông coi DT, chế độ cho người trông coi DT đã được Sở VH,TT&DL đưa ra bàn thảo nhiều lần tại nhiều hội thảo, tọa đàm, song đến thời điểm hiện tại mới chỉ có huyện Mê Linh đi đầu thực hiện. Một vài DT có nguồn thu ở các quận, huyện, thị xã khác cũng có chế độ cho người trông coi nhưng mới mạnh DT nào DT ấy làm, chưa có sự đồng bộ. Để DT được bảo vệ tốt nhất, UBND thành phố đã chấp thuận về mặt chủ trương đề xuất của Sở về hai quy chế, gồm: Quy chế tôn tạo, phát huy giá trị DT và Quy chế bồi dưỡng cho người trông coi DT. Dự thảo hai quy chế này đang được sửa chữa, hoàn thiện để trình thành phố phê duyệt.

Thiếu nhân lực quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích

- Vẫn là chuyện tu bổ DT, Thông tư 18 hướng dẫn về tu bổ tôn tạo DT, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, yêu cầu người tham gia tu bổ DT bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Hà Nội có hàng trăm DT trong tình trạng phải trùng tu cấp thiết trong khi nguồn nhân lực có chứng chỉ hành nghề rất khan hiếm…

- Thiếu nhân lực có tay nghề tu bổ DT là thực trạng chung của cả nước. Năm 2013, Sở VH,TT&DL Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã thông báo tới các doanh nghiệp tham gia tu bổ DT trên địa bàn cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo của Viện Bảo tồn DT (Bộ VH,TT& DL) nâng cao năng lực chuyên môn, cấp chứng chỉ về tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công tu bổ tôn tạo DT, bồi dưỡng làm dày thêm lực lượng. Nhưng nói gì thì nói, Thông tư 18 vẫn là một trong những chế tài quan trọng bảo đảm cho việc tu bổ, tôn tạo và phục hồi DT theo đúng luật. Trên cơ sở đó, từ cuối năm 2013 đến nay, trong quá trình kiểm tra, thỏa thuận các hồ sơ xin phép tu bổ DT, chúng tôi đều yêu cầu người chủ trì thiết kế, chủ trì đơn vị thi công phải có các chứng chỉ theo quy định, còn những người thợ làm trực tiếp thì đa phần là các thợ của các làng nghề truyền thống. Khó là vậy nên không tránh khỏi chuyện tại một số DT, các tiêu chí kỹ, mỹ thuật không được như yêu cầu.

- Theo ông, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý DT trên địa bàn Thủ đô hiện nay đã đủ năng lực và trình độ “chèo chống” khối DT đồ sộ chưa?

- Tôi có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ chuyên môn về quản lý DT ở cấp Sở là tương đối tốt, chủ yếu tập trung ở Ban quản lý DT danh thắng thuộc Sở, đã có sự phân công cán bộ phụ trách địa bàn, bám sát, kiểm tra cơ sở, có trách nhiệm nắm chuyên sâu về các DT ở địa bàn mình phụ trách, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, duy tu, bảo tồn DT cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ nghiệp vụ hoạt động đã rất có kinh nghiệm, nắm chắc cơ sở. Tuy nhiên, ở cơ sở rất thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về bảo tồn, bảo tàng, DT. Đa số phòng văn hóa - thông tin cấp quận, huyện, thị xã không có cán bộ chuyên môn sâu, cấp xã, phường, thị trấn thì “trắng” hẳn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phải đổi mới nội dung, chương trình và tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa địa phương, đặc biệt những người trực tiếp trông coi DT; sẽ phát hành “cẩm nang” với những gạch đầu dòng dễ nhớ, dễ hiểu về những gì được làm, những gì không được làm, giúp người được tập huấn có thể thực hiện ngay. Nếu chúng ta đã không thể đòi hỏi cán bộ cơ sở có chuyên môn sâu về quản lý di sản văn hóa thì ít nhất họ cũng cần nhận biết được công việc mà họ phải làm và nên làm. Có như vậy, chúng ta mới tạm thời lấp được lỗ hổng thiếu cán bộ cơ sở hiện nay và giúp cho công tác quản lý DT đạt được kết quả tốt hơn.

- Hà Nội hiện có 9 DT quốc gia đặc biệt và một số DT đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận (nhiều nhất cả nước), trong khi Luật Di sản sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa có quy định cụ thể nào quản lý loại hình DT này. Để phát huy tốt, ngành văn hóa có sáng kiến gì, thưa ông?

- Trong 9 DT quốc gia đặc biệt trên địa bàn Thủ đô hiện nay có 1 DT (Phủ Chủ tịch) do Bộ VH, TT& DL trực tiếp quản lý, còn 8 DT thuộc trách nhiệm quản lý của UBND TP Hà Nội. Trong khi chờ đợi Bộ VH,TT&DL nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho các DT được UNESCO vinh danh, DT quốc gia đặc biệt thì Sở cũng đã tính toán việc sẽ tham mưu để thành phố có những cơ chế đặc thù áp dụng cho các DT này, theo hướng ban quản lý các DT quốc gia đặc biệt phải trực thuộc UBND cấp quận, huyện để có điều kiện tăng cường quản lý, có cơ chế đặc thù về nguồn lực, như: Cán bộ chuyên môn về quản lý di sản văn hóa, về kinh phí, về nguồn vốn tu bổ, tôn tạo…

Tuy chưa có một cuộc họp bàn cụ thể nào về phương án xây dựng cơ chế đặc thù cho các DT đặc biệt, nhưng từ khi nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về 5 DT quốc gia đặc biệt, gồm hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đình Tây Đằng (huyện Ba Vì) thì chúng tôi thấy đã đến lúc phải xây dựng một cơ chế đặc thù cho các DT này. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta chỉ tập trung vào các DT quốc gia đặc biệt mà sẽ quan tâm tới tất cả các DT, cả những DT chưa được xếp hạng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp quản lý di tích nhưng không “khoán trắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.