Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục không thể “gặt lúa non”!

Hoàng Thu Vân| 29/06/2014 06:16

(HNM) - Sau thời điểm Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực (ngày 1-7-2013), HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND và Quyết định số 20 và 21/QĐ-UBND ngày 24-6-2013 của UBND thành phố.


Theo nghị quyết và các quyết định này, từ năm học 2013-2014, Hà Nội áp dụng mô hình trường chất lượng cao với những tiêu chí, cơ chế tài chính cụ thể. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong toàn quốc thực hiện thí điểm mô hình này. Sở GD-ĐT Hà Nội đang tổ chức việc kiểm định độc lập để có cơ sở đề nghị thành phố công nhận một số trường chất lượng cao đủ tiêu chuẩn. Được biết, Sở GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc áp dụng mô hình này tại Trường Tiểu học và Trường THPT Nguyễn Siêu. Nhân dịp này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch HĐQT nhà trường, về một số vấn đề trong việc xây dựng mô hình giáo dục chất lượng cao.

Trường Nguyễn Siêu luôn coi giáo dục đạo đức cho học sinh là nền tảng của mọi hoạt động,



Chủ động đi trước, đón đầu

- Thưa ông, tính tới thời điểm này, Trường Nguyễn Siêu đã thực hiện mô hình trường chất lượng cao (CLC) như thế nào?

- Theo Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND TP Hà Nội ban hành, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ 5 tiêu chí bắt buộc của trường CLC gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục.

- Đây đều là những tiêu chí không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai, trong khi đó các nghị quyết, quyết định ban hành mới được gần một năm. Trường Nguyễn Siêu có kinh nghiệm gì để đạt được những tiêu chí trên nhanh như vậy?

- Chúng tôi đã nắm bắt kịp thời chủ trương của thành phố và của ngành trong công tác quy hoạch phát triển giáo dục Thủ đô để có chiến lược phát triển một cách chủ động và luôn “đi trước, đón đầu” để xây dựng và phát triển nhà trường đáp ứng yêu cầu của xã hội, của cha mẹ học sinh và tích cực hội nhập quốc tế.

- Ông có thể cho biết cụ thể về điều này?

- Từ năm 2006 chúng tôi đã báo cáo Sở GD-ĐT triển khai thực hiện Đề án “Trường dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” theo Chương trình 07-CTr/TU ngày 4-8-2006 và Kế hoạch 17-KH/TU ngày 24-10-2006 của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 7-11-2006 của UBND TP Hà Nội về “Phát triển một số ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2006-2010”. Triển khai đề án nêu trên, đến năm học 2012-2013, về cơ bản, Trường Tiểu học và Trường THPT Nguyễn Siêu đã trở thành trường “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”.

Năm học 2013-2014, với 100% số lớp “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”, trường đã thí điểm thành công việc học tiếng Anh theo chương trình quốc tế Cambridge ở cấp Tiểu học (2 lớp 1), cấp THCS (5 lớp) học tiếng Anh theo chương trình THPT (IGCSE) của ĐH Cambridge, đồng thời thực hiện thí điểm chương trình giáo dục nhà trường phổ thông theo mô hình trường học mới (VNEN) và thực hiện mô hình “Trường chất lượng cao” theo Luật Thủ đô và Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND thành phố. Chúng tôi mạnh dạn đổi mới các hoạt động trong nhà trường đồng bộ theo hướng tự chủ; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và giáo dục đạo đức kỹ năng cho học sinh...

- Như vậy trường đã có 8 năm “ươm cây” và có định hướng đúng để có ngày hôm nay trong việc “đi trước, đón đầu”. Phải chăng con đường đã lựa chọn không gặp phải những khó khăn, trở ngại?

- Trường Nguyễn Siêu được thành lập năm 1991. Trước khi được thành phố cấp gần 10.000m2 đất để xây dựng cơ ngơi tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), chúng tôi đã trải qua 8 lần thay đổi địa điểm. Nói lịch sự là vậy chứ chúng tôi phải đôn đáo đi thuê trụ sở hết chỗ này đến chỗ khác, thế nên có nhà văn đã nói trường Nguyễn Siêu là “trường trên đôi quang gánh”. Ngày mới thành lập, chất lượng giáo dục của trường còn thấp. Bấy giờ, trong quan niệm của nhiều người thì trường ngoài công lập là nơi thu nhặt những học sinh không thể vào trường công lập. Vậy nhưng trong suy nghĩ, tôi luôn mong mỏi thành lập một ngôi trường để cho con em nhân dân đến học mà không vất vả, không phải đi học thêm như nhiều nơi….

Con đường dẫn tới chất lượng cao

- 23 năm trước, từ nguồn học sinh “đầu vào” như vậy, trường đã có cách làm như thế nào để hướng tới mô hình giáo dục CLC?

- Tôi cho rằng, giáo dục là cả một quá trình, phải có nền tảng vững chắc, không thể “gặt lúa non”. Không phải bây giờ Nguyễn Siêu mới tham gia xây dựng mô hình trường CLC mà như đã nói, trước đó chúng tôi đã có 8 năm thực hiện Đề án “Trường dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”. Lứa học sinh vào trường học lớp 1 ngày đó nay đã lên lớp 9, đã có cả một quá trình rèn luyện để trở thành học sinh trường CLC. Và để bắt đầu thực hiện đề án, từ năm học 2005-2006, chúng tôi đã có hơn chục năm tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng để tạo nên những điểm khác biệt và chính điều đó đã xây dựng nên “Danh hiệu Nguyễn Siêu”.

- Ở Việt Nam, chỉ có một chương trình chuẩn áp dụng cho học sinh từ cấp Tiểu học, THCS đến THPT. Vậy ông nói “tạo nên những điểm khác biệt” là như thế nào?

- Tôi lấy ví dụ như cách xưng hô. Tại trường Nguyễn Siêu, mối quan hệ giữa thầy - trò, cô - trò là quan hệ giữa thầy cô và các con. Cách thức xưng hô ấy đã tạo nên sự gần gũi, gắn bó giữa các thành viên trong nhà trường như một mái ấm gia đình, đề cao tình cảm yêu thương, sự đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ giữa các thành viên với nhau, giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa thầy cô giáo và học sinh. Cách thức này, qua thời gian, quan hệ, tình cảm thầy - trò đã có sự thay đổi tích cực. Sau này, cách xưng hô ấy trở thành phổ biến của nhiều trường tại Hà Nội.

Coi giáo dục đạo đức cho học sinh là nền tảng của mọi hoạt động, nhà trường luôn chú trọng rèn luyện, dạy dỗ cho các con từ nền nếp học tập, ăn nghỉ, đi lại, sinh hoạt, giao tiếp theo quan điểm “muốn đào tạo học sinh có nhân cách lớn phải rèn luyện từ hành vi đạo đức nhỏ”. Tôi có thể tự hào rằng, hiện nay Nguyễn Siêu là một trong số rất ít những trường ở Hà Nội còn duy trì việc giáo viên chủ nhiệm các lớp quản lý, chăm sóc, chia sẻ và đồng hành cùng học sinh cả ngày ở trường.

- Dạy cách làm người cho các con là rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi thành phố đang chú trọng việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong học tập, công tác, nếp sống và trong mọi hành vi ứng xử. Tuy nhiên đó chỉ là một vế trong mục tiêu đặt ra của nhà trường là “Trò chăm ngoan, học giỏi”, thưa ông?

- Một điểm khác biệt nữa của nhà trường là việc tổ chức học 2 buổi/ngày, trong khi hiện giờ tại Hà Nội vẫn có nhiều nơi phải học 2 ca/ngày. Việc học 2 buổi/ngày tạo thêm thời lượng và điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì vậy, từ xuất phát điểm “đầu vào” thấp, nay chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng cao. “Đầu vào” của trường hiện chỉ tương đương với các trường trung bình của Hà Nội, nhưng “đầu ra” luôn thuộc những trường tốp đầu. Chỉ tính riêng năm học 2012-2013 nhà trường đã có 15 giáo viên dạy giỏi đạt giải (trong đó có 5 giải cấp thành phố) và 110 học sinh giỏi đạt giải trong đó có 6 giải cấp thành phố, quốc gia và khu vực. 19/20 khóa thi tốt nghiệp THPT đỗ 100%. Trường nằm trong tốp 200 trường THPT có điểm thi trung bình vào ĐH cao nhất toàn quốc.

Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố về giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất thì việc tăng thời lượng dạy - học là điều kiện quan trọng có tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ, nguyện vọng của học sinh. Cùng với việc thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch dạy học theo đúng chương trình SGK, chúng tôi còn kết hợp hài hòa với việc thực hiện chương trình đào tạo quốc tế liên kết với nước ngoài; thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện; coi trọng giáo dục đạo đức, trau dồi kiến thức chuẩn. Trên cơ sở đó nâng cao trình độ văn hóa, khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh thành thạo, có trình độ tin học tốt, có kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, yêu cầu của giáo dục trong thế kỷ XXI: “Học để biết - Học để làm việc - Học để chung sống - Học để làm người”.

Nhờ những biện pháp trên, đến nay Nguyễn Siêu không có học sinh yếu, kém. Tỷ lệ học sinh trung bình còn khoảng dưới 10%. Hằng năm, 100% học sinh nhà trường tốt nghiệp THPT, trên 80% trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong nước hoặc có thể giành học bổng các trường ĐH danh tiếng của nước ngoài...

Bước khởi đầu của một giai đoạn mới

- Thưa ông, cho đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong toàn quốc ban hành được Bộ tiêu chí bắt buộc của trường CLC. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ học sinh ngại cho con theo học trường CLC vì “sợ” phải đóng nhiều tiền. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng chủ trương xây dựng mô hình trường CLC là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tế. Với nguyện vọng được học tập trong môi trường giáo dục tốt, nhiều gia đình có điều kiện đã phải cho con đi du học. Các chủ đầu tư nước ngoài cũng đã thu hút khá nhiều học sinh Việt Nam khi xây dựng nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội với mức học phí mỗi năm học 100-200 triệu đồng/học sinh. Với Bộ tiêu chí trường CLC mà Hà Nội áp dụng, có thể khẳng định các trường CLC của chúng ta không thua kém những trường có yếu tố nước ngoài về mọi phương diện trong khi mức học phí lại thấp hơn rất nhiều và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

- Cụ thể trong thời gian qua, khi Nguyễn Siêu thực hiện Đề án “Trường dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”, mức học phí hằng năm của nhà trường như thế nào?


- Trong 3-4 năm nay, mức học phí của trường vẫn giữ ổn định. Trước đó, có những giai đoạn, chúng tôi giữ mức học phí ổn định trong gần 10 năm.

- Thưa ông, lại có suy nghĩ, chỉ cần gia đình có điều kiện (đủ sức chịu đựng được học phí) là có thể cho con em mình học trường CLC?

- Ở đâu tôi không biết, nhưng ở trường Nguyễn Siêu thì không như vậy. Thời gian qua, tỷ lệ “chọi” để vào trường của học sinh lớp 1 là “1 chọi 4” hoặc “1 chọi 5”, vào lớp 6 là “1 chọi 3”.

- Vậy có tiêu cực trong công tác tuyển sinh ?

- Nếu có thì làm sao giữ được “danh hiệu trường Nguyễn Siêu” làm sao có thể giáo dục đạo đức cho học sinh, giữ được uy tín với cha mẹ học sinh và làm sao có thể bảo đảm chất lượng đầu ra của “sản phẩm” chất lượng cao? Xây dựng được “danh hiệu” đã khó, giữ được “danh hiệu” càng khó. Tôi nhớ, trong một dịp đến thăm trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Tôi tha thiết mong các thầy, cô giáo hãy giữ vững “danh hiệu trường Nguyễn Siêu” không bao giờ chủ quan, dừng lại. Nếu dừng lại là chúng ta thụt lùi”. Đây là một câu nói gợi mở rất nhiều điều cần suy nghĩ.

- Giả sử thời gian tới, trường Nguyễn Siêu được “đóng dấu” CLC thì mục tiêu trong chặng đường tiếp theo là gì, thưa ông?


- Nếu được như vậy, tôi quan niệm đây mới là giai đoạn khởi đầu của mô hình trường CLC, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện mô hình này. Cụ thể là tiếp tục phải đổi mới từ phương pháp quản lý, chương trình giảng dạy, đến phương pháp giảng dạy và nâng cao hơn nữa về trang thiết bị, về cơ sở vật chất. Đặc biệt, một vấn đề quan trọng hiện nay là phải đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đây là khâu tiên quyết, có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Mô hình gì, chương trình gì, dù tốt, dù hay đến mấy mà không có người thực thi thì cũng không có ý nghĩa gì. Và tôi xin nhắc lại, phương hướng của Nguyễn Siêu là đi từng bước vững chắc, kiên trì mục tiêu của mình, không để bị chi phối vì bất kỳ điều gì.

- Xin hỏi ông câu cuối, lợi nhuận nhà trường thu được hằng năm có lớn không?

- Chúng tôi hoạt động theo phương thức phi lợi nhuận, tức là không lấy tiền lãi chia cho các thành viên góp vốn mà sử dụng “để tái sản xuất mở rộng thông qua đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học theo chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng dạy và học phục vụ chăm sóc, giáo dục học sinh và “tái sản xuất sức lao động”: Nâng lương, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục không thể “gặt lúa non”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.