Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trật tự, văn minh đô thị phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi người dân

Lê Hương - Hoàng Thu Vân| 27/07/2014 05:45

(HNM) - Chọn từng việc, từng khâu tập trung thực hiện với quan điểm chỉ đạo làm đến đâu chắc đến đó; xử lý, giải quyết mọi công việc có lý, có tình; lấy giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị làm gốc... cách làm đó đã giúp cho quận Hai Bà Trưng tạo được những chuyển biến rõ rệt sau 7 tháng thực hiện Chỉ thị của UBND TP Hà Nội về "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014".

Nhiều chuyên đề được triển khai hiệu quả như xử lý triệt để ách tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu, từng bước nâng cao văn hóa ứng xử của người dân... đã góp phần tạo nên diện mạo mới trên địa bàn quận. Đặc biệt, Hai Bà Trưng cũng là một trong những quận đi đầu toàn thành phố trong việc cụ thể hóa tiêu chí "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị". Nội dung cuộc trao đổi của Báo Hànộimới với Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Hiếu hy vọng sẽ gợi mở những giải pháp hữu hiệu để xây dựng Thủ đô trật tự, văn minh - điều mà cả thành phố đang nỗ lực thực hiện.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Hiếu.


Làm đến đâu, chắc đến đó

- Ông nghĩ như thế nào khi thành phố chọn chủ đề trọng tâm của năm 2014 là “Năm trật tự và văn minh đô thị”?

- Theo quan điểm của tôi, việc xây dựng trật tự, văn minh đô thị là chức năng vốn có của quản lý nhà nước đối với đô thị, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên khi chọn là chủ đề chính của cả năm thì chúng ta cần tập trung chỉ đạo, dành sự ưu tiên cả về nhân lực và vật lực cho vấn đề này. “Trật tự và văn minh đô thị” khu trú thành 3 ý lớn: Thứ nhất, trật tự về đô thị, hè, đường phố cần phải sắp xếp cho thật gọn gàng, ngăn nắp; thứ hai, môi trường phải sạch sẽ, giảm tiếng ồn và bụi, kèm với đó là hệ thống cây xanh; thứ ba là văn minh, văn hóa ứng xử và an ninh xã hội. Quan điểm chỉ đạo của quận rất rõ, trật tự và văn minh đô thị là việc đã làm, bây giờ tiếp tục làm và phải đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sau khi Quận ủy có nghị quyết chỉ đạo, UBND quận đã xây dựng kế hoạch và phân công các bộ phận thực hiện. Có sự khác biệt, trước đây nhiệm vụ này chỉ do Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách mảng đô thị đảm trách, nay cả 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận đều phải có trách nhiệm, đồng chí phụ trách đô thị làm tổng tư lệnh, tập trung vào trật tự hè, đường phố và an ninh xã hội; một đồng chí tập trung giải quyết các vấn đề môi trường; một đồng chí đảm trách vấn đề biển hiệu quảng cáo, xây dựng văn minh, văn hóa ứng xử. Tiếp đó là phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đoàn thể và các phường trên địa bàn...

- So với các quận nội thành, Hai Bà Trưng có nhiều nét đặc thù khi đa số dân cư trên địa bàn là người lao động, nhiều phường còn mang tính chất làng xóm, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ... Vậy làm thế nào để hiện thực hóa tiêu chí “trật tự và văn minh”, thưa ông?

- Đúng là so với các đơn vị bạn, chúng tôi có nhiều nét khác biệt. Ví dụ như cùng là đường Bà Triệu nhưng đoạn thuộc quận Hoàn Kiếm quản lý rộng gấp đôi so với đoạn chúng tôi quản lý; hè đường của các quận khác có thể để tới 2-3 hàng xe máy nhưng của chúng tôi để được một hàng xe đã chật chội… Từ đánh giá đúng thực trạng, trước tiên chúng tôi phải lượng hóa tiêu chí thế nào là trật tự, thế nào là văn minh để chỉ đạo thực hiện. Trật tự, văn minh đô thị trước hết phải làm cho đường phố gọn gàng, ngăn nắp. Chỗ nào bố trí, sắp xếp được thì sắp xếp cho đúng trật tự; chỗ nào không sắp xếp được dứt khoát phải xử lý. Thời gian trước, không riêng quận Hai Bà Trưng, cả thành phố đều rất bức xúc về việc chiếm dụng lòng, lề đường để trông giữ xe trái phép. Hệ lụy là, Nhà nước thất thu; một số người đứng ra “chặn” đường thu tiền, lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ để “chặt chém”, tạo dư luận không tốt. Có người suy diễn, chắc hẳn chính quyền cơ sở đứng ra bảo kê để ăn chia. Vì vậy, lần này chúng tôi kiên quyết triệt xóa các điểm lấn chiếm hè, lòng đường để trông giữ xe trái phép. Tất cả hè phố được giao cho các đơn vị, cơ quan quản lý. Nhà nước vừa có nguồn thu, lại chấm dứt được tình trạng lộn xộn.

Thứ hai là tiêu chí “sạch sẽ”. Chúng tôi đã rà soát và tập trung giải quyết các điểm rác thải tồn đọng, bụi bẩn. Một số nơi mất cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường như ở phố Hòa Mã, Trần Thánh Tông cũng đã được xử lý triệt để, sau đó giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý. Mỗi người sống ở đô thị đều phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, môi trường công cộng. Qua thực tế ở địa phương, tôi đề nghị thành phố nghiên cứu có quy định cụ thể đối với các hàng quán, muốn kinh doanh phải bảo đảm yêu cầu về môi trường, phải có khu vệ sinh riêng. Từ hành vi rất nhỏ, nếu được điều chỉnh hợp lý sẽ giúp cho văn minh đô thị tốt lên rất nhiều.

Thứ ba là tiêu chí “đẹp”, phải tiến hành đồng thời nhiều biện pháp và phải có quá trình, không thể chỉ dựa vào nguồn kinh phí từ ngân sách mà cần xã hội hóa. Ví dụ như việc chúng tôi đang làm là vận động các hộ dân, các doanh nghiệp kinh doanh ở mặt đường cùng có ý thức tôn tạo ngôi nhà, cửa hàng của mình, làm đường phố của chúng ta đẹp lên. Cùng với cái đẹp là sự thuận tiện. Vừa rồi có ý kiến phản ánh về chất lượng vỉa hè. Tôi rất đồng tình với quan điểm của đồng chí Bí thư Thành ủy tại hội nghị tiếp xúc cử tri mới đây, là cần thiết kế mẫu vỉa hè và đưa ra nhiều loại mẫu để mỗi quận, huyện, địa phương nghiên cứu lựa chọn. Không nên chỉ đưa ra một mẫu, áp dụng chỗ này thì phù hợp, chỗ kia lại không phù hợp. Hay vỉa ba-toa cũng vậy, để không có bục bệ thì phải thiết kế bao nhiêu mét có điểm dắt xe, hoặc là làm vát để thuận tiện cho việc dắt xe máy, xe đạp lên xuống.

Phải tạo được chuyển biến trong nhận thức

- Việc xây dựng kế hoạch, lượng hóa các tiêu chí là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là khâu tổ chức thực hiện. Xin ông cho biết các biện pháp cụ thể của quận để thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”?

- Cách làm của chúng tôi là chọn từng việc để tập trung thực hiện. Chúng tôi không làm theo ngẫu hứng mà làm thí điểm để nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân rộng. Ví dụ, khi triển khai chuyên đề để xe máy, xe đạp trên hè phố sát tường nhà, quận chọn thí điểm tại 4 tuyến phố: Nguyễn Du, Lê Văn Hưu, Bà Triệu và Trần Nhân Tông. Sau một thời gian, việc thí điểm này được đại đa số người dân hoan nghênh. Có mấy cái lợi: Tạo sự thông thoáng, trật tự ngăn nắp hơn; hạn chế việc lấn chiếm vỉa hè; an ninh trật tự tốt hơn; an toàn giao thông được bảo đảm. Sau khi thí điểm, hiện nay 27 tuyến phố trên địa bàn quận đều thực hiện quy định để xe máy, xe đạp trên vỉa hè, sát với tường nhà. Hay như việc giữ gìn trật tự giao thông khu vực trường học, đến nay hơn 60 trường học trên địa bàn đã tổ chức việc đưa đón học sinh trong khu vực nhà trường, vừa không ách tắc giao thông, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh và phụ huynh.

- Có thể nói, sáng kiến bố trí cho phụ huynh đón học sinh ngay trong sân trường mang lại lợi ích thiết thực, được dư luận đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ biện pháp chỉ đạo của quận?

- Một việc dù nhỏ hay lớn, muốn thành công phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Trước hết phải tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ và người dân ở khu dân cư, từng gia đình, từng đơn vị phải cùng vào cuộc với chính quyền. Hiện mỗi phường chỉ có một cán bộ phụ trách đô thị; từ một tới hai cảnh sát trật tự; có căng ra làm cũng không xuể. Mặt khác, nếu chỉ áp dụng các biện pháp hành chính như nhiều năm qua thì chuyển biến là không đáng kể, dẹp được góc này lại phình góc kia. Vì vậy vấn đề là phải tạo được sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức của từng người dân, từng cơ quan, đơn vị. Việc giữ gìn trật tự giao thông tại cổng các trường học, cùng với ngành công an và chính quyền địa phương, ngành giáo dục cũng phải cộng đồng trách nhiệm để thảo luận, bàn bạc với nhau tìm ra giải pháp tối ưu, như thế hiệu quả được nâng lên rất nhiều. Đối với các bộ, ngành, đơn vị đóng trên địa bàn, chúng tôi giao trách nhiệm tự quản lý vỉa hè, trông giữ xe cho khách đến giao dịch. Các phường cũng vậy, đâu là trách nhiệm của cơ sở phải rất rõ, rất cụ thể. Còn tại các khu dân cư, chúng tôi giao các ngành, đoàn thể vào cuộc vận động, tổ chức phong trào “Gia đình tình nguyện”, “Cộng đồng tình nguyện”. Như vậy mới có thể xây dựng nếp sống văn minh, trật tự từ mỗi gia đình tới mọi đường phố trên địa bàn.

- Thành phố ghi nhận những chuyển biến bước đầu của quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá, so với yêu cầu thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm, ông có nghĩ như vậy?

- Bên cạnh kết quả đạt được, chúng tôi nhìn nhận việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” hiện mới ngấm được đến chính quyền và đại bộ phận người dân; còn đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chuyển biến là chưa nhiều. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát vào buổi trưa, chỉ riêng xung quanh khu vực Vincom đã có hàng nghìn người tràn xuống các quán hàng vỉa hè gây nên tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị. Điều đó có nghĩa, bản thân các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên có ý thức tham gia xây dựng đô thị văn minh, trật tự. Hiện, quận đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục xét công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Trong bộ tiêu chuẩn có các tiêu chí như: Quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch; Nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa; Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị; Xây dựng phong trào văn hóa, thể thao; Nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện các tiêu chuẩn này. Ngoài ra đối với các phường phải đăng ký xây dựng “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Sau 2 năm thực hiện, quận sẽ đánh giá và xét công nhận danh hiệu này; 5 năm tiếp theo tổ chức đánh giá lại. Tuy nhiên, cần phải nói rằng công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp đầu tiên vì các tiêu chí đó phải được từng gia đình, doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan tự giác thực hiện thì mới thành công.

Xây dựng cơ chế duy trì để không “đánh trống, bỏ dùi”

- Thưa ông, thời gian qua, với một số việc dường như chúng ta mới chỉ chú trọng tới chuyện tổ chức ra quân hoặc quan tâm tới kết quả của đợt cao điểm để rồi sau đó đâu lại vào đấy. Vậy làm sao để tránh được căn bệnh “đánh trống bỏ dùi”? Bên cạnh đó, nếu chỉ áp dụng biện pháp tuyên truyền, giáo dục để xây dựng đô thị trật tự, văn minh có lẽ là chưa đủ?

- Tôi cho rằng, xây dựng ý thức chấp hành của con người là quan trọng, cùng với đó để duy trì kỷ cương phải áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ. Thực tế về cơ chế xử lý những vi phạm đến giờ phút này là tương đối đầy đủ, việc xử phạt đã có các khung, các quy chuẩn rất rõ ràng, chỉ còn vấn đề tổ chức thực hiện. Thời gian qua, việc phối hợp giữa thành phố và địa phương, giữa các ngành, các cấp đôi khi chưa tốt. Điển hình là câu chuyện về cái vỉa hè. “Ông” này vừa làm xong, ngày mai “ông” khác lại đào lên rồi sau đó hoàn trả không cẩn thận, cứ vậy tạo nên sự nhếch nhác. Theo tôi, nguyên nhân là thiếu sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý.

- Phải chăng ngoài cơ chế quản lý, phối hợp vẫn cần lưu ý đến một mắt xích quan trọng, đó là đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ?

- Suy cho cùng, mọi việc từ tập trung lãnh đạo, quản lý đến tổ chức, thực thi vẫn là con người. Cán bộ phải được bố trí, sắp xếp theo trình độ năng lực và được phân cấp từ thành phố tới cơ sở. Thành phố có các lực lượng thanh tra chuyên ngành tập trung xử lý rất hiệu quả nhưng với cấp phường là chuyện rất khó vì định biên cán bộ quản lý đô thị có hạn, lại kiêm nhiều việc. Lực lượng công an các phường cũng rất mỏng. Chúng tôi phải hợp đồng tuyển thêm lực lượng dân phòng tự quản, giúp cho chính quyền thực hiện công tác quản lý.

- Thưa ông, thời gian tới, quận sẽ triển khai những nhiệm vụ gì để đạt được các tiêu chí của thành phố đặt ra, quan trọng hơn để các tuyến phố trên địa bàn thực sự “xanh - sạch - đẹp”?

- Ngay trong quý III này, chúng tôi sẽ triển khai chuyên đề: Chỉnh trang, phá dỡ bục bệ, mái che mái vẩy, biển hiệu, quảng cáo sai quy định. Căn cứ vào bộ quy chuẩn do Sở VH-TT&DL ban hành, quận đang tập trung tuyên truyền người dân tự giác dỡ bỏ những vi phạm tại 9 tuyến phố chính, đồng thời chúng tôi sẽ tập trung chỉnh trang, đầu tư, cải tạo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như hè phố, lòng đường, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… sau đó sẽ nhân rộng ở các tuyến phố còn lại. Cùng với đó, quận sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tuy vậy, giải pháp hàng đầu vẫn là tuyên truyền để người dân không bước qua “ranh giới” mà tái vi phạm; tuyên truyền để từng người đều tự giác chấp hành thay vì thái độ đối phó. Như vậy việc xây dựng trật tự văn minh đô thị mới thực sự thành công và có kết quả bền vững.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trật tự, văn minh đô thị phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.