Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những việc làm của chúng tôi là thiết thực, hiệu quả với người dân

Thái Sơn| 03/08/2014 05:33

(HNM) - Sư đoàn Bộ binh 301 thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô có 4 trung đoàn đóng quân trên địa bàn Hà Nội. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những năm qua cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Sư đoàn đặc biệt chú trọng tới việc củng cố "thế trận lòng dân" với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để xây dựng địa bàn an toàn, đơn vị vững mạnh nhằm đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Và chính điều đó cũng đã góp phần tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" và nét đẹp văn hóa "Người chiến sĩ Thủ đô", xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Để làm rõ thêm những vấn đề nêu trên, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 301.

Đại tá Nguyễn Xuân Yêm.


Xây dựng "thế trận lòng dân" trong tình hình mới

- Được biết, một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của quân đội ta nói chung, của Sư đoàn 301 nói riêng là tập trung xây dựng và củng cố "thế trận lòng dân". Điều đó cụ thể là như thế nào, thưa đồng chí?

- Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là tập trung "Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc". Vì vậy, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội chứ không chỉ của riêng quân đội. Với Sư đoàn 301, nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng cơ động lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, chúng tôi còn có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời là lực lượng thường trực và chủ yếu trong việc phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Những công việc trên được xác định quan trọng như nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đảng ủy Sư đoàn và các cấp ủy trong toàn Đảng bộ của đơn vị đã quán triệt những nội dung này trở thành ý thức thường trực, tự giác của từng cán bộ, chiến sĩ.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Sức mạnh của quân đội cũng chính là sức mạnh của nhân dân. Việc xây dựng và củng cố "thế trận lòng dân" cũng chính là nhằm xây dựng sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của đơn vị?

- Công tác xây dựng địa bàn an toàn, đơn vị an toàn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng vì trong xây dựng địa bàn an toàn gắn với đơn vị an toàn, tức là xây ngoài để củng cố trong và xây trong để giữ ngoài. Từ xưa tới nay, mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân được xác định là mối quan hệ máu thịt, quân với dân như cá với nước. Đó cũng chính là phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi xác định nếu như các đơn vị đều làm tốt công tác đoàn kết quân dân thì đây là một nội dung thiết thực để xây dựng địa bàn an toàn, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh. Thực hiện tốt nội dung này cũng là nhằm xây dựng và củng cố "thế trận lòng dân".

- Đây chính là quan điểm, chủ trương xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới?

- Vâng! Việc xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc đã được Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 152 của Chính phủ đề cập và ban hành. Gần đây nhất có Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Đây là những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ.

Dưới sự tham mưu của các cơ quan chức năng, các cấp, ngành, cụ thể là của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công an TP Hà Nội, BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV đã có Chương trình 06; HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 30; UBND thành phố đã có kế hoạch xây dựng TP Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới (đến năm 2020). Có thể nói, Thủ đô là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc này. Như vậy, các cơ quan chức năng của thành phố đã tham mưu kịp thời, đúng, trúng vấn đề để các cấp, các ngành quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả về việc xây dựng khu vực phòng thủ.

- Hà Nội là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, phương diện. Kết quả xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn không chỉ có ý nghĩa đối với Thủ đô mà còn tác động đến nhiều mặt của cả nước. Sư đoàn 301 đã có những đóng góp như thế nào trong việc xây dựng Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc?

- Sư đoàn Bộ binh 301 đã thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên về xây dựng khu vực phòng thủ. Chúng tôi nghiên cứu, nắm vững chủ trương quan điểm của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ; những nội dung được cụ thể hóa trong Nghị định của Chính phủ và Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội. Có thể nói, việc xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc được tập trung thực hiện vào 3 tiêu chí gồm tiềm lực về chính trị - tinh thần; tiềm lực về kinh tế; tiềm lực về quốc phòng - an ninh.

- Cụ thể việc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ được sư đoàn thực hiện như thế nào?

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ của thành phố. Chúng tôi đã tuyên truyền để quần chúng nhân dân nắm được quan điểm của Đảng ta về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đường lối quốc phòng, đường lối quân sự, để mọi người dân hiểu, tự giác chấp hành các quy định, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, những năm qua chúng tôi liên tục tổ chức nói chuyện thời sự, cung cấp thông tin, tuyên truyền về Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biển Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Dự bị động viên... cho cán bộ, đảng viên, quần chúng ở địa phương nơi đơn vị đóng quân hoặc nơi đơn vị về làm nhiệm vụ. Qua đây có tác dụng tốt trong việc định hướng tư tưởng và dư luận xã hội.

Để dân tin, dân yêu, dân quý

- Vừa qua, sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong khu vực thuộc chủ quyền của chúng ta đã có những tác động nhất định đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, cũng như công tác giáo dục chính trị cho quần chúng nhân dân. Sư đoàn đã triển khai những biện pháp gì để bảo đảm an toàn địa bàn nơi đóng quân, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc, đối tượng xấu lợi dụng gây mất trật tự địa phương?

- Trước hết, là đơn vị trong lực lượng vũ trang, chúng tôi đã tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đơn vị về nhiệm vụ thường trực, sẵn sàng chiến đấu, duy trì quân số trực theo đúng quy định. Cùng với đó là việc giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ hiểu được bản chất của sự việc cũng như quan điểm, đường lối đấu tranh của chúng ta. Từ việc hiểu rõ bản chất của sự việc, mỗi cán bộ, chiến sĩ lại là một tuyên truyền viên tốt cho chính gia đình, người thân và nhân dân nơi đóng quân để mọi người thấy được chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, không bị kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình tại địa bàn đơn vị đóng quân nói riêng cũng như toàn thành phố nói chung.

- Xây dựng tiềm lực kinh tế là nội dung có ý nghĩa trực tiếp quyết định sức mạnh vật chất, tinh thần của khu vực phòng thủ, góp phần tạo nên tiềm lực vững mạnh về quốc phòng - an ninh của địa phương. Sư đoàn 301 đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

- Năm nay là năm thứ 4 chúng tôi đảm nhận việc hỗ trợ 2 địa phương xây dựng nông thôn mới là xã Kim Sơn thuộc thị xã Sơn Tây và xã Yên Trung của huyện Thạch Thất. Thú thật là nguồn kinh phí bằng vật chất để hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương các xã thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới của chúng tôi là có hạn. Tuy nhiên đơn vị cũng suy nghĩ và tìm tòi nhiều cách làm để giúp bà con một cách thiết thực và hiệu quả. Cụ thể, mỗi năm các đơn vị thuộc sư đoàn đã hỗ trợ bà con hàng nghìn ngày công lao động thực hiện những công trình, dự án có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống văn hóa ở địa phương. Lấy ví dụ, năm 2013, tại xã Yên Trung, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn Hương. Năm nay nhà văn hóa ấy đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Năm nay, chúng tôi còn làm 2 con đường liên thôn. Hình ảnh bộ đội và đoàn viên thanh niên, bà con trong xã cùng nhau đào đất, đắp đường lớn để người nông dân thuận lợi hơn trong việc giao thông, sản xuất, thu hoạch là rất đẹp. Ngoài ra chúng tôi còn tham gia những hoạt động như nạo vét kênh mương, tu sửa đường làng ngõ xóm, trồng xây xanh… Đặc biệt, vừa qua 4 cơ quan của sư đoàn ủng hộ thiết bị cho trạm y tế của xã mới khánh thành gồm 2 giường inox, 1 xe chở thuốc cho bệnh nhân, 1 bộ dụng cụ đặc chủng…

- Nếu giúp được địa phương, giúp được nhân dân phát triển kinh tế làm giàu, xây dựng và cải thiện môi trường văn hóa, sinh hoạt cũng là góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh?

- Không chỉ giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, chăm lo công tác chính sách hậu phương quân đội, chính sách xã hội, trong quá trình làm công tác dân vận, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với ban chỉ huy quân sự các xã tổ chức huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương. Đó cũng là hình thức đóng góp tích cực trong việc xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh ở địa phương. Ngay như dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, lực lượng quân y của sư đoàn đã xuống các địa bàn còn khó khăn, xa trung tâm là xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai), phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) và xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) để khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 400 đối tượng chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tặng 15 suất quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó...

- Như vậy, sư đoàn đã thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết quân - dân, thể hiện truyền thống, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" ngay trong việc xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng "thế trận lòng dân". Và điều đó đã tạo nên nét đẹp văn hóa của "Người chiến sĩ Thủ đô" hôm nay?

- Những việc làm của chúng tôi có thể là không to tát nhưng rất thiết thực đối với người dân và để lại những ấn tượng tốt đẹp về "Bộ đội Cụ Hồ". Khi bộ đội về các địa phương thực hiện những nhiệm vụ công tác cụ thể, chúng tôi luôn ở tại nhà dân, sinh hoạt cùng với bà con để thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt với nhân dân. Cán bộ chiến sĩ của sư đoàn luôn được quán triệt và nhắc nhở việc thực hiện nghiêm túc 10 lời thề, 12 điều quy định trong công tác dân vận để có những suy nghĩ, hành động chuẩn mực để dân tin, dân yêu, dân quý, để "đi dân nhớ, ở dân thương" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bây giờ, chắc hẳn nhiều người còn nhớ trận mưa lịch sử cuối tháng 10-2008, khi đó bộ đội Sư đoàn 301 đã dầm mưa, ngâm mình trong nước giúp nhân dân thu hoạch lúa khi bị úng ngập; đặc biệt chúng tôi cũng là đơn vị huy động quân số cao nhất kịp thời tham gia cứu úng ngập cho trạm bơm Yên Sở. Hoặc như hồi tháng 3 năm nay, với trạm quan sát từ xa, chúng tôi là một trong những đơn vị phát hiện sớm nhất vụ hỏa hoạn tại Công ty Len Hà Đông để huy động phương tiện, lực lượng cơ động đến ứng cứu. Bộ đội của sư đoàn cùng các lực lượng đã kịp thời đưa cô giáo và các cháu lớp mầm non ra khỏi khu vực nguy hiểm...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí về những nội dung trao đổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những việc làm của chúng tôi là thiết thực, hiệu quả với người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.