Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng cán bộ, công chức là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển của Thủ đô

Vương Tuấn Anh thực hiện| 24/08/2014 06:15

(HNM) - Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã không ngừng quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); đồng thời chú trọng chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất lượng đội ngũ CBCCVC.


Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ CBCC nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vậy làm gì để công tác CBCC là khâu đột phá trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô? Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Sáng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội về vấn đề này.

Giám đốc Sở Nội vụ TP hà Nội Trần Huy Sáng.



Phát huy tối đa năng lực cá nhân

- Thưa ông, ông có thể cho biết công tác tổ chức CBCC của thành phố hiện đang tập trung vào những vấn đề gì?

- Xác định công tác quản lý CBCC là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự phát triển của Thủ đô, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý CBCC của Sở Nội vụ Hà Nội tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng một số văn bản về quản lý cán bộ, công chức theo quy định của Luật CBCC. Đồng thời, Sở triển khai xây dựng đề án vị trí, việc làm trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước của thành phố, từ đó xác định được số lượng cụ thể vị trí việc làm của từng cơ quan; xác định tiêu chuẩn chuyên môn, ngạch bậc, yêu cầu công tác của một vị trí làm việc, làm cơ sở cho công tác xác định biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức.

- Sở Nội vụ đã làm gì để tham mưu cho thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý CBCC?

- Công tác quản lý CBCC hiện nay còn có những vướng mắc về việc tuyển dụng lựa chọn đầu vào, làm sao để tuyển dụng được những người có trình độ, kiến thức, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt vào làm việc trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước của thành phố. Sở Nội vụ đã tích cực tham mưu cho thành phố đổi mới cách thức, nội dung thi tuyển công chức bằng cách tổ chức thi tuyển trên máy tính, lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát việc coi thi, ra đề thi chung, chấm thi tập trung… đối với việc tuyển dụng viên chức, công chức cơ sở đã phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện; khắc phục tiêu cực trong khâu coi thi và chấm bài thi.

- Việc phân công CBCCVC như thế nào để họ “không ngồi nhầm chỗ” và phát huy tối đa được năng lực của mình?


- Việc phân công CBCCVC được xác định trên cơ sở ngành nghề chuyên môn đào tạo và năng lực thực tế của từng người. Ở một số vị trí công việc phức tạp, nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực, việc luân chuyển CBCCVC theo định kỳ được thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 158/2007/ NĐ-CP. Trong thời gian tới, việc phân công CBCCVC được thực hiện theo đề án vị trí việc làm sẽ phát huy tối đa năng lực của các cá nhân.

- Vừa qua, thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý biên chế, tiền lương tại một số cơ quan, đơn vị. Ông có thể cho biết kết quả của công tác này?

- Qua tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả cho thấy, về cơ bản các đơn vị đã thực hiện quản lý CBCCVC theo các quy định của Nhà nước và thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa đúng theo quy định. Cụ thể, một số đơn vị có số lượng công chức thấp hơn chỉ tiêu biên chế được giao, nhưng lại sử dụng lao động hợp đồng tạm thời thay cho số công chức còn thiếu. Một số đơn vị còn thiếu công chức so với chỉ tiêu biên chế nhưng không đăng ký tuyển dụng tại các kỳ tuyển dụng hằng năm; một số đơn vị tự ký hợp đồng vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao.

- Thành phố đã làm gì để chấn chỉnh tình trạng trên, thưa ông?

- Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, giám sát, UBND thành phố ban hành Văn bản số 5686/UBND-NC ngày 31-7-2014 về việc chấn chỉnh công tác quản lý biên chế, tiền lương CBCC các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành đề án vị trí việc làm theo đúng kế hoạch của thành phố, làm cơ sở xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm; thực hiện tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức; rà soát việc thực hiện kế hoạch biên chế, từ đó đăng ký tuyển dụng để bổ sung số công chức còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao, tránh sử dụng hợp đồng lao động thay cho công chức; đồng thời, rà soát các đối tượng ký hợp đồng lao động để thực hiện chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Tăng cường công tác đào tạo

- Gần đây, thành phố rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Vậy, Sở Nội vụ đã làm gì để tham mưu về công tác này?

- Với chức năng là cơ quan giúp UBND thành phố quản lý về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Sở Nội vụ Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND TP Hà Nội ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC; về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất lượng đội ngũ CBCC, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô. Công tác quy hoạch, lập kế hoạch được chú trọng, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và trên 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học…

- Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Thông qua việc xây dựng kế hoạch, hình thức phương pháp giảng dạy, quản lý; nội dung, chương trình; đội ngũ giảng viên…, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC của Hà Nội đã từng bước đổi mới, khuyến khích được CBCC tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn. Cụ thể là: Việc đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kết hợp phương pháp giảng dạy mới (sư phạm tích cực, tăng cường thảo luận, đưa các vấn đề thực tiễn vào giảng dạy…), tổ chức các lớp có thời gian học nhiều ngày bằng hình thức “vừa làm, vừa học” tạo điều kiện cho học viên yên tâm học tập, công tác. Về nội dung, chương trình, trên cơ sở các chương trình khung, căn cứ yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC của thành phố lựa chọn những nội dung phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó là việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu của CBCC; đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo trong đó có chương trình hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ sở đào tạo mở các lớp đào tạo đại học, đào tạo văn bằng 2, đào tạo sau đại học cho đội ngũ CBCC.

Một chủ trương tôi cho là hết sức đúng đắn và có hiệu quả lâu dài mà thành phố đã thực hiện là đào tạo các lớp nguồn công chức: Với đối tượng học viên là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy công lập loại khá trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí chức danh công chức chuyên môn cấp xã, có tư cách đạo đức tốt; sau quá trình được bồi dưỡng 18 tháng ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong về kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính, kỹ năng xử lý tình huống ở cơ sở, công tác dân vận cơ sở… sẽ được phân công về các xã, phường công tác 5 năm và sau 5 năm các lớp nguồn này sẽ là nguồn bổ sung công chức thay thế số CBCC nghỉ hưu ở quận, huyện, sở, ngành.

- Ngoài những chính sách do Nhà nước quy định đối với CBCC tham gia đào tạo, bồi dưỡng, TP Hà Nội có những chính sách gì để hỗ trợ học viên?

- Có thể nói, trong thời gian qua Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện tốt về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất… coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là đầu tư cho phát triển. Ngoài những chính sách do Nhà nước quy định, thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm động viên CBCC tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn như: Hỗ trợ toàn bộ tiền học phí đối với công chức xã tham gia các khóa đào tạo trung cấp quân sự, trung cấp công an, kinh phí đào tạo sau đại học đối với CBCC...

Đãi ngộ, trọng dụng nhân tài

- Ông có thể cho biết chính sách trọng dụng nhân tài của thành phố nhằm tạo ra sự bứt phá trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô?

- Thực hiện Luật Thủ đô, Sở Nội vụ được UBND thành phố phân công chủ trì xây dựng dự thảo, trình HĐND thông qua Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng phát triển Thủ đô. Theo đó, các đối tượng trong diện thu hút nhân tài là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động, bao gồm: Tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các cơ sở đào tạo đại học ngành, chuyên ngành thành phố đang có nhu cầu; tiến sĩ có công trình, đề án khoa học và chuyên ngành đào tạo đáp ứng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II; giáo viên, giảng viên, huấn luyện viên có thành tích giảng dạy, huấn luyện học sinh, sinh viên, vận động viên đạt giải theo quy định; vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt huy chương hoặc giải theo quy định…; chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự của Nhà nước, có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Nếu làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố, các đối tượng trên sẽ được hưởng các chính sách đãi ngộ như thế nào?

- Các đối tượng trên nếu có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ được hưởng các chính sách đãi ngộ như: Được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau 2 năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ kinh phí… Đối với các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành… đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được hưởng chính sách đãi ngộ như: Được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển vào công chức, viên chức được xếp ngạch bậc lương theo quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin liên quan đến công trình đề án và hỗ trợ kinh phí phục vụ nghiên cứu; hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu; được trả thù lao theo hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc...

- Kết quả của việc thực hiện những chính sách trên là gì, thưa ông?

- Kết quả thực hiện chính sách thu hút nhân tài là từ tháng 7-2013 đến nay, số thủ khoa, người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài được thành phố tiếp nhận không qua thi tuyển vào làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố là 61 em tập trung ở các ngành kế toán - tài chính, kinh tế, sư phạm, công nghệ môi trường. Trong đó, kỳ tuyển dụng công chức năm 2013 là 29 em; kỳ tuyển dụng công chức năm 2014: 29 em; kỳ sát hạch tiếp nhận vào công chức tháng 1-2014: 3 em.

- Ông có thể đánh giá tác động của các chính sách này đối với sự phát triển của Thủ đô?

- Về chính sách thu hút nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô được kế thừa từ chính sách ưu đãi tài năng trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao của UBND thành phố nói chung và chính sách tuyên dương, khen thưởng, thu hút sử dụng thủ khoa xuất sắc nói riêng trong những năm qua được dư luận trong và ngoài nước rất hoan nghênh, thể hiện rõ mong muốn cầu hiền tài của thành phố. Các thủ khoa xuất sắc được thành phố tuyển dụng đặc cách đã nhanh chóng tiếp cận công việc mới, hoàn thành tốt công việc được giao, có khả năng phát triển tốt, đặc biệt ở các lĩnh vực y tế và giáo dục phổ thông.

Với việc lựa chọn học viên được đào tạo công chức nguồn có chất lượng, kết hợp với chính sách đãi ngộ động viên kịp thời của thành phố, các lớp thí điểm đào tạo công chức nguồn của thành phố giai đoạn 2012-2013 đã được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao. Điều đó chứng tỏ Đề án đào tạo thí điểm công chức nguồn của thành phố giai đoạn 2012-2015 đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, thể hiện rõ quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra của Chương trình số 01-CTr/TU: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp” của Thành ủy và UBND TP Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng cán bộ, công chức là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.