Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có sự thay đổi căn bản về tư duy, phương thức và mô hình sản xuất

Hoàng Thu Vân| 07/09/2014 06:18

(HNM) - Trong tuần qua, dưới sự chủ trì của Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Báo Hànộimới đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn Thủ đô với sự tham gia của 19 huyện, thị xã cùng các sở, ngành liên quan.



Tại cuộc tọa đàm, bên cạnh việc khẳng định thành tựu đạt được, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, bất cập cùng các vấn đề mới nảy sinh nhiều địa phương đang phải đối mặt. Điều đó giúp cho lãnh đạo thành phố cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng có sự điều chỉnh cần thiết về cơ chế, chính sách cùng những biện pháp cụ thể để hỗ trợ các huyện, thị xã xây dựng nông thôn mới trong thời điểm "nước rút" thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, giai đoạn 2011-2015. Nhân dịp này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phan Minh Nguyệt về chủ đề nêu trên.

CẦN CNH - HĐH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

- Thời gian qua, khu vực ngoại thành Hà Nội đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt ở nhiều góc độ để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện. Phải chăng đây là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Thủ đô, thưa ông?

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phan Minh Nguyệt.


- Không riêng với Hà Nội, phải khẳng định, Đảng ta đã ban hành những nghị quyết, chỉ thị có tính đột phá, tạo bước phát triển mới cho nông nghiệp và nông thôn. Điển hình là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV (tháng 1-1981), Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (tháng 5-1988) tới Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Nghị quyết 26/NQ-TƯ ngày 5-8-2008 gọi tắt là “tam nông”. Trong 9 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2011-2015, Chương trình 02-CTr/TU được đặt ra với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”. Đây chính là những chính sách tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của chúng ta. Nhờ đó, người nông dân đã có của ăn của để và Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên trong quá trình vận động có những vấn đề trong cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cần thay đổi, điều chỉnh, nếu không sẽ trở thành “lực cản” sự phát triển.

- Thưa ông, Hà Nội là đô thị, thành phố trung tâm hàng đầu của đất nước. Vậy việc xây dựng NTM có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Thủ đô?

- Theo các học giả, nhà nghiên cứu, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam mà cụ thể là vùng Đồng bằng sông Hồng chính là “cái nôi” của nền nông nghiệp, của nền văn minh lúa nước. Nói vậy để thấy vai trò quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế của quốc gia. Chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trên nền tảng công nghiệp hóa - hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Tại Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, trên 57% diện tích Thủ đô thuộc về khu vực nông thôn và lao động nông nghiệp chiếm trên 62% lực lượng lao động của thành phố. Điểm qua vài con số để thấy, muốn phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của Thủ đô nói riêng nhất thiết phải phát triển kinh tế nông nghiệp. Và tới thời điểm này, Hà Nội dẫn đầu cả nước với 50 xã (gần 13% tổng số xã của cả nước) đạt chuẩn xây dựng NTM.

- Theo ông tại sao chúng ta phải xây dựng NTM? Về bản chất, đâu là sự khác biệt giữa NTM và khu vực nông thôn trước đây?

- Tôi cho rằng, xây dựng NTM phải dựa trên nền tảng sẵn có, xem vấn đề gì đã trở thành lỗi thời, bất cập, cần thay đổi cho phù hợp và thay đổi như thế nào là hợp lý với điều kiện của chúng ta. Điều đó rất cần sự tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, xem thời gian qua chúng ta đã làm được những gì và xác định những công việc trọng tâm cần làm trong giai đoạn tới.

Theo tôi, xây dựng NTM là phải thay đổi cách thức sản xuất và có sự điều chỉnh về tư liệu sản xuất cho phù hợp. Nếu như trước đây chúng ta làm ăn nhỏ lẻ, manh mún thì điều đó không còn phù hợp với sự phát triển ngày nay. Do đó buộc phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, sao cho công sức bỏ ra phải thu được hiệu quả cao nhất. Tôi quan niệm, xây dựng NTM không phải đô thị hóa nông thôn. Mọi tiêu chí đặt ra thực chất đều là nhằm nâng cao đời sống của người nông dân. Việc xây dựng nhà cao tầng, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, xây dựng chợ, khu thể thao, nhà văn hóa... là rất cần thiết, nhưng trước hết chúng ta phải có mô hình NTM phù hợp với quá trình vận động và phát triển của xã hội, trong đó có sự thay đổi căn bản về tư duy sản xuất, phương thức sản xuất và mô hình sản xuất.

BẢN CHẤT CỦA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

- Trong cuộc tọa đàm vừa tổ chức, có những ý kiến của cơ sở cho rằng, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có những vấn đề chưa phù hợp, cần điều chỉnh sát với thực tế. Thậm chí một số cán bộ cơ sở phát biểu, có những tiêu chí đề ra rất khó đạt được, do đó cần “nới lỏng” tạo điều kiện cho các địa phương đạt chuẩn NTM. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

- Như tôi phân tích ở trên, dường như ở nhiều nơi, trong tư duy của cán bộ cơ sở vẫn có kiểu suy nghĩ chạy theo thành tích. Do đó, có những ý kiến đề xuất “hạ chuẩn” của tiêu chí này, tiêu chí khác để địa phương có thể đạt danh hiệu hoàn thành xây dựng NTM. Thực chất chúng ta đặt ra mục tiêu xây dựng NTM là nhằm hướng tới những cái đích hoàn toàn khác với quan điểm đó.

- Nhưng theo phân tích, những ý kiến đó không phải không có cơ sở. Rõ ràng, có những tiêu chí xây dựng NTM hiện nay là chưa phù hợp, ví dụ như mỗi xã phải có một nhà văn hóa hoặc phải có chợ... Thực hiện những tiêu chí đó cần nguồn kinh phí lớn, song bỏ tiền ra chưa chắc đã có hiệu quả, nhiều nơi người ta không vào chợ mua bán hoặc nhà văn hóa bề thế xây lên rồi để đấy...

- Đấy là những cách hiểu, cách tư duy cứng nhắc. Những tiêu chí trên là cần thiết, song phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Ví dụ như việc mỗi xã phải có một cái chợ vì đây chính là địa điểm giao thương giữa người mua - người bán, sản phẩm làm ra mới có thể lưu thông, tránh tình trạng “bế quan tỏa cảng, tự sản tự tiêu”. Còn cụ thể cái chợ ấy như thế nào? Quy mô hiện tại như thế nào? Trong tương lai ra sao?... Những điều đó làm quy hoạch đều phải tính toán, cân nhắc cho phù hợp, sự khác biệt giữa Hà Nội với các nơi là thế nào, giữa xã này với xã khác nhu cầu cũng hoàn toàn khác nhau... nhưng cần phải có, thậm chí hiện tại chưa có điều kiện để xây dựng thì tương lai cũng phải bỏ tiền ra làm. Vì đó là nhu cầu bắt buộc, cần phải có... Tương tự như thế là nhà văn hóa, trường hợp sử dụng trụ sở, đình làng... có trang thiết bị và nội dung hoạt động theo tiêu chuẩn nhà văn hóa thì cũng được công nhận.

- Phải chăng cũng cần có những “điểm nới” cho những tiêu chí cụ thể, thưa ông?

- Tôi cho rằng, mục tiêu xuyên suốt, vấn đề hướng đến vẫn là cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Điều đó phải được khẳng định bằng những định lượng cụ thể, ví dụ như thu nhập bình quân của người dân, hộ gia đình là thế nào, điều kiện sinh hoạt (ví dụ như điện, nước, giao thông, y tế, việc học tập của con cái...) ra sao... Sự khác biệt giữa NTM với nông thôn cũ chính là những điều kiện người dân được thụ hưởng chứ không phải là danh hiệu địa phương hoàn thành xây dựng NTM. Vậy nên cần nhìn nhận, rất khó có một bộ tiêu chí phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của tất cả các địa phương, những bất cập là khó tránh khỏi, cần căn cứ vào đặc thù của từng nơi để điều chỉnh.

MỘT CÁCH NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC

Thưa ông, ở một khía cạnh khác, như ý kiến của nhiều địa phương, quá trình xây dựng NTM theo các tiêu chí đặt ra là rất khó khăn, trong đó vấn đề đầu tiên là nguồn kinh phí?

- Trước đây theo tính toán trên lý thuyết, để một xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM thì tối thiểu cần đầu tư khoảng 250 - 300 tỷ đồng. Với số xã hiện có, dù Hà Nội có điều kiện hơn nhiều địa phương trong cả nước, song chắc chắn không thể có đủ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng NTM theo cách tính toán này. Chính vì vậy cần xác định rõ, xây dựng NTM không phải là ngồi chờ nguồn kinh phí đầu tư “rót” từ trên xuống để làm cái này, xây cái nọ... Nếu thế, có đạt danh hiệu NTM cũng chỉ là hình thức. Như tôi đã nêu, xây dựng NTM cần sự thay đổi căn bản về tư duy sản xuất, phương thức sản xuất và mô hình sản xuất. Và thực hiện những vấn đề đó chính là bà con nông dân, họ phải là chủ thể trong xây dựng NTM và là đối tượng thụ hưởng trực tiếp thành quả của xây dựng NTM.

- Đó là điều kiện cần, song thực tế ở nhiều nơi cho thấy, chỉ sự cố gắng, nỗ lực của bà con là chưa đủ?

- Đúng vậy. Tôi lấy ví dụ về một lĩnh vực không nằm trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, nhưng là yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công vấn đề này, đó là công tác dồn điền, đổi thửa. Trước khi thực hiện xây dựng NTM , cả nước có khoảng 70 triệu thửa ruộng, mỗi gia đình có tới 7-8 thửa ruộng. Manh mún, nhỏ lẻ như vậy làm sao có thể cơ giới hóa, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên người nông dân muốn dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai không thể không có vai trò điều tiết của Nhà nước được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách. Về vấn đề này Hà Nội thực hiện khá tốt, diện tích quy hoạch cho phát triển nông nghiệp hiện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 76%. Đây chính là điều kiện tốt để tập trung nguồn lực giúp người dân có điều kiện sản xuất hàng hóa như xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, chuyển đổi sang các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao...

- Tuy nhiên như cách đặt vấn đề của ông, không phải có những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” là sản xuất tốt, mà còn cần hội tụ nhiều yếu tố?

- Cụ thể là sau đó phải có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa từ những phân tích, nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học, trồng cây gì, nuôi con gì vừa hợp với điều kiện thực tế, mang lại giá trị kinh tế cao chứ không phải sản xuất nông nghiệp theo kiểu cảm tính, phong trào như hiện nay. Tiếp đến là ban hành các chính sách hỗ trợ người nông dân như tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, xúc tiến thương mại... Như vậy người dân mới có đồng bộ các điều kiện để thúc đẩy phát triển hàng hóa, từ đầu tư, sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.

- Hiện giờ các khâu như ông vừa nêu dường như chưa hình thành chuỗi liên kết, điều đó dẫn đến vòng luẩn quẩn “được giá, mất mùa”, “được mùa, rớt giá”, làm ăn bấp bênh, thiếu tính ổn định, bền vững và khó hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn?

- Tôi cho rằng, hiện giờ vai trò của các “nhà”, gồm: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông chưa rõ ràng, chưa có sự liên kết và chưa có sự hài hòa giữa các nhóm lợi ích. Hậu quả là người nông dân chưa thể làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, khó làm ăn theo quy mô lớn, chất lượng sản phẩm không đồng đều, lợi nhuận thu được thấp, thiếu tính ổn định. Để giải quyết những bất cập này, nhất định Nhà nước phải giữ vai trò “nhạc trưởng”, điều tiết các mối quan hệ. Tôi lấy ví dụ, hiện nay số doanh nghiệp đầu tư vào khu vực ngoại thành là rất thấp, không đạt nổi 10%, trong khi đó chúng ta luôn nhận định rằng sản xuất nông nghiệp chính là “trụ đỡ” giúp cho nền kinh tế đất nước tránh được “vòng xoáy” của suy thoái và khủng hoảng tài chính. Thực trạng bất cập trên khiến chúng ta phải suy nghĩ, đánh giá về những cơ chế chính sách hiện đang áp dụng. Rõ ràng là chưa có “lực hấp dẫn” đối với các doanh nghiệp, các nhà khoa học, trong khi đầu tư vào lĩnh vực này dù là chất xám hay nguồn lực tài chính thì mức độ rủi ro khá cao. Đây là những vấn đề người nông dân không thể tự tháo gỡ.

- Cảm ơn ông về những vấn đề trao đổi xung quanh việc xây dựng NTM hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có sự thay đổi căn bản về tư duy, phương thức và mô hình sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.