Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò của MTTQ các cấp

Nguyên Hoa - Thái Sơn| 14/09/2014 06:09

(HNM) - Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-9.



Nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ Việt Nam và MTTQ các cấp đã làm tốt chức năng của mình là đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... Trước thềm đại hội, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xung quanh công tác chuẩn bị cho đại hội cũng như những điểm nhấn mà MTTQ Việt Nam các cấp cần hướng đến trong nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Vị thế mới của MTTQ các cấp

- Xin Chủ tịch đánh giá khái quát những kết quả tiêu biểu của MTTQ các cấp trong nhiệm kỳ 2009-2014?

- Bằng việc thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của MTTQ các cấp đã được khẳng định rõ nét, thực sự là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền và nhân dân. Nhiệm kỳ vừa qua, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội...

Từ khi phát động đến nay, “Quỹ Vì người nghèo” 4 cấp trong cả nước đã vận động được hơn 8.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 1,4 triệu căn nhà cho hộ nghèo. Từ năm 2009 đến 2013, Mặt trận các cấp đã vận động thực hiện các chương trình an sinh xã hội được trên 32.000 tỷ đồng; đồng thời chủ trì các hoạt động cứu trợ, trực tiếp vận động và phân bổ trên 665 tỷ đồng, tiếp nhận nhiều hàng hóa, hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng. Thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến cuối năm 2013, cả nước đã có 17.168.976 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 60%; 67.258/105.429 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 63,79%, trên 67.000 khu dân cư tiêu biểu, hàng vạn cá nhân điển hình được biểu dương, tôn vinh, tạo sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ trong xã hội.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã tiến hành 131.438 cuộc giám sát, 205.809 cuộc thanh tra nhân dân, qua đó chính quyền cơ sở đã xử lý 86.865 vụ việc sai phạm, góp phần làm minh bạch công tác quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và các công trình, dự án đầu tư của cộng đồng, phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí…

- Ðến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) được tiến hành như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Đại hội lần này thể hiện tinh thần đổi mới, tổng kết kết quả nhiệm kỳ 5 năm, hướng tới những yêu cầu mà Hiến pháp năm 2013 đã xác định cho MTTQ Việt Nam cũng như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt ra. Đại hội nêu cao quyết tâm: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ lần thứ VIII, từ cuối năm 2013 các cơ sở đã tiến hành chuẩn bị và từ quý IV-2013 đến hết tháng 7-2014 đã hoàn thành đại hội cả 3 cấp của 63 địa phương trong cả nước (gồm xã, phường; quận, huyện; tỉnh, thành phố). Đại hội MTTQ các cấp đã đạt được 3 tiêu chí: Thứ nhất, bảo đảm được tiến độ hoàn thành, nội dung thảo luận sâu sắc và có nhiều đổi mới. Thứ hai, thành phần lãnh đạo Mặt trận các cấp so với nhiệm kỳ trước đều tăng thêm. Thứ ba, tuổi bình quân của Ban MTTQ các cấp trẻ hơn nhiệm kỳ trước. Cũng xin nói thêm, ở cấp xã, 90% chủ tịch MTTQ tham gia cấp ủy; ở cấp huyện, cấp tỉnh là 100%; trong đó tham gia thường vụ ở cấp huyện là 58%, cấp tỉnh là trên 60%. Tỷ lệ người dân không phải là đảng viên tham gia Mặt trận cũng tăng hơn trước.

Song song với việc tổ chức đại hội ở cấp tỉnh, Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam các khóa, cán bộ lão thành cách mạng, các chuyên gia về chương trình công tác Mặt trận nhiệm kỳ mới cũng như việc sửa đổi điều lệ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã công khai dự thảo báo cáo chính trị trên các cơ quan công luận để làm cơ sở tiếp thu các ý kiến của nhân dân. Sau ngày 5-9, chúng tôi đã tập hợp toàn bộ các ý kiến đóng góp, hoàn thành văn bản cuối cùng.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

- Bước vào chuẩn bị đại hội, báo cáo chính trị thường có hai vấn đề được tập trung thảo luận đó là chủ đề và tiêu đề đại hội. Chủ tịch có thể thông tin thêm về những nội dung này?

- Chủ đề của lần đại hội này là “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển”. Tiêu đề của đại hội là “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hạnh phúc”.

- Như vậy, chủ đề và tiêu đề của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đều tập trung vào phát huy tinh thần đoàn kết. Vậy, chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ tới như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Chúng tôi xác định được 5 chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ tới với những tiêu chí vừa phản ánh chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, vừa phản ánh đòi hỏi của cuộc sống hiện nay. Một là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai là, phát huy tinh thần sáng tạo, sự tự quản của nhân dân để thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Ba là, phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Bốn là, mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường hữu nghị hợp tác quốc tế. Năm là, hoàn thiện cơ chế hoạt động của MTTQ Việt Nam, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của MTTQ Việt Nam.

5 chương trình này vừa kế tục những thành tựu thời gian vừa qua, đồng thời phản ánh yêu cầu và mong muốn của nhân dân và các đoàn thể trong thời gian tới.

- Điều lệ MTTQ Việt Nam được sửa đổi có gì mới, thưa Chủ tịch?

- Điều lệ lần này chúng tôi sửa không nhiều lắm nhưng có 3 vấn đề rất đáng quan tâm. Thứ nhất là trong phần mở đầu đã thể hiện rõ hơn chức năng của Mặt trận, đó là đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh thông qua giám sát, phản biện. Đó chính là thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Thứ hai là về nhiệm vụ giám sát, phản biện bởi đây là nội dung mới. Thứ ba, trong điều lệ sửa đổi, đây là lần đầu tiên quy định rõ quyền và trách nhiệm của thành viên Mặt trận bao gồm thành viên là tổ chức và thành viên cá nhân. Như vậy, với việc bổ sung một số điều theo 3 hướng này đã làm cho tầm của điều lệ ngang bằng với sự phát triển của đất nước hiện nay và bổ sung thêm những vấn đề trước đây còn hạn chế nhằm phát huy tốt nhất đóng góp của các thành viên trong công tác Mặt trận.

Chú trọng công tác cán bộ

- Thưa Chủ tịch, đề án nhân sự là khâu quan trọng được nhiều người quan tâm. Đề nghị Chủ tịch cho biết, đề án nhân sự của Ủy ban MTTQ Việt Nam khóa VIII có điểm gì mới so với nhiệm kỳ trước?

- Nhân sự của Mặt trận khóa này dự kiến có 385 ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tăng 30 người so với trước, trong đó tập trung tăng những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp nông dân, công nhân, người hoạt động khoa học và đại diện vùng biển đảo, tiểu thương ở hai miền đất nước. Bên cạnh đó tỷ lệ người không phải là đảng viên đạt trên 50%.

- Việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Mặt trận. Xin Chủ tịch cho biết, chủ trương này được thể hiện như thế nào trong đề án nhân sự khóa tới?

- Tất cả các tổ chức ở trong nước không có đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhưng riêng Mặt trận thì có. MTTQ từ các khóa trước đã có đại biểu thuộc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khóa này tiếp tục duy trì và dự kiến số lượng còn tăng thêm. Phải khẳng định rằng, trên 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Không chỉ Đảng và Nhà nước có chủ trương dành cho bà con Việt kiều mà MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và người dân luôn luôn mong mỏi những người con Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hướng về quê hương, MTTQ Việt Nam sẵn sàng làm “sợi dây” gắn kết bà con với quê hương để bà con luôn biết được rằng, Việt Nam là quê hương của mình. Tôi cũng xin khẳng định, trên khắp đất nước Việt Nam, ở đâu có Mặt trận ở đó chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, phối hợp cùng bà con ở nước ngoài để góp phần làm cho cuộc sống của bà con tốt hơn cũng như giúp bà con có điều kiện giúp cho sự phát triển của đất nước ngày càng hiệu quả.

Tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện

- Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, ngày 12-12-2013). Xin Chủ tịch cho biết, nhiệm vụ này được đề cập như thế nào trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình Đại hội khóa VIII?

- Theo cách nói thông thường, giám sát là kiểm tra việc thực hiện những chính sách, đường lối hiện nay như thế nào. Nói đến phản biện là nói đến sự đóng góp, xây dựng những chủ trương, chính sách mới, được triển khai trong tương lai. Lâu nay công tác giám sát, phản biện chưa đạt được đến mức độ như mong muốn. Chính vì vậy, tháng 12-2013, Bộ Chính trị đã ban hành quy chế về tổ chức thực hiện giám sát phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội cũng như quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, nhân dân tham gia xây dựng chính quyền và xây dựng Đảng. Đây là điểm thuận lợi để MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện được tốt hơn.

- Như vậy, MTTQ Việt Nam đã có được điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát và phản biện. Vậy MTTQ đã cùng các tổ chức thành viên hiện thực hóa “cơ chế” đó như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng chỉ đạo MTTQ Việt Nam cùng Bộ LĐ-TB&XH tổ chức việc tổng rà soát thực hiện chính sách người có công - một việc làm mà từ năm 1954 đến nay chúng ta chưa làm được vì mất rất nhiều sức lực, bản thân bộ máy nhà nước không đủ người làm. Dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội CCB, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội Nạn nhân chất độc da cam... chúng tôi đang tiến hành rà soát tất cả những người có công thuộc 7 nhóm đối tượng để bảo đảm người có công được hưởng đúng và đủ chính sách. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp ký kết chương trình giám sát thực hiện chất lượng đầu vào của ngành nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, giống cây con, thuốc bảo vệ thực vật… để người nông dân không còn cảnh phải bỏ tiền ra mua những sản phẩm không đủ chất lượng gây lãng phí, thiệt hại. Bên cạnh đó, thời gian qua, MTTQ Việt Nam còn ký kết chương trình giám sát với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho công nhân...

- Thưa Chủ tịch, thời gian tới MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ phát huy vai trò của mình như thế nào để thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội?

- Hiến pháp năm 2013 quy định, Mặt trận có chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong phương châm công tác, Mặt trận phải lắng nghe nhân dân, lắng nghe rồi phải truyền đạt đến những địa chỉ cần thiết để các cấp lãnh đạo có thể tiếp nhận những thông tin đó và theo dõi việc trả lời.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa rồi, MTTQ Việt Nam có báo cáo về tình hình, dư luận xã hội trước Quốc hội, trong đó đề cập đến 6 vấn đề lớn được nhân dân cả nước quan tâm. Sau đó, trong vòng hai tuần, 9 bộ, ngành của trung ương có văn bản phản hồi cho Mặt trận, nêu rõ kế hoạch sẽ triển khai trên các lĩnh vực đã được đề cập. Việc các bộ trưởng chủ động phản hồi trở lại là một tín hiệu rất tốt, hình thành một cơ chế đối thoại, khi Mặt trận có ý kiến, các bộ có phản hồi. Đây sẽ là động lực, tiền đề để MTTQ Việt Nam và các thành viên thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch đã dành thời gian trao đổi!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò của MTTQ các cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.