Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý đất đai, trật tự xây dựng không được làm theo kiểu phong trào

Thái Sơn - Võ Lâm| 21/09/2014 05:51

(HNM) - Quản lý đất đai, trật tự xây dựng luôn là câu chuyện nóng tại những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao như TP Hà Nội. Là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũ, nay là Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Văn Tứ đã vận dụng những biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường công tác quản lý...

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ.


Vào cuộc quyết liệt, không hình thức

- Từ Liêm trước đây là một huyện ngoại thành và giờ là hai quận mới, song với vị trí địa lý đặc biệt nên có giá trị đất đai và nhà ở rất cao, hơn hẳn nhiều nơi trong thành phố. Ông có cho rằng, đây là nguyên nhân khiến tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn luôn nóng?

- Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng phê duyệt, huyện Từ Liêm cũ - hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm hiện nay - nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô. Đây là khu vực được Trung ương và thành phố tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khung hiện đại. Và cũng hiếm có nơi nào đô thị hóa với tốc độ nhanh như vậy. Có thể nói, những năm qua, đây là địa bàn lý tưởng về vị trí, kết cấu hạ tầng, là nơi biểu hiện rõ nhất cho tốc độ đô thị hóa và một thị trường bất động sản sôi động. Đây là mặt tích cực nhưng ở phía sau, những vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn hết sức nóng bỏng. Cùng với đó, như trước đây, cơ chế quản lý của chính quyền nông thôn, trình độ cán bộ cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng trên trở nên phức tạp.

- Vào thời điểm cuối năm 2013 đã xuất hiện những cảnh báo về tình trạng lợi dụng chuyện chia tách địa giới hành chính ở địa phương để lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Lúc đó, quan điểm của lãnh đạo huyện Từ Liêm về việc này ra sao?

- Như đã thành tiền lệ, khi chia tách địa giới hành chính, từ trong điều hành, quản lý của chính quyền thường có những yếu tố mà hệ quả dẫn tới buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Các cá nhân, tổ chức muốn vi phạm cũng coi đây là thời kỳ vàng để thực hiện việc đó. Vào thời kỳ huyện Từ Liêm chuẩn bị chia tách thành hai quận, không ít người muốn vi phạm, thậm chí làm mọi cách để vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Nhận thức rõ về thực tế này, chúng tôi luôn xác định, công việc hàng đầu là quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Nếu làm được việc này thì các việc khác mới suôn sẻ.

- Vậy công việc nêu trên đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Ngay từ tháng 11-2013, cùng thời điểm Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chia tách địa giới huyện Từ Liêm, UBND huyện đã báo cáo Huyện ủy để ra nghị quyết chuyên đề về tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong giai đoạn thực hiện các chủ trương chia tách địa giới hành chính địa phương thành hai quận. Đây là bài học kinh nghiệm đầu tiên mà chúng tôi rút ra. Đó là việc quản lý đất đai, trật tự trong giai đoạn nhạy cảm như thế là vấn đề lớn, quan trọng và rất khó nên phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy Đảng để các cấp, các ngành đều phải có trách nhiệm, quyết liệt vào cuộc.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là việc tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi đã tiến hành đánh giá lại công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó triển khai những biện pháp, cách làm mới sát với thực tế. Điểm khác biệt nữa là chúng tôi thành lập tổ công tác liên ngành, tuy nhiên cách thức tổ chức hoạt động có nhiều điểm mới, rõ ràng về trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt việc giao ban hằng ngày, hằng tuần, đánh giá những việc làm được, những vấn đề còn tồn tại để có biện pháp tháo gỡ.

Đã làm, phải làm đến cùng

- Xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng là một quá trình phức tạp bắt đầu từ khâu phát hiện. Huyện Từ Liêm trước kia và quận Nam Từ Liêm hiện nay có phát hiện được hết các vi phạm không thưa ông?

- Trong 5 tháng là khoảng liên quan đến chia tách địa giới huyện Từ Liêm (từ tháng 11-2013 đến tháng 4-2014), về cơ bản tất cả các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn đều được phát hiện kịp thời. Bài học đổi mới trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng trước, trong và sau khi chia tách địa giới hành chính huyện Từ Liêm là chúng tôi đặt ra các chỉ tiêu cụ thể.

Chỉ tiêu đầu tiên là 100% các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng đều phải được phát hiện trong vòng 24 giờ. Thực tế cho thấy, các vi phạm không được phát hiện kịp thời chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến phức tạp trong xử lý. Tuy nhiên vấn đề là giao trách nhiệm cho ai? Thứ nhất, tổ công tác liên ngành có 50 người, chúng tôi chia thành các nhóm, mỗi nhóm phụ trách một phường. Thứ hai là giao cho chính quyền UBND xã, chủ tịch UBND xã phải có trách nhiệm phát hiện mọi vi phạm xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi thực hiện nguyên tắc báo cáo số liệu hằng ngày. Riêng về đất đai, trật tự xây dựng, kinh nghiệm của chúng tôi là chờ một tuần hay một tháng mới có báo cáo thì đã muộn. Nhiều khi đối tượng vi phạm rất “chuyên nghiệp” và quyết liệt, từng ấy thời gian thì vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, có khi người ta đã xây xong cả cái nhà rồi, rất khó xử lý. Vậy nên chúng tôi quy định, 17h hằng ngày, Chủ tịch UBND xã phải có báo cáo gửi huyện về lĩnh vực này. Cùng thời điểm đó thì nhóm liên ngành cũng phải báo cáo. Tổ trưởng tổ liên ngành là Phó Chủ tịch UBND huyện, là người chính thức khớp số liệu, báo cáo Chủ tịch UBND huyện. Đúng là hiếm có việc gì chúng tôi yêu cầu báo cáo từng ngày mà lại là số liệu đối soát chéo như vậy.

- Thưa ông, có khi nào xảy ra hiện tượng báo cáo không đúng sự thật?


- Chúng tôi phát hiện ra không ít vụ vẫn báo cáo theo lối cũ. Với các trường hợp này chúng tôi phê bình ngay và phê bình quyết liệt. Sau dần dần thành nếp, các số liệu báo cáo hằng ngày có độ chính xác rất cao.

- Nhưng nếu tổ công tác liên ngành “hợp tác” với lãnh đạo cơ sở để cùng báo cáo... không chính xác thì sao?

- Đúng là chúng tôi cũng lo các nhóm trưởng kết thân với chủ tịch UBND xã để “bịt mắt” lãnh đạo cấp trên, do đó hằng tháng luôn phải đảo vị trí, địa bàn của các nhóm công tác.

- Nghe nói bản thân ông cũng nhiều lần “vi hành” đi kiểm tra thực tế tại cơ sở?

- Tôi và các đồng chí cán bộ UBND huyện thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các xã, không báo trước. Có trường hợp đứng ngay trước địa điểm vi phạm rồi mời chủ tịch UBND xã ra nói chuyện. Có lần thì dùng ảnh chụp được tại nơi vi phạm in ra đính kèm công văn gửi cơ sở yêu cầu xử lý. Làm như vậy mới có tác dụng tích cực.

- Chỉ tiêu phát hiện vi phạm là rất quan trọng, nhưng đây là khâu ban đầu. Xử lý vi phạm để trả lại nguyên trạng mới là đích đến. Huyện Từ Liêm trước đây và quận Nam Từ Liêm hiện nay đã xử lý các vụ việc được phát hiện như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi nhận thức phát hiện các vi phạm mới là sự khởi đầu. Do đó, chỉ tiêu thứ hai được chúng tôi đề ra là lập hồ sơ 100% vụ việc được phát hiện. Cái yếu trong quản lý đất đai là phát hiện nhưng không lập hồ sơ. Phát hiện mà không lập hồ sơ xử lý chẳng khác nào phát hiện ra tội phạm mà không bắt giữ nên sau này không có căn cứ để xử lý. Chúng tôi cũng xác định, đã lập hồ sơ là phải đúng. Lập hồ sơ không chuẩn sẽ dễ dẫn đến khiếu tố, khiếu nại, thậm chí bị người dân kiện ra tòa theo luật pháp, rất mất uy tín.

Chỉ tiêu thứ ba là đã lập hồ sơ thì phải xử lý dứt điểm. Xử lý có hai cấp độ là xử phạt hành chính và cưỡng chế. Đây là chỉ tiêu thứ ba nhưng là chỉ tiêu quan trọng nhất vì chỉ khi thực hiện chỉ tiêu này chúng ta mới đạt được kết quả quản lý, mới giữ được kỷ cương, phép nước. Làm tốt điều này thì xử lý một vụ việc cụ thể mới có tác dụng răn đe những vi phạm tương tự có nguy cơ xảy ra. Nó còn giải quyết được một câu chuyện thật xảy ra ở nhiều nơi là lập hồ sơ nhưng không xử lý, thậm chí ra quyết định xử phạt hành chính nhưng không xử phạt, hay ra quyết định xử phạt hành chính nhưng không ra quyết định cưỡng chế. Trong thực tế, gần như toàn bộ tất cả những vụ chúng tôi phát hiện đều được xử lý. Cụ thể, từ ngày 6-12-2013 đến ngày 1-4-2014 đã phát hiện 460 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Đến 1-4-2014, đã xử lý 430 trường hợp, chuyển 30 trường hợp sau 1-4-2014 tiếp tục xử lý. Từ 1-4-2014 đến nay, quận Nam Từ Liêm đã phát hiện 203 trường hợp vi phạm, đến nay đã xử lý xong 174 trường hợp, còn 29 trường hợp đã lập hồ sơ đang trong quá trình xử lý do các bước đều phải có thời hạn theo quy trình.

Có câu chuyện là một công dân ăn trộm vài triệu đồng bị xử lý hình sự, nhưng một công dân lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất, trị giá hàng tỷ đồng thì lại chỉ bị xử lý hành chính. Chúng tôi rất muốn quy định pháp luật coi lấn chiếm đất đai của Nhà nước là hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước. Nếu quy định như thế tôi tin chắc chắn rằng vi phạm đất đai sẽ giảm rất nhiều.

Thực hiện cần kiên trì, bền bỉ

- Xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng luôn đụng chạm đến lợi ích của cá nhân, tập thể, thậm chí là lợi ích rất lớn. Vì vậy chắc ông đã từng bị đe dọa?


- Thực sự là tôi đã từng ở trong hoàn cảnh như vậy. Bây giờ nhìn lại, tôi cho rằng, quan trọng là mình phải công bằng, không được “dính” vào quan hệ vụ lợi. Tôi nghĩ, thực ra kể cả đối tượng vi phạm bị mình xử lý, nếu được đối xử công bằng như tất cả các đối tượng khác trên cơ sở pháp luật, thì họ cũng không ghét bỏ mình được. Người ta chỉ quyết liệt chống đối khi mình không công bằng, nương nhẹ với người quen, họ hàng còn bên ngoài thì làm đến cùng.

- Huyện Từ Liêm trước đây từng kỷ luật một số cán bộ có sai phạm trong quá trình thực hiện chủ trương tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Ông đã vượt qua áp lực này như thế nào?

- Tôi nghĩ đã xử lý vi phạm thì phải công bằng, người dân vi phạm mình xử lý, cán bộ vi phạm càng không thể không xử lý. Để làm tốt việc lớn, việc khó, trước tiên trong nội bộ phải chấp nhận đấu tranh, khen chê phải rất rõ ràng.

- Bài học kinh nghiệm nào ông cảm thấy tâm đắc trong quá trình tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng?

- Trong tư tưởng quản lý nhà nước của cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở vẫn có câu chuyện “nặng tình, nhẹ lý”. Tôi còn nhớ trước khi chia tách, có xã “nổi tiếng” về vi phạm đất đai do cán bộ địa phương đều có họ hàng với đối tượng vi phạm. Sau khi xử lý kỷ luật, luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở thì tất cả các vụ vi phạm đều được phát hiện, xử lý kịp thời. Địa bàn vốn trước là điểm nóng, nay thành điểm sáng...

- Hiện nay, nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng của quận Nam Từ Liêm được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Từ khi huyện chuyển lên quận, chúng tôi đã có cơ chế chuyển tiếp một cách ổn định để duy trì năng lực quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Một trong những quyết định tôi ký ngày đầu tiên khi thành lập quận (1-4-2014) là tái lập Tổ công tác liên ngành về quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Chúng tôi xác định, công việc này không được làm theo phong trào, phải rất kiên trì, bền bỉ. Đối tượng luôn chờ sự quản lý lơi lỏng để vi phạm. Có đối tượng cưỡng chế lần hai, lần ba, một thời gian sau họ lại vi phạm. Nguyên nhân là do lợi ích vật chất từ những vi phạm trong lĩnh vực này mang lại là không nhỏ. Theo tôi nguồn lực nhà nước lớn nhất là về đất đai. Nếu không giữ được đất đai thì sẽ đánh mất nguồn lực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, do đó phải làm tốt nhiệm vụ này.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý đất đai, trật tự xây dựng không được làm theo kiểu phong trào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.