Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăng Long - Hà Nội, thành phố “Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị”

Thái Sơn - Bình Yên| 12/10/2014 06:02

(HNM) - Hôm nay 12-10, trong không khí hào hùng của mùa thu cách mạng, TP Hà Nội trọng thể tổ chức "Ngày hội văn hóa hòa bình" - sự kiện có ý nghĩa thiết thực chào mừng 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình" và kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.



"Thành phố vì hòa bình" là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu về giá trị chân chính của hòa bình đối với quá trình vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Hà Nội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô cũng như gửi gắm niềm tin, hy vọng vào sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.

Nhân sự kiện này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Đào Văn Bình về ý nghĩa cũng như những việc cần phải làm để phát huy danh hiệu cao quý này trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ông Đào Văn Bình.


Tôn vinh giá trị chân chính của hòa bình

- Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử và truyền thống, địa danh tiêu biểu, biểu trưng về “Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị”, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Với những thành tựu to lớn đạt được trong quá trình phát triển, dựng nước và giữ nước, Thủ đô Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”. Đặc biệt, năm 1999, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” - thành phố duy nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này. Xin ông cho biết rõ hơn, căn cứ vào những tiêu chí nào hay nói cách khác, Hà Nội đã đáp ứng những tiêu chí nào của UNESCO để được trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”?

- Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn với vận mệnh của đất nước và dân tộc, Thăng Long - Hà Nội luôn là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương, là nơi lắng hồn núi sông, nơi kết tinh, tỏa sáng và lan rộng tinh hoa và sức mạnh của nền văn minh - văn hiến Việt Nam. Với những truyền thống tốt đẹp được xây dựng, vun đắp và bảo vệ qua hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt đã được phát huy mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trải dài trong nhiều thế kỷ, ngày 16-7-1999, tại thành phố La Paz (Bolivia), Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Việc UNESCO quyết định trao tặng danh hiệu này, vì Hà Nội của chúng ta đã đáp ứng được 4 tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; thúc đẩy văn hóa - giáo dục, chăm lo giáo dục công dân, thế hệ trẻ; và giữ gìn môi trường sống.

Ngược dòng lịch sử, Thăng Long - Hà Nội với vị thế, vai trò của mình đã chứng kiến nhiều sự kiện mang ý nghĩa thời đại, ý nghĩa quốc tế. Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông không chỉ có ý nghĩa đối với độc lập, tự do của Việt Nam mà còn là chiến thắng góp phần chặn đứng tham vọng của một đế quốc hùng mạnh, tàn bạo bậc nhất lúc bấy giờ trên phạm vi khu vực và thế giới. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” không chỉ mang lại hòa bình cho Việt Nam mà còn khẳng định chân lý tiến bộ về sức mạnh tất thắng của chính nghĩa, sức mạnh vô địch của hòa bình so với chiến tranh phi nghĩa... Thăng Long - Hà Nội được nhân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới biết đến là vùng đất địa linh, nhân kiệt, các thế hệ nối tiếp nhau luôn nuôi dưỡng trong trái tim mình dòng máu yêu hòa bình. Chính vì có truyền thống yêu hòa bình sâu sắc đó đã giúp cho Thăng Long - Hà Nội đứng vững trước mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, hiên ngang trước mọi thử thách lịch sử. Để đến một ngày cả thế giới hiểu rằng Hà Nội thực sự là một thành phố vì hòa bình không chỉ đơn giản là người Hà Nội yêu quý bạn bè, mở rộng vòng tay với tất cả các quốc gia trên thế giới, mà ngay trong gian khổ hy sinh, người Hà Nội vẫn nén đau thương, anh dũng vì hòa bình của chính mình, đồng thời cũng là vì hòa bình của các dân tộc khác mà sống, chiến đấu, lao động, dựng xây đất nước hòa bình. Việc UNESCO công nhận Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” chính là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu về giá trị chân chính của hòa bình đối với quá trình vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Hà Nội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô cũng như gửi gắm niềm tin, hy vọng vào sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Đồng thời, đây cũng là giá trị và nguyện vọng chính đáng của nhân loại về sức sống, phẩm giá của con người về một nền hòa bình lâu dài và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Ngôi nhà bền vững của cư dân

- Trong bất kỳ thời đại nào, hòa bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và là điều kiện căn bản phát triển bền vững. Vậy, trong suốt 15 năm qua, chúng ta đã làm được những gì để xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, thưa ông?

- Mười lăm năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và không ngừng nỗ lực vươn lên, giành được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, hội nhập và đối ngoại… Trên nền tảng truyền thống tốt đẹp được giữ gìn qua các chặng đường lịch sử, sự ghi nhận và mong muốn của bạn bè quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới, Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là “trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và đầu mối giao dịch quốc tế”. Chúng ta đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức tăng trung bình của cả nước, GDP chiếm 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tích cực; nhiều dự án, công trình giao thông, chỉnh trang đô thị được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người cao nhất cả nước, có quy mô lớn hàng đầu về giáo dục - đào tạo… Là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Nội luôn chú trọng làm tốt công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cơ quan và hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các sự kiện chính trị, văn hóa lớn diễn ra ở Thủ đô. Hà Nội luôn là Thủ đô bình yên, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách và các nhà đầu tư quốc tế. Quan hệ, mối liên kết với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng và tăng cường. Hiện nay, Thủ đô Hà Nội có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 100 thủ đô và thành phố của hơn 50 nước, vùng lãnh thổ, tham gia với trách nhiệm cao tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng, qua đó không ngừng nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trong cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu.

- Có người từng nói: “Nếu bạn có một nơi để sống, đó là nhà. Nếu bạn có người để yêu, họ là gia đình. Và nếu bạn có cả hai, đó là một sự may mắn”. Theo ông, liệu có thể khẳng định, Hà Nội của chúng ta đã và đang mang lại sự may mắn, một ngôi nhà bền vững cho những cư dân sinh sống, học tập, công tác, làm việc tại Thủ đô?

- Tăng cường gắn kết xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân thành phố và phát triển đô thị thân thiện thực sự chính là một trong yếu tố quyết định đem lại cho Hà Nội vinh dự được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Là một Thành phố hòa bình, một thành phố của đối thoại liên văn hóa, Hà Nội chứng tỏ xứng đáng với danh hiệu của mình bằng việc tạo ra ngôi nhà bền vững cho tất cả cư dân và du khách của thành phố này. Bất kể là người Hà Nội, người Việt Nam di cư từ các tỉnh khác tới, hay người nước ngoài, mọi người đều được hưởng sự an bình, thưởng thức vẻ đẹp, sự sôi động của thành phố thân yêu này.

Một người bạn nước ngoài của tôi sau một thời gian đến Hà Nội nhận công tác đã có nhận xét rằng: “Phong phú về văn hóa, Hà Nội độc đáo, đầy màu sắc, năng động và nhộn nhịp - một thành phố tấp nập mà bạn không khỏi nhớ nhung khi bạn đi bất cứ đâu. Thành phố có khả năng hòa nhập cái cũ với cái mới, truyền thống với hiện đại. Xen giữa những tòa nhà chọc trời và các khu kinh doanh buôn bán là những người phụ nữ bán hoa trên những chiếc xe đạp của mình và những quán ăn đường phố thu hút cả những người đang vội vã lẫn những ai đang tận hưởng một ngày của họ, thưởng thức bát phở đang bốc hơi nghi ngút, cái thú vui ẩm thực tiếp thêm năng lượng và kích thích các giác quan”. Đó là những điều mà chúng ta rất đáng tự hào về những thành quả mà chúng ta đã nỗ lực thực hiện trong suốt 15 năm qua. Đặc biệt, Hà Nội ngày nay đã là một trong những thành phố lớn trên thế giới, rộng về đất đai, đông về dân số, đa dạng về màu sắc văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc… Nhiều lễ hội lớn được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn bè quốc tế, qua đó giúp các bạn hiểu thêm và yêu mến Việt Nam, yêu mến Thủ đô Hà Nội - điểm đến thanh bình, thân thiện và hấp dẫn với mọi người.

Bên cạnh đó, cùng với sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và các nhà ngoại giao, các tổ chức quốc tế, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa hòa bình mang lại hiệu quả thiết thực như: Năm văn hóa hòa bình; Hội nghị Phụ nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình và phát triển. Hà Nội cũng đã được UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân loại. Chúng ta đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010… cùng nhiều sự kiện trọng đại khác. Đó là những minh chứng hùng hồn khẳng định TP Hà Nội vẫn luôn là xứ sở của hòa bình, thành phố xanh - sạch - đẹp với người dân thân thiện, hào hoa và thanh lịch.

Để danh hiệu luôn tỏa sáng

- Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quá trình đô thị hóa, tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường đang kéo theo nhiều vấn đề về đô thị gây bức xúc cho thành phố. Làm thế nào để duy trì, phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” trong quá trình hội nhập quốc tế là điều mà nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đang đòi hỏi và kỳ vọng ở chúng ta. Ông có nghĩ như vậy không?

- Đòi hỏi, mong đợi của nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế đó cũng là vấn đề mà cấp ủy chính quyền và nhân dân Thủ đô xác định rõ, cần tập trung làm thật tốt. Trước hết, để tiếp tục duy trì và phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, việc cần làm là tăng cường tuyên truyền để người dân của Thủ đô nhận thức sâu sắc, từ đó có ý thức xây dựng Thủ đô tiếp tục duy trì những tiêu chí đã đạt được. Để TP Hà Nội luôn là một Thành phố vì hòa bình thì cần có những giải pháp và hành động thiết thực đến từ toàn xã hội, để bảo đảm phát huy từng yêu cầu, từng tiêu chí. Chẳng hạn như cần tiếp tục thực hiện tốt tiêu chí đầu tiên của một Thành phố vì hòa bình là sự bình đẳng trong cộng đồng. Tức là thành phố phải quản lý tốt dân cư, có những chính sách kịp thời thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và vùng nông thôn. Chúng ta cũng phải thực hiện tốt việc xây dựng đô thị theo quy hoạch đã đươc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đô thị “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng của người dân và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Việc xây dựng phải đi đôi với bảo vệ giữ gìn môi trường sống, thực hiện tốt tiêu chí về văn hóa giáo dục. Chúng ta tiếp tục cần làm tốt hơn nữa việc chăm lo giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Và một tiêu chí vô cùng quan trọng nữa của một Thành phố vì hòa bình là chăm lo phát triển giáo dục công dân - thế hệ trẻ sẽ được thành phố tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt.

Với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, TP Hà Nội cam kết với cộng đồng quốc tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ luôn phấn đấu vì hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bác ái để xứng đáng với danh hiệu mà cộng đồng quốc tế đã trao tặng; và để danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” luôn tỏa sáng.

- Với cương vị là Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội, xin ông cho biết liên hiệp sẽ có những hoạt động gì để cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”?

- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội thường xuyên duy trì tốt các hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, tạo sự thân thiện và cởi mở với các tổ chức nước ngoài. Liên hiệp luôn giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động hòa bình, hữu nghị; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố, với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam… tổ chức và tuyên truyền nhiều hoạt động góp phần tích cực trong việc tăng cường và mở rộng công tác đối ngoại nhân dân ở Thủ đô. Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa của liên hiệp đã tạo điều kiện để bạn bè quốc tế thêm hiểu biết về di tích, danh lam thắng cảnh, văn hóa, con người Hà Nội, góp phần tăng tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Thủ đô Hà Nội với bạn bè quốc tế. Năm 2014, kỷ niệm 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, liên hiệp đã phối hợp với Ủy ban Hòa bình thành phố tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thi tìm hiểu “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”; Triển lãm 15 năm Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 15 năm hội nhập và phát triển”… Trong thời gian tới, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội sẽ nỗ lực nâng cao công tác tuyên truyền, tăng cường thông qua các hoạt động hòa bình, hữu nghị, đưa hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình trở nên gần gũi hơn với bạn bè quốc tế và cùng chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của Hà Nội, đồng thời tham mưu tốt cho UBND thành phố duy trì, phát huy, phát triển bốn tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” mà Thăng Long - Hà Nội đã đạt được trong những năm tới.

- Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, ông có điều gì muốn gửi gắm?

- Chúng tôi xin gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp về một Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, về con người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch và tài hoa, một Hà Nội năng động đang trên đà phát triển; cùng với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đất nước và con người Việt Nam, trong đó có Hà Nội, sẽ luôn sát cánh, đồng hành trên con đường xây dựng một nền hòa bình trường tồn trên trái đất, nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng. Đây cũng là tiếng gọi của trái tim về tình đoàn kết, lòng nhân ái và khát vọng hòa bình; ý chí quyết tâm hướng tới một tương lai tốt đẹp của nhân loại.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăng Long - Hà Nội, thành phố “Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.