Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ những việc nhỏ

Thanh Bình| 02/11/2014 04:28

(HNM) - Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) với ba nội dung: Phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn Thủ đô.



Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, thông qua những việc làm cụ thể để chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp. Thực tiễn khẳng định, xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc chính là mục tiêu và động lực phát triển bền vững của mỗi địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Lê Đình Hùng đã trao đổi với Báo Hànộimới những kinh nghiệm bước đầu trong triển khai chương trình có ý nghĩa này tại địa phương.

Ông Lê Đình Hùng.


Vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách

- Trong 9 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội thì Chương trình 04-CTr/TU có ý nghĩa rất đặc biệt. Nhiệm vụ của chương trình là xây dựng văn hóa, xây dựng con người, những nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của thành phố. Tại huyện Thanh Trì, chương trình này được tiếp nhận và triển khai như thế nào?

- Với gần 4 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy, đây là chương trình quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ lâu dài, cũng là vấn đề cấp bách tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã cụ thể hóa các nội dung trên thành một trong sáu chương trình công tác trọng điểm của Huyện ủy nhiệm kỳ 2010-2015 với trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại các thôn, xóm; duy trì và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

- Kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực so với yêu cầu đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Vẫn còn có mặt chưa đạt, song đã có sự thay đổi tích cực rất rõ ở các cụm dân cư như: Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng hơn; hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới; các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo khí thế hào hứng, sôi nổi trong đời sống xã hội. Đặc biệt, phong trào quần chúng tập luyện thể dục, thể thao trên địa bàn đạt kết quả đáng khích lệ. Số lượng người tập thể dục đã đạt 43%, số gia đình tập thể dục thường xuyên đạt 32%, vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2015. Thanh Trì tự hào là huyện đã hoàn thành mục tiêu “xóa mù bơi” cho học sinh tiểu học, THCS và hiện tại chúng tôi đã có bể bơi bốn mùa tại Trung tâm TDTT huyện, 14 bể dạy bơi tại các trường học. Đây thực sự là cố gắng rất lớn của địa phương để góp phần phòng, chống đuối nước cho người dân, nhất là các em học sinh. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song Thanh Trì đã tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn trên địa bàn lên 43/64 trường (đạt 67,2%). Tôi nghĩ, đây là tỷ lệ cao so với bình quân chung của toàn thành phố. Hơn nữa, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực phải bắt đầu từ cái gốc đó là phát triển sự nghiệp giáo dục. Vì thế, ngoài tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, chúng tôi đã thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài Chu Văn An và được đông đảo tổ chức, cá nhân ủng hộ. Hiện tại số tiền của quỹ đã lên tới 6 tỷ đồng. Hằng năm, huyện đều trích khen thưởng giáo viên, học sinh xuất sắc khoảng hơn 500 triệu đồng…

- Mỗi địa phương đều căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn mô hình, cách thức triển khai phù hợp. Với huyện Thanh Trì, cụ thể là những mô hình nào?

- Khi triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chúng tôi xây dựng định hướng cụ thể, lựa chọn từng mảng việc để tập trung thực hiện chứ không chạy theo thành tích hay làm đẹp báo cáo bằng những con số khô cứng. Ví dụ như việc tang, từ năm 2012, ngoài chính sách hỗ trợ hỏa táng của thành phố, huyện đã hỗ trợ mỗi ca hỏa táng 2 triệu đồng. Nhờ vậy, hơn 57% đám tang ở Thanh Trì đã tổ chức hỏa táng, tăng hơn 27% so với năm 2010. Muốn người dân xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp ở cộng đồng thì trước hết theo chúng tôi phải quan tâm, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng tôi càng phải quan tâm sát sao nhiệm vụ này. Bằng chứng là huyện đã thực hiện vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 5,5 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa 124 nhà tình nghĩa; dạy nghề cho trên 11.000 lao động, giải quyết việc làm cho 22 người; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,28% năm 2010 xuống còn 1,14% (tính đến tháng 10-2014).

Sáng tạo và tránh khuôn mẫu

- Một trong các mục tiêu của Chương trình 04-CTr/TU là xây dựng mỗi người Hà Nội là một công dân tiêu biểu, một người thanh lịch, văn minh trong cả cách sống và lối ứng xử ngoài xã hội. Theo ông, mục tiêu này có dễ thực hiện?

- Phải khẳng định, mục tiêu của chương trình đề ra là rất tốt và chúng tôi cũng đã cụ thể hóa để thực hiện. Tuy nhiên, để chọn lựa ra khuôn mẫu cụ thể nào đó rồi hướng người dân thực hiện thì tôi cho là khó bền. Nhìn một cách rộng hơn, chúng ta lại càng không thể lấy một gia đình nào đó làm chuẩn để áp cho các gia đình khác trong cộng đồng dân cư làm theo. Như việc lựa chọn, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa thì cũng phải dựa trên cơ sở phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở làng, tổ dân phố, do chính các hộ dân tại địa phương đăng ký rồi lựa chọn, tôn vinh lên chứ không thể giao chỉ tiêu ào ào rồi công nhận để lấy thành tích...

- Qua triển khai Chương trình 04-CTr/TU, ông thấy các mục tiêu đề ra có sát với thực tế?

- Có thể khẳng định, các mục tiêu huyện Thanh Trì xây dựng đều căn cứ vào thực tế của địa phương và được cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh một huyện ngoại thành đang đô thị hóa, với trình độ dân trí cũng như nhận thức chưa đồng đều như các quận nội thành. Thế nào là thanh lịch, văn minh? Đó là câu hỏi mà trong những ngày đầu thực hiện chương trình chúng tôi và cả người dân vẫn còn khá lúng túng. Vừa triển khai, chúng tôi vừa bổ sung nhận thức và rút kinh nghiệm để điều chỉnh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân; khơi gợi tinh thần tự giác của mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân chứ không áp đặt hay xây dựng một khuôn mẫu cụ thể nào. Đến nay “thanh lịch, văn minh” không còn là khái niệm cứng mà nó đã thấm và được bộc lộ tự nhiên trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, nhân dân huyện Thanh Trì.

- Theo ông, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa có mối tương quan, gắn kết với nhau như thế nào?

- Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là cái đích cuối cùng chúng ta hướng đến. Dựa trên cơ sở xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, chúng ta đã hình thành nên được “bộ khung” những chuẩn mực đạo đức, tác phong của một người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Vì vậy, nếu tách riêng thì chúng ta thấy hai đầu việc tưởng như khác nhau, nhưng khi triển khai ở cơ sở chúng lại có mối quan hệ, gắn kết với nhau. Những thành viên trong một gia đình đã đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì họ cũng chính là những người đã gần với chuẩn mực thanh lịch, văn minh.

- Đã có ý kiến cho rằng, Chương trình 04-CTr/TU, đặc biệt là nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chỉ thuận lợi triển khai thực hiện đối với các quận nội thành. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi không cho rằng việc triển khai thực hiện chương trình ở quận nội thành và huyện ngoại thành khó hay dễ khác nhau. Ở đâu cũng vậy, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh là chuẩn mực chung. Cái khó hay dễ nằm ở phương pháp triển khai và xây dựng tiêu chí bình xét phù hợp cho từng khu vực. Khác nhau có chăng chỉ là ở nếp sống đô thị khác với nếp sống cộng đồng ở làng, ở thôn, xóm. Hiện nay, nông thôn Thanh Trì đang đổi mới, tiếp cận nhanh với văn minh đô thị, nhiều hoạt động ở đây không thua kém các quận nội thành, ví dụ như phong trào thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ sở thích... Điều này đã giúp cải thiện rõ nét đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

- Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, rất có thể trong tương lai Thanh Trì sẽ trở thành quận nội thành. Điều này mang lại sự phát triển và diện mạo mới, khang trang, hiện đại cho Thanh Trì nhưng có thể sẽ khiến cho nếp sinh hoạt truyền thống và những nét riêng có trong sinh hoạt cộng đồng bị lu mờ. Ông có nghĩ như vậy?

- Vấn đề bảo tồn nếp sống văn hóa, các sinh hoạt cộng đồng truyền thống được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm bằng việc khôi phục các lễ hội, các điệu múa cổ, múa dân gian, rồi hình thành các câu lạc bộ sở thích: đàn hát dân ca, thơ, dưỡng sinh, thái cực quyền... để duy trì, gắn kết mối quan hệ cộng đồng làng xã thông qua các hình thức hoạt động văn hóa. Và nói gì đi chăng nữa thì số đông người dân ở đây vẫn đang tham gia sản xuất nông nghiệp hoặc làm các dịch vụ liên quan đến nhà nông, tình làng nghĩa xóm vẫn rất sâu nặng, bền vững, vì vậy chúng tôi cũng không quá lo lắng nếp sinh hoạt truyền thống sẽ bị mai một.

Cán bộ phải nêu gương trong thực hiện

- Chúng ta đã nói nhiều đến việc người dân xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện tiêu chí “thanh lịch, văn minh” ra sao, vậy còn yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chính quyền địa phương thì sao, thưa ông?

- Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện Chương trình 04-CTr/TU nói chung và xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử với người dân nơi công sở ở Thanh Trì hiện nay đang đòi hỏi ở mức cao hơn so với triển khai trong các tầng lớp nhân dân. Có các tiêu chí rõ ràng để chấm điểm thi đua và quy định về văn minh công sở. Tại những vị trí công việc thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, chúng tôi cũng lựa chọn, phân công các cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn để có thể giải đáp đầy đủ, có trách nhiệm mọi thắc mắc của người dân mà còn phải là người biết xử lý khéo léo các tình huống phát sinh trong quá trình giao tiếp. Ngoài ra, chúng tôi gắn việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, với chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị”; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là đề cao tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Cùng với đó là việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong hướng dẫn và giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, nếu bản thân cán bộ không cố gắng nâng cao trình độ, không tiến gần tới tiêu chí thanh lịch, văn minh thì hiệu quả công việc sẽ không cao. Dù ở công sở hay ở cấp chính quyền xã, thị trấn hiện nay nếu một mắt xích nào trong hệ thống cán bộ mà hiệu quả công việc không cao thì sẽ ảnh hưởng liên hoàn tới vận hành của cả hệ thống.

- Tại một số địa phương đã xây dựng, triển khai việc tiếp nhận ý kiến đóng góp trực tuyến của người dân, chấm điểm cán bộ... Vậy, huyện Thanh Trì đã làm gì để cải thiện mối giao tiếp ứng xử giữa cán bộ và nhân dân?

- Mô hình góp ý trực tuyến rất hay, nhanh và cũng tiện lợi nhưng chúng tôi chưa thể thực hiện vì còn liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin. Nhưng tại các xã, thị trấn, công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong các bộ phận “một cửa” để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân. Số điện thoại của cán bộ chủ chốt huyện được công khai trên cổng thông tin của huyện. Huyện phân công lãnh đạo, có lịch tiếp dân cụ thể, mọi vấn đề thắc mắc của người dân được giải quyết sớm nhất trong thời gian có thể. Điều này đã giúp Thanh Trì trong những năm gần đây không có khiếu kiện đông người, vượt cấp. Việc xây dựng ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức ngoài các tiêu chí giám sát thì chúng tôi tuyên truyền để mọi cán bộ tự giác thực hiện, từ những việc nhỏ, tạo thành hiệu quả lớn. Đây chính là yếu tố giúp cán bộ huyện Thanh Trì cải thiện mối quan hệ trong giao tiếp ứng xử với người dân.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ những việc nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.