Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động phải hướng về cơ sở, giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp

Thái Sơn - Bình Yên| 09/11/2014 06:23

(HNM) - Được thành lập đúng lúc kinh tế khó khăn, tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước, nhưng bằng những hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, Đảng bộ khối DN Hà Nội đã tạo được sức hút lớn.


- Khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định thành lập Đảng bộ khối Doanh nghiệp Hà Nội, điều đó cũng có nghĩa, Thành ủy kỳ vọng và mong muốn cùng với các đảng bộ cấp trên cơ sở khác, Đảng bộ khối sẽ tham mưu cho Thành ủy thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với khu vực DN. Vậy, sự kỳ vọng đó đến nay có như mong đợi, thưa đồng chí?

- Theo Quyết định số 1177-QĐ/TU ngày 4-8-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng bộ khối DN được thành lập gồm 43 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) (39 đảng bộ và 4 chi bộ cơ sở chủ yếu trong DN nhà nước trực thuộc các đảng bộ quận, huyện trước đây) với 4.525 đảng viên. Là đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội, chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ chúng tôi là tham mưu cho Thành ủy về định hướng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp; đồng thời đề ra các giải pháp đối với chính sách phát triển kinh tế. Những công việc sau khi thành lập được Đảng ủy khối nhanh chóng thực hiện như kiện toàn bộ máy, ban hành quy chế làm việc để lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho doanh nghiệp và người lao động thấy được vai trò của tổ chức Đảng. Và chỉ một năm sau, Đảng bộ khối đã sáp nhập 15 TCCSĐ thành 5 đảng bộ cơ sở cho thống nhất với mô hình quản lý mới của công ty; thành lập mới 10 TCCSĐ; tiếp nhận 21 chi, đảng bộ từ các quận, huyện ủy và như vậy đã phát triển thành 65 TCCSĐ, hơn 5.700 đảng viên. Đây là tiền đề rất quan trọng để chúng tôi tiếp tục mở rộng địa bàn, thu hút, tập hợp và thành lập mới các tổ chức Đảng trong DN tư nhân, ngoài khu vực nhà nước.

Bí thư Đảng bộ khối Doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Việt Xô.


- Với DN nhà nước mọi chuyện thuận lợi hơn rất nhiều so với DN ngoài nhà nước. Bằng chứng là ở thời điểm tháng 6-2011, TP Hà Nội có 117.740 DN ngoài khu vực nhà nước đã được cấp phép hoạt động nhưng chỉ thành lập được 633 tổ chức Đảng với gần 19.000 đảng viên; các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên, Hội phụ nữ cũng rất ít. Vậy, cách làm của Đảng ủy khối như thế nào?

- Chúng tôi ý thức rất rõ thuận lợi và khó khăn của mình, từ đó có những bước đi cụ thể. Một mặt, Thường trực Đảng ủy khối phân công từng ủy viên thường vụ có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển tổ chức Đảng mới. Nhưng điều quan trọng hơn là phải tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng tới DN. Qua 5 năm, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy khối và người đứng đầu cấp ủy phải luôn luôn tâm huyết, sát sao chỉ đạo, gắn với kiểm tra, đôn đốc. Thứ hai là luôn chủ động thực hiện sớm các kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên. Ví dụ như việc quán triệt, triển khai các nghị quyết của TƯ, Thành ủy ngay sau khi tiếp nhận là chúng tôi tổ chức ngay. Do đặc thù của các tổ chức Đảng phân tán, quy mô ít nên Đảng ủy khối đã quyết định tổ chức quán triệt các nghị quyết cho cán bộ chủ chốt đầu tiên, sau đó là tổ chức các lớp cho đảng viên học tập tập trung. Chúng tôi cũng chú trọng mời các báo cáo viên là chuyên viên cao cấp, chuyên gia các lĩnh vực về truyền đạt nên các buổi học tập nghị quyết đã tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn cán bộ, đảng viên. Chính điều này tạo nên sức hút, cán bộ, đảng viên rất hào hứng, tham gia đầy đủ các buổi học tập quán triệt nghị quyết. Thứ ba là, khi cơ sở có vấn đề như mất đoàn kết nội bộ, đơn thư khiếu nại, BTV Đảng ủy khối phân công cán bộ, có khi trực tiếp đồng chí Bí thư Đảng khối xuống giúp cơ sở giải quyết kịp thời. Thứ tư là tổ chức tốt các hoạt động xã hội thu hút doanh nghiệp. Thứ năm là cùng chung sức tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp phát triển. Chính những điều đó là sức hút để DN đến với Đảng ủy khối.

Với những nỗ lực, cố gắng từng bước, rất vui mừng từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy khối đã thu hút được nhiều DN tư nhân, cổ phần, DN của tập đoàn kinh tế khi được thoái vốn 51%. Đến nay, Đảng bộ khối có 127 chi, đảng bộ cơ sở, tăng gấp 3 lần và gần 8.000 đảng viên, gần gấp 2 lần so với khi thành lập.

Chia “lửa” với doanh nghiệp

- Mục tiêu số một của doanh nghiệp chính là làm sao sản xuất, kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng, những tác động của suy thoái kinh tế, những vướng mắc về cơ chế, chính sách cộng với nhiều nguyên nhân khác khiến DN lao đao, không ít DN không trụ vững. Vì vậy, khi có tổ chức nào đó đứng ra giúp họ tháo gỡ khó khăn thì còn gì hơn thế. Tuy nhiên, như đã nói, không có chính quyền đồng cấp, không trực tiếp lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy khối chia “lửa” với DN bằng cách nào?

- Quả thực, suy thoái kinh tế đã tác động lớn đối với DN. Chỉ đơn cử như năm 2012, trong 107 DN có tổ chức Đảng trực thuộc khối lúc đó có gần 50% không đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đề ra, hơn 20% có mức lương bình quân thấp hơn so cùng kỳ năm trước và cũng chừng ấy không có lãi hoặc bị lỗ kéo dài, chưa kể một số DN phải chịu sức ép lớn về tuyển dụng lao động, tiền lương, nợ đọng bảo hiểm, thậm chí có dấu hiệu phá sản. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy khối đã xác định rất rõ phương châm: Sự phát triển bền vững của DN, bảo đảm lợi ích hài hòa là mục tiêu của công tác xây dựng Đảng. Để giúp DN, chúng tôi phân công cán bộ theo dõi, rà soát tình hình khó khăn của DN, sau đó tổ chức hai cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành có biện pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa; về đơn giá thuê đất; lãi suất ngân hàng; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vay vốn ngân hàng; hỗ trợ DN xây dựng nhà ở xã hội... Nhiều kiến nghị của DN đã được UBND thành phố chỉ đạo giải quyết. Nhờ đó, giá trị sản xuất năm 2013 của DN trong khối đạt hơn 22.200 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 52.000 lao động. Năm 2014, ước giá trị sản xuất của các DN tăng 5-10% so với năm 2013.

- Những việc làm của Đảng ủy khối rất đáng trân trọng và thực sự đã hỗ trợ phần nào cho các DN vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay. Nhưng, dường như đó chưa phải là yếu tố đầy đủ để xây dựng nên “thương hiệu” của Đảng ủy khối Doanh nghiệp?

- Ban Thường vụ Đảng ủy khối xác định rõ, ngoài các hoạt động chia sẻ khó khăn với DN bằng các hoạt động nêu trên thì nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên gắn với nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của TCCSĐ. Câu hỏi cần trả lời là, trong các DN ngoài khu vực nhà nước sau khi thành lập tổ chức Đảng có sự khác biệt so với trước không? Người lao động có tin tưởng, đoàn kết gắn bó hơn với chủ DN?… Qua khó khăn cho thấy, ở DN nào, tổ chức Đảng phát huy vai trò lãnh đạo, chủ động điều chỉnh kế hoạch, xây dựng được phương án sản xuất phù hợp, ổn định tư tưởng, phát huy sáng kiến, sáng tạo của người lao động thì kết quả sản xuất, kinh doanh đều khả quan. Điều đó cũng có nghĩa, Đảng ủy khối phải tăng cường hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, sát sao hướng dẫn, kiểm tra giúp đội ngũ cán bộ cấp ủy cơ sở vững vàng, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi, đảng bộ cơ sở để số lượng phải đi đôi với chất lượng. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho DN thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, không khắt khe về thủ tục nhưng cũng không dễ dãi với các DN coi việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể là một hình thức tạo dựng “thương hiệu” cho DN mình. Và đó mới chính là căn cốt tạo nên sức hút của Đảng đối với DN, nhất là DN ngoài khu vực nhà nước.

Càng khó khăn càng phải gắn kết

- Trong tình hình hiện nay, khi mà những thuật ngữ “suy thoái”, “khó khăn”, “tồn kho”… vẫn còn được nhắc tới nhiều thì không chỉ cần thiết ban hành, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tế; không chỉ thấu hiểu, “chia lửa” cùng DN mà còn phải tổ chức các hoạt động để tập hợp, đoàn kết DN và người lao động cộng đồng trách nhiệm quyết tâm vượt khó. Đồng chí có nghĩ như vậy?

- Điều mà các DN đang cần là vốn, là thị trường tiêu thụ, là công nghệ nâng cao sức cạnh tranh, là chiến lược sản xuất, kinh doanh hợp lý… Những yếu tố này rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng không kém chính là niềm tin, sự gắn kết và sẻ chia của người lao động đối với chủ DN. Tất cả phải cùng đi trên một con thuyền, cùng góp sức chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Vì thế, lúc này vai trò, hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong DN có ý nghĩa quyết định. Do vậy, song song với tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, Đảng ủy khối đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh khối hướng hoạt động về cơ sở. Cho đến nay, tổ chức Đoàn khối phát triển 56 chi đoàn cơ sở, gần 10.000 đoàn viên; Hội Cựu chiến binh thành lập được 23 cơ sở hội, hơn 1.000 hội viên. Đây là hai đoàn thể nòng cốt tổ chức các phong trào, hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của người lao động.

- Thông qua các hoạt động xã hội, đồng chí cho biết sự hưởng ứng của người lao động và doanh nghiệp như thế nào?

- Rất chủ động. Đối với việc hiến máu tình nguyện, chúng tôi chỉ cần giao chỉ tiêu, thông báo thời gian, địa điểm, các DN tạo điều kiện về thời gian và còn có kinh phí bồi dưỡng cho người lao động tham gia. Còn thông qua hoạt động hướng về biển đảo Tổ quốc, mới thấy hết được lòng yêu nước của người lao động và DN. Khi phát động, chúng tôi cũng băn khoăn vì năm nay kinh tế có phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Nhưng, khi kế hoạch của Đảng ủy khối ban hành đến cơ sở đã nhận được sự tham gia rất tích cực, cho thấy tinh thần yêu nước của DN và người lao động được thể hiện bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực. Đây cũng chính là hiệu quả của các hoạt động xã hội mang lại.

Tuy nhiên, băn khoăn của chúng tôi hiện nay là chưa thành lập được tổ chức Công đoàn khối vì luật chưa cho phép. Nhưng để xóa được “vùng trắng” tổ chức công đoàn trong DN ngoài nhà nước, tôi đề nghị với các cấp, ngành chức năng cho phép Đảng ủy khối thí điểm được thành lập Công đoàn khối để vận động các DN ngoài khu vực nhà nước thành lập tổ chức công đoàn. Thứ hai, Đảng ủy khối cũng đề nghị Thành ủy và TƯ đẩy mạnh hơn nữa chủ trương kết nạp chủ DN vào Đảng. Điều này là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích. Khi các chủ DN nhận thức được vấn đề thì họ sẽ là lực lượng nòng cốt và tích cực xây dựng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đoàn thể trong DN. Chủ DN sẽ là người chủ động quyết định chiến lược phát triển DN theo đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

- Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động phải hướng về cơ sở, giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.