Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã hội phải mở rộng cửa nhiều hơn cho cán bộ tự nguyện từ chức

Vương Tuấn Anh| 30/11/2014 06:10

(HNM) - Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận bởi những quyết sách quan trọng; đặc biệt là đã thông qua 18 dự án luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến 12 dự luật khác; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai đối với các chức danh chủ chốt của Nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…



Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu đánh giá cao những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị dám làm và dám chịu trách nhiệm trong điều hành; đồng thời cũng cảnh báo với người đứng đầu một số ngành cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục triệt để những hạn chế còn tồn tại. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh những vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


Cơ sở để đánh giá cán bộ

- Thưa ông, việc lấy phiếu tín nhiệm là một cơ chế để giám sát quyền lực và vận hành chế độ trách nhiệm chính trị. Ông đánh giá thế nào về kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII?

- Tôi cho rằng, ý nghĩa rất quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là sự kiểm soát quyền lực và xác lập chế độ trách nhiệm chính trị đã được đẩy tới một bước. Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện trọng trách của mình rất công tâm. Kết quả phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Một số lĩnh vực kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần trước mức độ tín nhiệm chưa được cao như ngân hàng, giao thông nhưng năm vừa qua có chuyển biến tích cực nên số phiếu tín nhiệm cao của người đứng đầu ở các lĩnh vực này khá cao. Bên cạnh đó có một số ngành vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục nên phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu chưa cao.

- Ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm có gắn với việc cảnh báo?

- Việc lấy phiếu tín nhiệm của ta có đặc thù rất Việt Nam, khác với việc bỏ phiếu tín nhiệm. Thực chất, lấy phiếu tín nhiệm là một sự thăm dò và cảnh báo gắn với đánh giá, quy hoạch cán bộ…; còn bỏ phiếu tín nhiệm là một hành vi pháp lý với những tác động tức thì. Tuy nhiên, điều này không phải bao giờ cũng dễ phân định. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng áp đặt chế độ trách nhiệm không nhỏ và có tác động rất lớn. Rõ ràng là ai cũng lo nếu có phiếu tín nhiệm thấp thì không thể có uy tín để làm việc và việc tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo cũng sẽ rất khó khăn. Đó là một cảnh báo đối với người có trách nhiệm ở mỗi ngành cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giải quyết triệt để những mặt còn nhiều yếu kém. Cách làm này giúp những người liên quan nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình. Qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm cùng với việc chất vấn tại Quốc hội, các bộ trưởng cũng quan tâm hơn đến những vấn đề phản ánh của cử tri.

- Trong thực tế, một số bộ trưởng có thể rất nhiệt huyết với công việc nhưng lại không có được sự nhạy cảm của một chính khách. Vì vậy, việc đánh giá tín nhiệm khó có thể công bằng?

- Trong hệ thống của chúng ta chưa có được sự phân biệt tương đối rõ ràng đâu là chính khách, đâu là công chức nên những kỹ năng làm chính khách chưa được phát triển. Chúng ta thường gọi bộ trưởng là “tư lệnh ngành”. Thế nhưng, tư lệnh là người điều binh, khiển tướng, còn bộ trưởng phải là người hoạch định chính sách và lãnh đạo chính trị của bộ máy. Tôi cho rằng, nếu chúng ta phân biệt được tương đối rạch ròi giữa quan chức chính trị và quan chức hành chính - công vụ thì việc đánh giá tín nhiệm chính xác hơn và nền quản trị của chúng ta sẽ có một bước tiến rất đáng kể.

- Nếu được bỏ phiếu tín nhiệm, ông sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao theo tiêu chí nào?

- Tất nhiên, tôi sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao cho người dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm; những vị đứng đầu ngành có tâm với công việc, với người dân; tạo ra được những chuyển biến thật sự trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Những bộ trưởng như vậy không nhiều nhưng không phải là không có.

Phân định chế độ trách nhiệm rõ ràng

- Nói về chế độ trách nhiệm thường có hai loại là trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị. Vậy trách nhiệm của bộ trưởng trước Quốc hội là gì?

- Để xác lập chế độ trách nhiệm cho các bộ trưởng, trước hết chúng ta phải quan niệm bộ trưởng là một chính khách, khác với các quan chức hành chính. Họ chịu trách nhiệm hoạch định chính sách và đứng đầu bộ máy công vụ của ngành mình về mặt chính trị. Họ không thể và không nên là một quan chức điều hành. Như vậy, bộ trưởng chỉ phải chịu trách nhiệm về chính sách, về việc lãnh đạo chính trị bộ máy công vụ. Chế độ trách nhiệm của bộ trưởng là trách nhiệm chính trị và trách nhiệm giải trình thông qua việc thảo luận, tranh luận và chất vấn. Trách nhiệm chính trị có chế tài là Quốc hội có thể biểu dương nếu bộ trưởng làm tốt và có thể phê phán nếu làm dở; hoặc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu làm rất dở.

- Trong hệ thống tổ chức của chúng ta hiện nay, việc quy trách nhiệm của người đứng đầu ngành thường gặp những khó khăn vướng mắc nào, thưa ông?

- Mô hình phân chia quyền lực giữa trung ương và địa phương mà chúng ta đang theo đuổi là song trùng trực thuộc. Các cơ quan chuyên môn vừa trực thuộc bộ, vừa trực thuộc lãnh đạo địa phương. Do đó, chế độ trách nhiệm phải được xác lập song trùng. Trong một mô hình như vậy, việc quy trách nhiệm cho bộ trưởng không chỉ rất khó khăn, mà còn không công bằng. Để khắc phục vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta nên tham khảo mô hình các cấp chính quyền bổ trợ cho nhau trên thế giới để áp dụng.

- Theo ông, việc quy trách nhiệm người đứng đầu ngành cần phải gắn với tiêu chí gì?

- Mức độ tín nhiệm của các bộ trưởng dựa trên kết quả của hai mảng công việc là tham gia xây dựng thể chế, chiến lược và tham mưu với Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đề ra chính sách và tổ chức thực thi chính sách là hai công việc khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau. Việc thứ nhất là của các chính khách, còn việc thứ hai là của các nhà chuyên môn. Đối với các cơ quan chuyên môn, bộ trưởng chỉ nên là người đứng đầu về chính trị.

- Hiện nay chúng ta vẫn còn một số bộ, ngành đề ra chính sách chưa hoặc không phù hợp với thực tế cuộc sống. Vậy theo ông, làm thế nào để đánh giá rằng việc đề ra chính sách của người đứng đầu ngành có hiệu quả?

- Một chính sách tốt là một chính sách thiết thực, không phải là ý muốn chủ quan. Muốn có chính sách thiết thực phải nhắm vào yêu cầu của cuộc sống cần những gì. Nếu vấn đề đặt ra “nóng” nhất, bước đầu ta phải nhận biết đúng nguyên nhân. Sau khi nhận biết đúng nguyên nhân của vấn đề thì phải đề ra được chính sách đúng để xử lý nguyên nhân đó. Thứ hai là phải phân tích tác động của chính sách để xem mình có tiền, có nguồn lực triển khai chính sách đó không. Khi đã trả lời được câu hỏi đó thì mới ban hành chính sách. Chính sách hợp pháp là chính sách quan trọng nhất mới có thể đưa vào thành luật. Muốn đưa chính sách vào cuộc sống tốt thì phần ban hành chính sách phải thực sự được đổi mới. Đây là những căn cứ cơ bản để chúng ta có thể đánh giá việc ban hành chính sách của các bộ, ngành mà người chịu trách nhiệm cao nhất là bộ trưởng.

Cần tạo cơ hội cho người từ chức

- Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp có thể... xin từ chức. Nhưng thực tế, việc lấy phiếu tín nhiệm thời gian qua ở ta không có ai “rơi” vào trường hợp này. Như vậy, liệu có phải chúng ta không có lĩnh vực kinh tế - xã hội nào xảy ra vấn đề quá bức xúc và những người đứng đầu bộ, ngành đều... đủ uy tín?

- Tôi cho rằng, khó có thể khẳng định ở ta không có lĩnh vực kinh tế - xã hội nào xảy ra vấn đề quá “nóng”, quá bức xúc. Nguyên nhân của việc không có bộ trưởng nào bị đánh giá tín nhiệm thấp trên 50%, trước hết trong khuôn khổ thể chế hiện nay, bộ trưởng phải chịu nhiều ràng buộc và hạn chế, không phải muốn làm gì cũng được. Nếu không có toàn quyền thì không thể chịu toàn bộ trách nhiệm. Hai là, với cách chia phiếu làm ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) thì xác suất của việc lựa chọn tín nhiệm thấp chỉ là trên 33%. Nếu chúng ta chia phiếu làm hai mức (tín nhiệm, bất tín nhiệm) thì xác suất của việc lựa chọn bất tín nhiệm sẽ lên đến 50%.

- Ở nhiều nước, khi ngành mình quản lý gặp phải những sự cố thì người đứng đầu thường chọn cách từ chức. Tuy nhiên, ở nước ta chưa thấy bộ trưởng nào chủ động từ chức. Vậy chúng ta có thể xây dựng văn hóa từ chức không, thưa ông?

- Ở nhiều nước trên thế giới đúng là có chuyện bộ trưởng từ chức để nhận trách nhiệm về một vụ việc nào đó liên quan đến ngành mình. Ví dụ, bộ trưởng giao thông có thể từ chức khi một chiếc cầu bị sập hay một chiếc máy bay bị rơi mặc dù họ có thể không có lỗi trong việc này. Tuy nhiên, đây là trường hợp người ta từ chức để nhận trách nhiệm đạo lý nhiều hơn là trách nhiệm pháp lý. Việc hình thành quan niệm đạo đức như vậy cao hơn những quy định điều chỉnh của pháp luật. Việc từ chức đó chỉ làm tăng uy tín cá nhân của người từ chức. Trong lần bầu cử tiếp theo, rất có thể vị cựu bộ trưởng này lại trúng cử với tỷ lệ phiếu cao hơn. Nhưng ở Việt Nam, từ chức để có thể lại trúng cử là chuyện rất khó xảy ra. Sự khác biệt về văn hóa chính trị có lẽ là lý do không thấy các vị bộ trưởng ở ta từ chức. Vì vậy, trước khi xây dựng được các khuôn khổ văn hóa từ chức như các nước, chúng ta cần tăng cường trách nhiệm giải trình trước Quốc hội.

- Chúng ta có cơ chế nào “mở đường” cho sự tự nguyện từ chức của các vị lãnh đạo không còn được tín nhiệm?

- Trong mô hình của ta, văn hóa từ chức được hiểu khác với các nước. Các đồng chí bộ trưởng đều là ủy viên trung ương, là cán bộ cao cấp của Đảng, thực hiện chức trách của mình theo sự phân công của Đảng nên không thể từ chối trách nhiệm do Đảng phân công. Như vậy, nếu nói là từ chức sẽ văn hóa hơn thì không đúng. Đấy là lệch văn hóa chuẩn về mô hình mà chúng ta đang tuân thủ. Là đảng viên phải tuân theo sự phân công của Đảng, nếu không chấp hành thì rõ ràng là không thể có văn hóa. Thứ hai, việc từ chức cũng gắn với những vấn đề lớn hơn như cách tiếp nhận của xã hội, cơ hội sau khi cán bộ từ chức ra sao. Nếu cơ hội vẫn mở ra thì quyết định từ chức cũng dễ hơn. Ở nước ta, bộ trưởng có thể gửi đơn, có ý kiến đề nghị Đảng cho phép được từ chức nếu thấy không đảm nhiệm được công việc. Nếu được Đảng đồng ý thì vị bộ trưởng ấy mới có thể thôi giữ chức vụ đương nhiệm, nếu không được đồng ý thì cũng phải chấp hành.

- Ở các nước, cán bộ có thể được trọng dụng làm việc khác sau khi từ chức nhưng ở nước ta sẽ là rất khó khăn. Vậy có cách nào để tạo cơ hội làm việc và thăng tiến tiếp theo cho cán bộ sau khi tự nguyện từ chức không, thưa ông?

- Đúng vậy, ở các nước phát triển, nếu không làm bộ trưởng thì với trình độ của mình, họ có thể làm giàu không khó. Ở đó cơ chế khuyến khích giữa sự lựa chọn danh tiếng và sự cống hiến với một cuộc sống đời thường nhưng giàu có cũng rộng mở. Nhưng ở Việt Nam, nếu từ chức mà một bộ trưởng muốn làm việc ở đâu mà vẫn được tôn trọng như trước không dễ, bởi xã hội vẫn còn “bịt cửa” cơ hội của họ. Từ chức ở Việt Nam là điều hết sức nặng nề. Nặng nề cho người từ chức, cho vợ con, gia đình, bà con thân tộc. Cơ chế khuyến khích từ chức cũng rất hạn chế vì có chức thì có quyền, có quyền thì có lợi. Nếu người xin từ chức chỉ bị phê phán, bị hắt hủi thì cũng sẽ khó xảy ra việc từ chức. Vì vậy, để tạo cơ hội cho người từ chức thì việc đón nhận của xã hội khi cán bộ từ chức phải hợp lý, hợp tình; xã hội phải rộng mở nhiều hơn, không nên đánh giá khắt khe, quy chụp... Lúc đó, chức tước chỉ là một sự dấn thân mà không phải là thành tựu gì đó vĩ đại cả.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã hội phải mở rộng cửa nhiều hơn cho cán bộ tự nguyện từ chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.